Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Chuyện về Hoàng gia Mã Lai

Thứ Năm 19/01/2023 | 09:30 GMT+7

VHO- Indonesia, Brunei, Singapore và Malaysia là những quốc gia Đông Nam Á hải đảo hay còn gọi là vùng Nam Đảo. Một phần lãnh thổ Malaysia, Indonesia, Brunei cùng nằm trên đảo Borneo (hòn đảo lớn thứ ba trên thế giới và lớn nhất châu Á), được xem là vùng trung tâm địa lý hàng hải của Đông Nam Á.

Nhà vua và Hoàng hậu Malaysia tham quan gian trưng bày thời trang các nước Đông Nam Á tại Putrajaya

Đảo Borneo nằm ở phía Bắc đảo Java, phía Tây Sulawesi và phía Đông Sumatra; các tiểu bang Sabah và Sarawak của Malaysia ở phía Tây và Brunei ở Tây Bắc; Indonesia ở phía Đông và Đông Nam của hòn đảo. Thêm vào đó, tiểu bang Labuan thuộc Liên bang Malaysia nằm trên một hòn đảo nhỏ ngay bờ biển Borneo. Ngoài ra, lãnh thổ của Malaysia còn nằm trên các bán đảo kéo dài từ Đông sang Tây và nối lên phía tiếp giáp với bán đảo phía Nam Thái Lan.

Liên bang Malaysia gồm 13 tiểu bang, có 9 vị Vua trị vì ở 9 tiểu bang khác nhau. Theo thỏa thuận không chính thức, các vị Vua này được tuyển lựa để nắm giữ vị trí Quốc vương của cả Liên bang, với nhiệm kỳ 5 năm. Bốn bang còn lại có Thủ hiến trên danh nghĩa, song không tham gia vào việc tuyển chọn để nắm giữ ngôi vua. Điều đó cho thấy, Malaysia là một quốc gia quân chủ kế tập tuyển cử lập hiến liên bang. Hệ thống chính phủ theo mô hình gần với hệ thống Nghị viện Westminster, một di sản của chế độ thuộc địa Anh. Nguyên thủ quốc gia là Yang di-Pertuan Agong, thường được gọi là Quốc vương. Vai trò của Quốc vương phần lớn mang tính biểu tượng, thể hiện qua lễ nghi. Khi nắm giữ vai trò Quốc vương thì Hoàng gia (chủ yếu là vợ con của nhà vua) được đến ở tại cung điện, gọi là The National places.

Cung điện Hoàng gia được khánh thành vào năm 1957, thiết kế có sự pha trộn giữa phong cách kiến ​​trúc Ottoman và Malay, chịu ảnh hưởng nhiều từ Nhà thờ Hồi giáo Xanh ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Cung điện nằm trên quả đồi Jalan Tuanku Abdul Halim ở Segambut, Tây Bắc thủ đô Kuala Lumpur. Khu phức hợp cung điện có diện tích 97,65 ha, tòa nhà chính trong hoàng cung có đỉnh hình tròn, màu vàng, kết cấu gồm có 22 mái vòm được làm từ vật liệu tổng hợp (sợi thủy tinh trộn với nhựa epoxy) bền và nhẹ. Mái vòm lớn chính giữa được nâng đỡ bởi các cột trụ tròn, cao 40m, bằng 10 tầng nhà, bên trong được trang hoàng bằng nhiều ghế sô pha cao cấp và hệ thống đèn chùm tuyệt đẹp. Cung điện được chia thành ba phần chính: Hợp phần chính thức, hợp phần Hoàng gia và hợp phần Hành chính. Phong thủy gọi là thế “tựa sơn - hứng thủy” vì tọa lạc trên đỉnh một quả đồi ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur và hướng nhìn ra sông, tạo nên quang cảnh vô cùng độc đáo.

Hoàng hậu Malaysia đang nâng niu tấm thổ cẩm của dân tộc Thái miền Tây Nghệ An (Việt Nam)

Cung điện Hoàng gia là dinh thự chính thức của Quốc vương Malaysia (Yang di-Pertuan Agong), là nơi tổ chức các cuộc họp mặt quan trọng và những nghi lễ trọng thể của đất nước. Quốc vương đương nhiệm của Malaysia là ngài Sultan Abdullah Ri’ayatuddin. Tuy nhiên, trong Hoàng gia, người xuất hiện trước thần dân nhiều nhất lại là đương kim Hoàng hậu Tunku Azizah Aminah Maimunah Iskandariah. Bà rất thân thiện và luôn gần gũi với mọi người, đặc biệt, Hoàng hậu rất quan tâm đến trang phục dân tộc, bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống batik, songket. Bà là người bảo trợ cho Hiệp hội Nghề dệt may truyền thống ASEAN (TTAS) - một tổ chức phi chính phủ, có trụ sở chính thức ở Thủ đô Jakarta, Indonesia. Bà luôn dành nhiều nhiệt huyết cho hoạt động của cơ quan này, đứng ra tổ chức, chủ trì nhiều hội thảo về nghề dệt may, thời trang của khu vực Đông Nam Á.

Hoàng hậu Malaysia đã đến Việt Nam dự Hội thảo lần thứ 7 do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức vào năm 2014. Hội thảo lần thứ 8, năm 2019 được tổ chức tại tỉnh Yoyakarta, đảo Java (Indonesia), Hoàng hậu cùng một số thành viên trong Hoàng gia bay từ Malaysia sang mở tiệc chiêu đãi, mời các diễn viên nổi tiếng biểu diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc để chào mừng các đại biểu. Hội thảo lần thứ 9 được tổ chức vào đầu tháng 10 năm 2022 tại Thủ đô mới Putrajaya, tiểu bang Pahang (Malaysia), cả Vua và Hoàng hậu đều đến dự lễ khai mạc. Bà đã chủ trì Hội thảo và quán xuyến mọi hoạt động hưởng ứng sự kiện. Bà không bỏ sót bất kỳ hoạt động nào, đặt câu hỏi, trao đổi với những học giả, speaker; bà còn tranh thủ đi thăm, ngắm từng gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm batik, ikat, songket, lụa tơ tằm... do các nghệ nhân, doanh nhân may mặc mang đến đến từ các tiểu bang của Malaysia, Indonesia và các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Trong lễ khai mạc, bế mạc, bà không đọc diễn văn do thư ký chuẩn bị sẵn mà nói bằng tiếng Anh theo mạch cảm xúc tự nhiên, lắng đọng và chân tình.

Vũ điệu cung đình Hoàng gia Malaysia

Hoàng gia Malaysia được bảo vệ, đối đãi theo chế độ của nguyên thủ quốc gia. Lực lượng vệ binh Hoàng gia luôn bố trí nhiều nhiều lớp cảnh vệ, theo sát từng bước chân để bảo vệ an toàn cho những người trong hoàng tộc. Tuy nhiên, khi giao tiếp, diện kiến hay “cáo lui” với Vua và Hoàng hậu, thần dân có vẻ “dân chủ”, không cần phải “muôn tâu bệ hạ” và quỳ lạy phủ phục kiểu hạ mình quá đáng, mà chỉ đứng nghiêm, chắp hai tay trên trán chào để thể hiện sự cung kính. Khi ngồi làm việc, Hoàng hậu có một chiếc ghế màu vàng để phân biệt với những người khác. Khi ở bàn ăn, bà cũng được người phục vụ chuẩn bị cho một bộ dụng cụ ẩm thực riêng, gồm khăn tri bàn, khăn ăn, bát, đĩa, thìa... đều màu vàng - màu biểu tượng của Hoàng gia. Lúc bà di chuyển từ nơi làm việc, thăm thú, dự tiệc hay dùng bữa bình thường cùng mọi người đều có bộ phận phục vụ mang theo những vật dụng riêng. Đó là quy tắc bắt buộc, nhưng đôi lúc Hoàng hậu cũng khéo léo từ chối ngồi vào chiếc ghế vàng ở những nơi, những lúc không đòi hỏi lễ nghi, khánh tiết để thể hiện sự hòa đồng, thân thiện.

Lại nói thêm về Cung điện hoàng gia Malaysai, nơi đây không chỉ là cung vua phủ chúa mà còn là “nhà đa năng”: Các lễ tiết quốc gia, nghi lễ đạo Hồi được thực hiện đầu tiên trước khi diễn ra các sự kiện quan trọng, dù là quốc nội hay quốc tế; Vua và chính phủ đón tiếp nguyên thủ, thượng khách nước ngoài đến thăm, làm việc, đón tiếp đại sứ các nước theo thủ tục quan hệ ngoại giao... Trong hoàng cung có hội trường rộng lớn, trang trí lộng lẫy, có bục cao đối diện lối ra vào để Vua, Hoàng hậu, Công chúa và các vị nguyên thủ quốc gia, quốc tế ngồi dự tiệc cũng như xem biểu diễn nghệ thuật. Bên phải cửa ra vào là nơi dành cho nhạc công cung đình biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống. Phần lớn diện tích của hội trường bố trí các cụm bàn tiệc sang trọng đối xứng với lối đi lên sân khấu. Nơi đây thường tổ chức đại yến tiệc và chương trình nhã nhạc, ca múa cung đình, những tiết mục đặc sắc của đất nước Malaysia, phục dựng các nghi lễ đám cưới Hoàng gia, chương trình biểu diễn thời trang tầm cỡ để phục vụ thượng khách, khách quý và du khách. Hoàng cung còn là điểm đến thú vị của du khách, vì nơi đây được dành một không gian và chương trình nhất định cho mục đích du lịch, tạo nguồn thu cho quốc kế dân sinh.

                 TẤN VỊNH

 

Print

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top