Kết thúc cuộc đình công ở Hollywood

VHO- 118 ngày qua đã diễn ra một kiểu “chiến tranh” rất đặc biệt giữa các tập đoàn sản xuất phim ảnh và những diễn viên, tác giả kịch bản điện ảnh. Cụ thể ở đây là cuộc đình công của các diễn viên, tác giả kịch bản đòi trả thù lao cao hơn và có phần trong những lợi nhuận mà tác phẩm điện ảnh của họ đưa lại cho các tập đoàn sản xuất phim ảnh ở kinh đô điện ảnh Hollywood (Mỹ).

Kết thúc cuộc đình công ở Hollywood - Anh 1
 

 Thoả thuận “ngừng chiến” sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các diễn viên và tác giả kịch bản điện ảnh

Cuộc đình công này xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử điện ảnh Mỹ cả về số lượng người tham gia lẫn thời gian kéo dài. Nó đẩy Hollywood vào một cuộc khủng hoảng thực sự, tạo tiền lệ rất bất lợi cho các tập đoàn sản xuất phim ảnh và rất lợi cho các diễn viên, tác giả kịch bản điện ảnh ở nước Mỹ. Nó khích lệ diễn viên và tác giả kịch bản điện ảnh ở các nơi khác trên thế giới tự tin đấu tranh vì quyền lợi chính đáng của họ. Vì cuộc đình công này mà ngành công nghiệp điện ảnh ở nước Mỹ trong gần 4 tháng vừa qua gần như hoàn toàn trì trệ. Rất nhiều người không có công ăn việc làm. Điện ảnh Mỹ vắng mặt ở không ít liên hoan phim quốc tế quan trọng. Bang California của nước Mỹ bị thiệt hại khoảng 6 tỷ USD.

“Trận chiến” ở Hollywood chấm dứt, nhờ thoả thuận đạt được giữa các tập đoàn sản xuất phim ảnh ở Hollywood với tổ chức công đoàn và hiệp hội của các diễn viên và tác giả kịch bản điện ảnh. Thoả thuận chỉ có thể đạt được khi các bên xung khắc thoả hiệp với nhau và nhượng bộ lẫn nhau. Cho nên nội dung mấu chốt của thoả thuận này là tăng thù lao cho các diễn viên và tác giả kịch bản điện ảnh, đương nhiên không đồng đều mà có sự khác biệt nhất định giữa diễn viên điện ảnh và tác giả kịch bản điện ảnh. Phe đình công không đạt được mức độ tăng thù lao như đã đòi hỏi, nhưng cũng được tăng mức độ thù lao.

Điều đáng được chú ý nữa ở thoả thuận “ngừng chiến” này, là phía các tập đoàn sản xuất tác phẩm điện ảnh phải để cho phía đình công có phần trong những khoản lợi nhuận kếch xù thu về được từ việc thương mại hoá các tác phẩm điện ảnh trên những nền tảng công nghệ số như ở Netflix hay YouTube... Ngoài ra, các tập đoàn này còn phải cam kết không được sử dụng trí tuệ nhân tạo để “nhái” hình ảnh, diễn xuất hay giọng nói của các diễn viên điện ảnh hoặc mô phỏng các kịch bản điện ảnh.

Những nội dung này trong thoả thuận “ngừng chiến” ở Hollywood làm cho kinh đô điện ảnh này và nền công nghiệp điện ảnh Mỹ không còn như trước nữa, thậm chí còn có thể tác động rất mạnh mẽ đến các nền công nghiệp điện ảnh khác trên thế giới. Nó đưa lại thay đổi mang tính cách mạng cho mối quan hệ giữa các diễn viên và tác giả kịch bản điện ảnh với những tập đoàn sản xuất phim ảnh ở nước Mỹ.

Từ giác độ pháp lý mà nói, diễn biến mới này không có gì phi logic. Một tác phẩm điện ảnh được hoàn thành nhờ công sức của rất nhiều người và sự hợp tác của rất nhiều bên. Xưa nay, quan niệm phổ biến chung là tác phẩm điện ảnh thuộc sở hữu của những ai đã bỏ tiền ra để sản xuất nó, còn tất cả những bên tham gia khác chỉ làm thuê, nên không có phần trong quá trình thương mại hóa tiếp theo. Cuộc đình công vừa rồi ở Hollywood đã làm thay đổi hoàn toàn quan niệm ấy.

Từ giác độ văn hóa, “cuộc chiến” này ở Hollywood sẽ khiến xã hội, dư luận và công chúng phải nhìn nhận bằng con mắt khác mối quan hệ giữa lao động sáng tạo nghệ thuật điện ảnh và hành động đầu tư tiền của vào việc làm ra tác phẩm điện ảnh ở Hollywood. Nhờ cuộc đấu tranh quyền lợi này mà người lao động trong nền công nghiệp điện ảnh ở Mỹ được nhìn nhận đúng đắn hơn, khách quan hơn và công bằng hơn. Hollywood đã trở thành một trong những biểu tượng cho nước Mỹ trên thế giới, một thành tố quan trọng và quyết định cho cái gọi là “sức mạnh mềm” của nước Mỹ.

Hollywood đã “ngừng chiến”, nhưng tác động của “cuộc chiến” có lẽ sẽ còn dai dẳng. 

 HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc