Lê Phổ, họa sĩ trang trí nội thất cho gia đình Hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Lộc

VHO - Người ta biết Lê Phổ là họa sĩ nổi tiếng với tranh sơn dầu, và cả tranh lụa, tranh sơ mài ở thời kỳ đầu, nhưng ít ai biết ông còn là họa sĩ trang trí nội thất. Theo lời kể của ông Alain Lê Kim, con trai họa sĩ, vào những năm 1950 khi gia đình khó khăn do việc bán tranh bị chững lại, ông kiếm tiền bằng việc trang trí nội thất cho những người giàu có ngưỡng mộ tài năng của họa sĩ, trong đó có hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Lộc.

Lê Phổ, họa sĩ trang trí nội thất cho gia đình Hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Lộc - Anh 1

Tọa đàm với Alain Lê Kim, con trai họa sĩ Lê Phổ (bên trái) và Jean-François Nguyễn, con trai Hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Lộc (giữa) ở phòng triển lãm Sotheby's, Paris

Hoạ sĩ Lê Phổ sinh ra ở Hà Nội năm 1907, mất ở Paris năm 2001, là một trong những họa sĩ hàng đầu của nghệ thuật Việt Nam, cũng là một danh họa thành công trên đất Pháp, cùng với Mai Thứ, Vũ Cao Đàm. Cùng năm thành lập trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương (1925), Lê Phổ thi đỗ vào khóa 1 của trường, được dẫn dắt bởi Victor Tardieu. Với niềm đam mê và tài năng của mình, người thầy họa sĩ người Pháp đã giúp các học sinh tìm được nguồn cảm hứng cho riêng mình. Một mặt, ông giúp học trò nắm vững các kĩ thuật hội họa phương Tây, một mặt ông khuyến khích họ hướng đến tính truyền thống của nghệ thuật bản địa. Năm 1931, một số học sinh của trường được được Victor Tardieu đưa sang Paris tham dự Triển lãm thuộc địa, trong đó Lê Phổ với vai trò là trợ lý của Victor Tardieu và phụ trách việc trang trí Phòng sơn mài khu Angkor. Đồng thời, Lê Phổ cũng cùng các học sinh của trường triển lãm một số tranh của mình ở đó. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương lúc này đã rất nổi tiếng và các họa sĩ tham dự Triển lãm thuộc địa lần này đã làm cho trường càng trở nên nổi tiếng hơn. Lê Phổ ở lại một năm ở Pháp, theo học Trường Mỹ thuật Paris.

Lê Phổ, họa sĩ trang trí nội thất cho gia đình Hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Lộc - Anh 2

Bức tranh Vịt và sen của họa sĩ Lê Phổ, mực và bột màu trên lụa, 64 x 96 cm. Vẽ vào cuối những năm 1930. Kết quả đấu giá là 1.197.500 euros

Ông trở lại Hà Nội năm 1933 với vai trò là giảng viên của trường. Thời kỳ đó tranh của Lê Phổ rất nổi tiếng và ông có rất nhiều đơn đặt hàng. Năm 1937 ông lại trở lại Triển lãm thuộc địa ở Paris, làm giám đốc nghệ thuật khu Đông Dương. Sau lần trở lại này Lê Phổ định cư ở Pháp. Thế chiến thứ hai nổ ra. Thời kỳ này Lê Phổ kết hôn với Paulette Vaux, ký giả báo Time và Life và có hai con trai. Trả lời phỏng vấn của nhà báo Thụy Khuê, Lê Phổ khẳng định cuộc sống lúc đó rất khó khăn: “Bước đầu ở Pháp, muốn nổi tiếng rất khó: làm cho một số người biết đến mình thì không khó, nhưng muốn thực sự nổi tiếng và thành công thì khó hơn nhiều. Bởi vì chúng tôi muốn giữ một truyền thống, có một lối vẽ khác với hội họa Âu châu lúc bấy giờ. Ông Tardieu khi dạy chúng tôi, không muốn chúng tôi mô phỏng hội họa Tây phương, mà phải giữ vững truyền thống của mình, rồi từ truyền thống ấy, tạo ra một cái gì khác. Bốn người chúng tôi: Lựu, Đàm, Mai Thứ và tôi là những họa sĩ đầu tiên phiêu lưu sang Âu châu, rời môi trường Hà Nội, sang đây để gặp những họa sĩ khác, làm việc với họ để hiểu hội họa Âu châu - là một điều hoàn toàn khác với những gì chúng tôi đã học- thoát thai từ trường phái Paris, với những họa sĩ lớn thời đó. Lúc chúng tôi mới đến, cả ba (Mai Thứ, Vũ Cao Đàm và tôi, Lựu chưa sang) đều rất vất vả: Trưng bày tranh nhưng bán được rất ít…”. Đó là lúc Lê Phổ bắt đầu công việc trang trí nội thất cho một số gia đình. Khách hàng đầu tiên của họa sĩ là Hoàng thân Bửu Lộc, cũng là một người bạn, quen biết nhau khi Hoàng thân còn học ở trường trung học Albert Sarraut ở Hà Nội và rất thân thiết khi ở Pháp.

Lê Phổ, họa sĩ trang trí nội thất cho gia đình Hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Lộc - Anh 3

Giới thiệu về Hoàng thân Bửu Lộc ở phòng triển lãm Sotheby's

Hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Lộc, sinh năm 1914 ở Huế và mất năm 1990, là cháu 5 đời của vua Minh Mạng. Ông là một luật sư, nhà ngoại giao, từng làm tham mưu trưởng của vua Bảo Đại... Đồng thời ông cũng là một nhà khoa học, có học vị tiến sĩ, là thành viên không thường trú của Viện Hàn lâm Khoa học thuộc địa Pháp. Hoàng thân là người yêu nghệ thuật, và rất gắn bó với truyền thống Việt Nam. Ông muốn mang đến cho căn hộ của mình một tâm hồn Việt. Khung cảnh một buổi chợ quê với gốc đa, mái đình, cuộc chọi gà, ao sen với những con vịt, người phụ nữ choàng khăn, những bông hoa loa kèn, giờ uống trà trong gia đình… là những hình ảnh quê nhà thân quen bù đắp sự thiếu thốn nào đó về mặt tinh thần của một hoàng thân sống ở nơi xa xứ. Và khung cảnh đó được bài trí bởi một họa sĩ bậc thầy của Việt Nam là Lê Phổ.

Lê Phổ, họa sĩ trang trí nội thất cho gia đình Hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Lộc - Anh 4

Các phác thảo trang trí nội thất do Lê Phổ vẽ

Hoàng thân Bửu Lộc bắt đầu sưu tập các đồ mỹ nghệ Việt Nam từ những năm 1940, và sau đó đặc biệt bị cuốn hút bởi tranh của Vũ Cao Đàm, Vũ Tường Lân và Lê Phổ. Các bức tranh của Lê Phổ thuộc bộ sưu tập của Hoàng thân gồm có bức Vịt và sen, Giờ uống trà trong gia đình, Mẹ và con với hoa diên vĩ, Ngưòi phụ nữ choàng khăn. Hoàng thân Bửu Lộc kể cho con trai nghe rằng ông đã trao đổi một bức vẽ của Matisse để lấy bức tranh Giờ uống trà trong gia đình. Jean-François Nguyễn, con trai Hoàng thân kể lại: “Chúng tôi đã sống với những bức tranh này xung quanh. Cha tôi không sưu tập các tác phẩm để cất giữ trong két. Giữa phòng ăn trong căn hộ ở Paris treo bức Vịt và sen… Chúng tôi chiêm ngưỡng bức tranh trong bữa ăn, khi ngồi trên những chiếc ghế thiết kế bởi Lê Phổ”. Và bức sơn mài lớn Khung cảnh chợ quê thực hiện bởi Lê Minh Thọ như một phông nền nổi bật về hình ảnh làng quê Việt Nam thu nhỏ trong lòng một căn hộ ở châu Âu.

Lê Phổ, họa sĩ trang trí nội thất cho gia đình Hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Lộc - Anh 5

Bộ ghế ngồi do Lê Phổ thiết kế

Lê Phổ là người trang trí toàn bộ căn hộ của Hoàng thân Bửu Lộc ở Paris. Theo lời ông Alain Lê Kim, cha ông quan tâm đến sự hài hòa về màu sắc của các bức tường, tìm những đồ vật cổ Việt Nam và Trung Hoa, cùng với những đồ vật sẵn có, để bài trí từng phòng căn hộ. Các bản vẽ phác thảo bài trí căn hộ còn được lưu giữ. Ngoài các bức tranh sơn mài, lụa và sơn dầu của các họa sĩ Đông Dương, trong căn nhà của Hoàng thân còn có 4 chiếc ghế đỏ do Lê Phổ thiết kế vào đầu những năm 1950 và một số cổ vật Trung Hoa thời Minh, Thanh.

Lê Phổ, họa sĩ trang trí nội thất cho gia đình Hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Lộc - Anh 6

Bình sứ trang trí rồng, triều đại nhà Thanh, thời Càn Long, chiều cao 26cm. Kết quả đấu giá 368 300 euros

Những bức tranh và cổ vật này được triển lãm và bán tại cuộc đấu giá mang tên Magnificence and Regality (Sự tráng lệ và vương giả) do nhà đấu giá Sotheby's Paris thực hiện ngày 7.11.2023. Phiên đấu giá thành công với tổng gần 3,8 triệu euros, trong đó bức tranh Vịt và sen của Lê Phổ đạt giá cao nhất gần 1,2 triệu euros, tiếp đến là bức Ngồi nghỉ của Vũ Tường Lân đạt 444.500 euros, Người phụ nữ choàng khăn của Lê Phổ 406.400 euros, Chọi gà của Vũ Cao Đàm 393.700 euros. Trong số các cổ vật, chiếc bầu sứ trang trí rồng thời Càn Long đạt giá cao nhất, 368.300 euros.

Lê Phổ, họa sĩ trang trí nội thất cho gia đình Hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Lộc - Anh 7

Đấu giá bức tranh Mẹ và con với hoa diên vĩ của Lê Phổ và

kết quả đấu giá 202 200 euros

Trước ngày đấu giá, người quan tâm được thưởng thức các tác phẩm treo tại phòng tranh của Sotheby's ở phố Faubourg Saint-Honoré, đối diện cung điện Élysée, được tìm hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ Lê Phổ cũng như vị Hoàng thân triều Nguyễn, gặp gỡ và tham gia tọa đàm với Alain Lê Kim con trai họa sĩ Lê Phổ (ông là chuyên gia thẩm định các tác phẩm của cha mình), và Jean-François Nguyễn, người thừa kế của Hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Lộc. Đối với hai người con, cuộc triển lãm và đấu giá là để tưởng nhớ người cha của họ, hai nhân vật lớn đã đi xa, cũng là sự chia sẻ, để di sản Hoàng gia này được giới thiệu rộng rãi hơn, vượt ra ngoài phạm vi cá nhân của bộ sưu tập, đồng thời cũng đưa đến sự tiếp nối. Gia đình Hoàng thân rất vui vì nhiều tác phẩm trong bộ sưu tập cũng đã trở về với Việt Nam.

SÔNG HƯƠNG (từ Paris, Pháp)

Ý kiến bạn đọc