Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Pháp luật

29 Tháng Ba 2024

Nghệ An: Phá đường dây lừa “chạy” chế độ thương binh

Thứ Sáu 09/02/2018 | 09:48 GMT+7

VH- Lợi dụng lòng tin của các cựu chiến binh có nguyện vọng hưởng các chế độ chính sách nhưng bị thất lạc hồ sơ, giấy tờ... các đối tượng lừa đảo đã tạo lập đường dây chạy chế độ thương binh lừa hàng trăm cựu chiến binh, chiếm đoạt số tiền hàng tỷ đồng.

  Bị cáo Tạ Thị Vân tại phiên tòa

 Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An vừa mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Tạ Thị Vân, 56 tuổi, trú tại TP.Vinh, tỉnh Nghệ An về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng Vân được xác định là “trùm” trong vụ việc nhận tiền chạy chế độ thương binh, chất độc da cam của các cựu chiến binh. Tạ Thị Vân có chồng công tác trong lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An, bản thân bà Vân cũng là bộ đội phục viên. Đối tượng Vân đã cấu kết với Hồ Thanh Tùng, trú tại xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An để lừa đảo hàng trăm cựu chiến binh. Mỗi trường hợp, tùy vào nguyện vọng muốn làm chế độ, đối tượng Vân ra giá từ 12 đến 30 triệu đồng. Bà Tạ Thị Vân đã nhận chạy chế độ cho họ nhưng trên thực tế đã không giải quyết được bất kỳ trường hợp nào như đã nói.

Theo đường dây Tạ Thị Vân, 5 người ở Nghệ An, Hà Tĩnh được xác định là bị hại trong vụ án đã đứng ra làm trung gian cũng hưởng lợi thu hồ sơ, giấy tờ và tiền của nhiều cựu chiến binh. Trong đó, ông Phạm Văn M. (63 tuổi, trú huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) nhận 65 bộ hồ sơ với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng; ông Trần Văn P. (70 tuổi, trú huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) nhận 34 bộ hồ sơ với số tiền 626 triệu đồng; ông Nguyễn Nam K. (68 tuổi, trú huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) nhận 34 bộ hồ sơ và 680 triệu đồng; ông Thái Văn P. (55 tuổi, trú huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) nhận 31 bộ hồ sơ, 310 triệu đồng; ông Nguyễn Văn N. (60 tuổi, trú thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) nhận 36 bộ hồ sơ, 936 triệu đồng đưa cho Tạ Thị Vân hoặc Hồ Thanh Tùng để chạy chế độ. Nhận tất cả hồ sơ của các cựu chiến binh, Tạ Thị Vân hứa sẽ có quyết định về việc hưởng chế độ trong vòng 1 năm. Với thủ đoạn này, Vân chiếm đoạt của 95 cựu chiến binh hơn 3,5 tỉ đồng. Khi sự việc bị phát giác, Tạ Thị Vân liền bán nhà, bỏ trốn dẫn đến nhiều hồ sơ của các cựu chiến binh hiện vẫn đang bị thất lạc. Tạ Thị Vân sau đó bị Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ. Hiện Tạ Thị Vân và gia đình đã hoàn trả được một phần số tiền chiếm đoạt cho các bị hại để trả cho các cựu chiến binh.Tại phiên tòa, sau khi xem xét toàn diện vụ án, Hội đồng xét xử tuyên phạt Tạ Thị Vân 14 năm tù, buộc bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của 5 bị hại để họ hoàn trả cho 95 cựu chiến binh nói trên.

Trong quá trình mở rộng điều tra cho thấy, Tạ Thị Vân thông qua Hồ Thanh Tùng nhận 471 bộ hồ sơ chạy chế độ cho các cựu chiến binh với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng. Sau khi sự việc bị phát giác, Hồ Thanh Tùng đã bỏ trốn khỏi địa phương. Cơ quan điều tra đã phát lệnh truy nã, đồng thời tách thành một vụ án khác, khi nào bắt được Tùng sẽ xử lý sau.

Nói về bất cập làm hồ sơ chế độ thương binh, ông Trần Đình Lan, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Nghệ An cho biết: Thực tế các thông tư trước đây còn chưa chặt chẽ. Chỉ cần có hai đối tượng làm chứng là đủ tính pháp lý, nên đã tạo điều kiện cho một số đối tượng làm hồ sơ thương binh giả. Trong khi đó, cũng có nhiều đối tượng “người thật việc thật” vì không còn giấy tờ gốc nên cũng phải “chạy” theo các đường dây này để hy vọng được công nhận thương binh. Vì vậy lợi dụng điều này nhiều đối tượng đã lừa cựu chiến binh”.

Việc tiếp nhận hồ sơ xét duyệt chế độ chính sách phải được các cơ quan chức năng tiếp nhận thẩm định xét duyệt, theo quy định từ Ban Chỉ huy quân sự xã lên Ban Chỉ huy quân sự huyện, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Cục Chính trị Quân khu IV sau đó trình Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, xét duyệt theo quy định của Nhà nước. Hành vi của các đối tượng cầm đầu đường dây “chạy” thương binh là nguy hiểm cho xã hội, đã phạm vào tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự và cần được xử lý nghiêm trước pháp luật. Qua đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho người dân, cần phải đến cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn làm những thủ tục chính xác, không nghe theo lời rủ rê để tránh bị lừa.

 ​Từ tháng 4.2016, đoàn thanh tra liên bộ của Bộ LĐ,TB&XH phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức thanh tra 22.000 hồ sơ thương binh các loại trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Sở LĐ,TB&XH Nghệ An đã đình chỉ trợ cấp thường xuyên 90 trường hợp hồ sơ thương binh được cho là giả, hưởng trợ cấp từ năm 2004 đến tháng 9.2016 với số tiền hơn 16 tỉ đồng. Năm 2014 thanh tra Bộ LĐ,TB&XH cũng tổ chức thanh tra ngẫu nhiên 1.500 hồ sơ thương binh ở ba huyện Đô Lương, Hưng Nguyên và TP Vinh (Nghệ An) và phát hiện 195 hồ sơ bị làm giả, khai man và 51 hồ sơ có dấu hiệu làm giả để hưởng chế độ ưu đãi thương binh; đồng thời yêu cầu Sở LĐ,TB&XH Nghệ An đình chỉ trợ cấp và truy thu khoảng 20 tỉ đồng.

Phạm Ngân

 

 

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top