Chuyên gia Nga duy nhất của Trung tâm Nga tại TP.HCM

VH- Chúng tôi vừa có dịp đến Trung tâm Nga tại TP.HCM những ngày đầu tháng 11, trong không khí hào hùng kỷ niệm tròn một thế kỷ cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

Cô Natalia Zolkina và các sinh viên VN đặt hoa tưởng niệm tại Tượng đài thủy thủ Nga ở Nghĩa trang Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương

VH- Chúng tôi vừa có dịp đến Trung tâm Nga tại TP.HCM những ngày đầu tháng 11, trong không khí hào hùng kỷ niệm tròn một thế kỷ cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

Tiếp chúng tôi là cô Natalia Zolkina, chuyên gia người Nga duy nhất đồng thời là Giám đốc Trung tâm Nga tại TP.HCM. 
  TS Nguyễn Thị Hằng, Trưởng khoa Nga Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đơn vị gắn bó mật thiết với Trung tâm Nga cho biết, từ khi thành lập, Trung tâm Nga thường xuyên tổ chức những hoạt động như bài giảng và giờ học tiếng Nga, tổ chức gặp gỡ với các chuyên gia, họa sĩ, nghệ sĩ đến từ Nga, tổ chức những lớp học thủ công, cuộc thi sáng tạo, cuộc thi đọc thơ của Sergei Esenin, cuộc thi hùng biện tiếng Nga, buổi thuyết trình về các lễ hội và nghề thủ công của Nga, những cuộc thi về kiến thức văn hóa, lịch sử Nga… Nhờ vậy sinh viên không chỉ được thực hành giao tiếp ngôn ngữ mà còn được làm quen với truyền thống Nga, tiếp thu kiến thức và văn hóa Nga. Ngoài việc giảng dạy tiếng Nga, Trung tâm còn hỗ trợ các tổ chức Việt Nam có quan tâm đến tiếng Nga, trong đó, Trường làng Hoa Thang thuộc tỉnh Bình Thuận đã trở thành “Cánh én đầu tiên” ở miền Nam trong việc thử nghiệm đưa tiếng Nga vào chương trình giảng dạy lớp 6 sau ngày thống nhất đất nước năm 1975. Trung tâm đã hỗ trợ về mặt phương pháp cũng như tặng cho trường những tài liệu hỗ trợ giảng dạy…

Trung tâm Nga được thành lập ngày 12.11.2010 tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, là trung tâm thứ hai ở Việt Nam, sau trung tâm tại Hà Nội. Trung tâm Nga được thành lập với vai trò thúc đẩy tiếng Nga và văn hóa Nga tại các tỉnh phía Nam.

 

Theo cô Natalia Zolkina, những hoạt động ở Trung tâm Nga được tổ chức đa dạng bao gồm những sự kiện giải trí quốc tế; những hoạt động kết hợp với Hội Hữu nghị Việt-Nga; các hội thảo khoa học quốc tế ở Việt Nam cũng như ở Nga; những chuyến công tác đến các tỉnh thành khác với mục đích thiết lập nhóm các trường đại học có quan tâm đến việc giảng dạy tiếng Nga; dạy tiếng Nga cho các công ty và cho những người muốn học tiếng Nga... “Những người trẻ Việt Nam đến đây rất hữu ích vì có thể phát triển được vòng tròn xã hội, điều mà không chỉ gắn kết họ với truyền thống của tình hữu nghị Việt - Nga mà còn ảnh hưởng tích cực đến sự nghiệp của họ sau này”, cô Natalia Zolkina cho hay.

Kể lại quá trình gắn bó tại Việt Nam, cô Natalia Zolkina cho biết, cô sang Việt Nam năm 1980, lúc này được phân công làm việc một năm tại Hà Nội và sau đó một năm tại TP.HCM. Đến năm 2008, cô Natalia Zolkina trở lại Việt Nam và tham gia công tác nghiên cứu, giảng dạy ở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Đến tháng 11.2010, khi Trung tâm Nga được thành lập thì cô Natalia Zolkina được Quỹ Giới Nga phân công làm Giám đốc, cô cũng là chuyên gia duy nhất đại diện cho Quỹ Giới Nga tại TP.HCM, gồm giới chuyên gia nghiên cứu về Nga ngữ.

“Tôi đã từng làm việc ở nhiều quốc gia, nhưng chưa có nơi nào gắn bó với tôi sâu đậm như Việt Nam. Chẳng hạn trước khi đến Việt Nam tôi có thời gian làm việc tại Hàn Quốc, nơi đây điều kiện làm việc rất tốt và hiện đại, nhưng khi kết thúc công việc thì tôi về nước thấy nhẹ nhàng không vướng bận tâm tư gì. Còn ở Việt Nam thì không dễ dàng như vậy. Không chỉ tôi mà một số bạn bè tôi cũng nói rằng, khi làm việc ở Việt Nam, đến khi đi thì trái tim vẫn còn ở lại đây”, cô Natalia Zolkina chia sẻ.

Trong lớp học tiếng Nga với các sinh viên Việt Nam, lúc nào cô Natalia cũng niềm nở và ân cần với các học trò. Chính vì thế mà sinh viên luôn dành cho cô sự yêu mến đặc biệt. Sinh viên Nguyễn Thanh Bình, lớp K41 Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết, cô Natalia luôn tận tình giảng dạy và chỉ bảo cho sinh viên. Cô sẵn sàng giúp đỡ mọi lúc mọi nơi khi sinh viên cần. Ngoài dạy về văn hóa, lễ hội, nghi thức lời nói Nga, cô còn dạy sinh viên làm thiệp để tặng những người thân yêu trong ngày Gia đình, Ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo…Vì thế tình cảm của cô Natalia với các sinh viên rất gắn bó. 
TS Nguyễn Thị Hằng cho biết, ngoài chuyên môn vững chắc, cô Natalia Zolkina còn là một người rất am hiểu và yêu đất nước con người Việt Nam. Cô cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục và việc giảng dạy, truyền đạt văn hóa đất nước con người Nga đến Việt Nam cũng như văn hóa Việt Nam đến Nga. Với những đóng góp của mình, cô Natalia Zolkina đã được trao Huy chương Hữu nghị Việt Nam năm 1981 và Huy chương Hữu nghị của Hội Hữu nghị Việt - Nga năm 2008. Có thể nói những hoạt động thường ngày của Trung tâm Nga phối hợp với Khoa Nga đã mang đến những thành quả tích cực, sinh viên tốt nghiệp đều làm việc ở những vị trí tốt tại các doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp liên doanh, tại Hội Hữu nghị Việt-Nga và các doanh nghiệp của Nga.

Thùy Trang

Ý kiến bạn đọc