Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Pháp luật

19 Tháng Ba 2024

Xét xử vụ án chạy thận: "Giám đốc không thể trực tiếp kiểm tra từng cái cặp nhiệt độ"

Thứ Ba 22/01/2019 | 12:41 GMT+7

VHO - Sáng 22.1, phiên toà xét xử vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vô ý làm chết ngườ”i bước vào phần tranh tụng. Bị cáo Trương Quý Dương là người được trình bày quan điểm bào chữa đầu tiên. Mặc dù đã uỷ quyền cho luật sư bào chữa, nhưng bị cáo Trương Quý Dương vẫn xin bày tỏ thêm một "quan điểm nho nhỏ", rằng bị cáo không dám nói oan hay không oan nhưng mong muốn HĐXX xem xét đến tính đặc thù của ngành y.

Giám đốc không thể trực tiếp kiểm tra từng cái cặp nhiệt độ

Bắt đầu phiên xử sáng nay, bị cáo Trương Quý Dương là người trình bày phần bào chữa về những nội dung cáo buộc của Viện Kiểm sát (VKS). Bị cáo Trương Quý Dương đã nhường phần bào chữa cho các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Luật sư Huỳnh Phương Nam, một trong  ba luật sư đăng ký bào chữa cho bị cáo Trương Quý Dương là người bào chữa đầu tiên. Luật sư Nam thể hiện sự thất vọng đối với quan điểm luận tội của VKS trước khi bào chữa. Luật sư Nam cho rằng, VKS đã trình bày lại toàn bộ nội dung của cáo trạng và một số tình tiết khác tại phiên toà theo hướng bất lợi cho bị cáo Dương.

Trước hết, về chủ trương thành lập Đơn nguyên lọc máu là một chủ trương đúng đắn, phục vụ nhu cầu và lợi ích của nhân dân. 

Về ý kiến của Sở Nội vụ là không có khái niệm về đơn nguyên, chúng tôi rất muốn có đại diện của Sở Nội vụ để hỏi rõ cơ sở pháp lý về quan điểm này của Sở Nội vụ. Đơn nguyên là một đơn vị trong các cơ sở khám chữa bệnh đã được ngành y tế sử dụng. Và cũng không phải tất cả các tên gọi chưa có quy định đều không được dùng. Quan điểm của Sở Nội vụ đã ảnh hưởng đến toàn bộ BVĐKHB và các cơ sở y tế khác cũng như của bị cáo Dương.

Về vấn đề kỹ thuật viên thì Bệnh viện có thể sắp xếp, đặt bất cứ ở đâu, miễn là bệnh viện có điều kiện thực hiện. BVĐKHB có kỹ thuật viên ở Khoa Hồi sức tích cực và có thể sử dụng cho Đơn nguyên lọc máu. Bên cạnh đó, kỹ thuật chạy thận nhân tạo hiện được áp dụng ở rất nhiều bệnh viện, cả tuyến huyện.

Các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết không có biên chế kỹ thuật viên cho từng khoa, từng bộ phận mà có thể sử dụng kỹ thuật viên một cách linh hoạt.

Quy kết việc bị cáo thiếu kiểm tra, giám sát là không thuyết phục vì BVĐKHB có hơn 700 cán bộ, công chức, mỗi người, mỗi vị trí đều có sự phân công phân cấp, việc kiểm tra, giám sát là thông qua báo cáo từ cấp dưới lên cấp trên. Bị cáo Dương không thể đi kiểm tra trực tiếp tất cả các vị trí, các công việc cụ thể. Việc quy kết bị cáo Dương để cho nguyên đơn lọc máu tuỳ tiện sử dụng là không đúng, vì không có ai báo cáo và hàng năm Sở Y tế đều có kiểm tra, thanh tra, không có lần nào kết luận là đơn nguyên lọc máu có sai phạm gì.

Ông Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng khẳng định tại toà là Giám đốc, lãnh đạo Bệnh viện không thể kiểm tra, giám sát từng việc cụ thể của Bệnh viện. Do đó, đại diện VKS quy kết là Giám đốc phải chịu toàn bộ trách nhiệm là không đúng vì nếu quy kết mọi sai phạm của từng cá nhân trong Bệnh viện là do giám đốc Bệnh viện thì không lấy đâu ra đủ giám đốc.

Biên bản bàn giao hệ thống RO2 không có hay ở đâu?

Cùng bảo vệ cho bị cáo Trương Quý Dương, luật sư Đỗ Quốc Quyền đồng thuận với VKS về  trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng luật sư Quyền đặt ra câu hỏi là trách nhiệm đó phải đến đâu. Nếu trách nhiệm trong phạm vi của một vụ án hình sự thì phải chỉ ra những căn cứ pháp luật để xử lý các hành vi thực tế.

Luật sư Quyền cho rằng: Hành vi của ông Trương Quý Dương không tương thích với quy định tại điều 285. Luật sư Quyền chỉ rõ:

Thứ nhất, VKS  cáo buộc bị cáo Trương Quý Dương chưa bố trí đầy đủ nguồn nhân lực là không đúng. 

Theo Quy chế Bệnh viện có quy định 76 chức danh, trong đó không có chức danh kỹ sư kỹ thuật viên khoa lọc máu. Vì vậy, khi thực hiện đề án chuyển giao, Bệnh viện Bạch Mai chỉ đào tạo về bác sĩ, điều dưỡng viên. Trong danh sách đào tạo của Bệnh viện Bạch Mai, không có anh Trần Văn Sơn, ngoài 3 bác sĩ thì 23 người còn lại được gọi là điều dưỡng, kỹ thuật viên mà không phân biệt cụ thể ai là điều dưỡng, ai là kỹ thuật viên. Như vậy là điều dưỡng có thể thực hiện được công việc của kỹ thuật viên lọc máu. Như vậy, không thể nói ông Dương không bố trí kỹ thuật viên. Đơn nguyên lọc máu đã có đầy đủ bác sĩ, điều dưỡng viên (có thể thực hiện công việc của kỹ thuật viên) để hoạt động. Trong các báo cáo tình hình hoạt động các năm 2015, 2016 đều không có đề cập đến việc cần thiết phải có vị trí kỹ sư kỹ thuật viên cho đơn nguyên lọc máu, chỉ đề cập đến việc bổ sung điều dưỡng viên. 

Thứ 2, quy kết là ông Trương Quý Dương không giao cho cá nhân sử dụng hệ thống lọc nước RO để Đơn nguyên tuỳ tiện sử dụng dẫn đến hậu quả xảy ra ngày 29.5.2017. Quy kết như thế là không đúng.

Quy chế Bệnh viện quy định rất rõ chức năng, nhiệm vụ của giám đốc, các phó giám đốc, các khoa phòng. Bệnh viện có quy định ông Hoàng Đình Khiếu là Phó Giám đốc phụ trách 13 khoa, phòng, trong đó có Phòng Vật tư, trang thiết bị y tế và kiêm trưởng khoa Hồi sức tích cực.

Về trang thiết bị y tế, tất cả các trang thiết bị y tế, tất cả các máy móc của Bệnh viện đều có biên bản bàn giao cho từng cá nhân cụ thể. Tuy nhiên, đối với hệ thống RO2, một điều lạ là không có biên bản bàn giao. Tại sao lại riêng trang thiết bị này lại không có? Mà nếu không có thì trang thiết bị này do ông Khiếu quản lý, ông Khiếu phải chịu trách nhiệm. Mặc dù ông Khiếu khai đã giao cho ông Tình, nhưng ông Tình nói không được giao và hiện không có biên bản bàn giao thì ông Khiếu phải chịu trách nhiệm.

Ông Dương không thể quản lý đến từng cái máy, cái cặp nhiệt độ của Bệnh viện, vì đã phân cấp, phân quyền rồi.

Về việc ban hành quy định đối với trang thiết bị, máy móc, luật sư Quyền cho rằng: Chưa có quy định của Bộ Y tế về việc ban hành quy định sửa chữa, bảo dưỡng các trang thiết bị, máy móc thì Bệnh viện không thể ban hành được. Vì vậy, chỉ có thể sử dụng quy trình của nhà sản xuất.

Vì vậy, VKS quy kết của VKS là ông Dương chưa ban hành quy chế sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị y tế là không có căn cứ. Quy kết này đối với cả ông Hoàng Đình Khiếu cũng là không phù hợp.

Thứ 3, Giám đốc có trách nhiệm phải kiểm tra mọi hoạt động của Bệnh viện. Tôi xin nhắc lại việc kiểm tra là một biện pháp tăng cường chứ không phải là biện pháp quyết định hiệu quả hoạt động của Bệnh viện. 

Tại BVĐKHB, công tác kiểm tra được thực hiện qua các kênh: Báo cáo của các đơn vị cấp dưới; kiểm tra định kỳ hằng năm của Bệnh viện; Kiểm tra định kỳ  hoặc đột xuất của Sở Y tế.

Theo các kết quả đánh giá kiểm tra của Sở Y tế đối với BVĐKHB thì đều kết luận Bệnh viện thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật, chuyên môn. 

Đối với hệ thống RO, thì thiết bị này đã được giao cho Khoa, ông Dương không thể hằng ngày xuống Đơn nguyên để xem cái máy RO hoạt động thế nào.

Luật sư Đỗ Quốc Quyền cũng đặt ra vấn đề: Tại sao tất cả các trang thiết bị của Bệnh viện đều có biên bản bàn giao mà riêng hệ thống RO2 lại không có biên bản. Trong khi ông Hoàng Đình Khiếu khai đã giao cho ông Hoàng Công Tình, nhưng ông Tình phủ nhận là không được bàn giao. Vậy có hay không biên bản này và nếu có thì nó đang ở đâu?

Đối đáp lại các quan điểm của luật sư, VKS đã đưa ra các căn cứ để khẳng định cáo buộc của Viện là đúng. Hai bên đối đáp đến 12h, cuối cùng VKS đề nghị HĐXX xem xét quan điểm của luật sư và của VKS để có phán xét đúng pháp luật.

Mặc dù đã uỷ quyền cho luật sư bào chữa, nhưng bị cáo Trương Quý Dương Dương cũng xin nêu thêm "quan điểm nho nhỏ": Bị cáo có trách nhiệm nên bị cáo không nói oan hay không oan mà trách nhiệm của bị cáo sẽ do HĐXX xem xét.

Bị cáo thấy VKS có lý vì VKS căn cứ trên cơ sở pháp luật, tuy nhiên bị cáo muốn bày tỏ quan điểm để HĐXX xem xét, vì không chỉ có bị cáo mà còn có các bị cáo khác.

Đây là một sự cố hi hữu, mà thế giới mới có lần đầu, mà áp dụng các quy định cách đây hơn 20 năm để áp dụng thì cũng có phần cứng nhắc, chưa thoả đáng. 

Bên cạnh đó, có những vấn đề nếu không đặt trong những hoàn cảnh cụ thể thì cũng không xác đáng. Ví dụ, như việc xây dựng quy trình sử dụng các loại trang thiết bị thì không có một văn bản nào quy định phải xây dựng quy trình cụ thể cho từng loại trang thiết bị. Trong ngành y thì có rất nhiều kỹ thuật, phác đồ điều trị, nhưng không thể xây dựng ngay một lúc mà các bệnh viện xây dựng dần. Kỹ thuật, phác đồ điều trị nào chưa có quy trình thì tham khảo quy trình của các nơi khác, từ giáo trình, từ hướng dẫn của nhà sản xuất đối với máy móc, trang thiết bị. 

Bệnh viện có rất nhiều trang thiết bị, mà không có văn bản nào quy định là giám đốc phải phân từng trang thiết bị cho từng người, mà chỉ phân cho trưởng khoa, khoa phân cho ai là trách nhiệm của lãnh đạo khoa.

Bệnh viện có 5.000 - 6.000 kỹ thuật, không thể ban hành ngay một lúc hết được.

Do vậy, bị cáo sẵn sàng nhận trách nhiệm nhưng HĐXX hãy lấy tính hết sức đặc thù của ngành y để xem xét.

HOÀNG HƯƠNG

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top