Chuyện thay đổi quốc kỳ

VHO- Quốc hội Kyrgyzstan vừa thông qua quyết định thay quốc kỳ cho quốc gia này. Ở đâu cũng vậy trên thế giới này, quốc kỳ luôn có nguồn gốc và truyền thống lịch sử và mọi sự thay đổi hay chỉnh sửa quốc kỳ đều là chuyện quốc gia đại sự. Phải có nguyên do rất xác đáng hoặc rất cấp thiết thì quốc kỳ mới bị thay đổi. Lý do này ở Kyzgyzstan hiện đơn giản chỉ là niềm tin của chính giới của đất nước, mà bên ngoài cũng còn có thể cảm nhận là mê tín hoặc tâm linh.

Chuyện thay đổi quốc kỳ - Anh 1

 Quốc hội Kyrgyzstan vừa thông qua quyết định thay quốc kỳ

Quốc kỳ lâu nay của Kyzgyzstan là một vòng tròn vàng trên nền vải đỏ. Có sáu vạch đỏ cắt nhau ngang qua vòng tròn vàng ấy và rìa của vòng tròn vàng là 40 dải vàng uốn lượn. Những dải màu vàng ngắn này được phân cách với diện tích màu vàng còn lại bằng một vòng tròn đỏ. Từ lâu nay, hình ảnh quốc kỳ này được người Kyzgyzstan lựa chọn bởi hình ảnh quốc kỳ được coi là biểu tượng cho mặt trời trên thảo nguyên. Sáu vạch đỏ cắt ngang dọc phần diện tích của vòng màu vàng tượng trưng cho hình ảnh về nhà lều truyền thống của người dân du mục trên thảo nguyên. Cách lý giải này nghe rất hợp lý và dễ hiểu đối với người ngoài. Cứ theo đó thì quốc kỳ ấy hiện thân rất cụ thể và rõ ràng một số đặc thù và bản sắc của đất nước Kyzgyzstan.

Cũng theo lý giải của người Kyzgyzstan, mặt trời rất quan trọng đối với cuộc sống của người dân, rất gắn bó với họ và cho họ rất nhiều thứ. Họ coi mặt trời là một cội nguồn cuộc sống của họ và hiện thân cho thịnh vượng, giàu sang, no đủ và hạnh phúc. Đến nay, không biết bao nhiêu năm trôi qua đã là như vậy rồi đối với người dân đất nước này và ở đất nước này.

Bây giờ, Quốc hội Kyzgyzstan quyết định thay đổi diện mạo lá quốc kỳ. Tất cả vẫn được giữ nguyên trừ viền 40 dải vàng bay uốn bên ngoài. Trong lá quốc kỳ mới, chúng không còn uốn bay lượn nữa mà thẳng và nhọn. Các vị dân biểu lập luận cho sự thay đổi này cho rằng, phải thay đổi quốc kỳ để tránh bị hiểu rằng hình ảnh trên đó không phải là mặt trời mà là hoa hướng dương. Quốc gia có thể có quốc hoa nhưng hoa hướng dương không phải là mặt trời và không thể thay thế mặt trời trong cảm nhận và kỳ vọng về một hình ảnh biểu tượng cho thịnh vượng và phát triển. Sự khác biệt giữa quốc kỳ cũ và mới tuy rất nhỏ, nhỏ đến mức ai không để ý và được lưu ý thậm chí có thể không phân biệt được ở cái nhìn ban đầu, nhưng ý nghĩa thì lại hoàn toàn khác.

Người thì cho rằng các vị dân biểu đã quá mê tín. Người lại nói họ tâm linh đến mức cuồng tín. Cũng không thiếu người tỏ ra thông cảm với chủ trương “thay đổi quốc kỳ để mở ra thời kỳ mới” cho Kyzgyzstan. Coi đó đúng hay sai, nhất trí hay không đồng ý là tùy theo nhìn nhận và luận giải của từng người.

Từ giác độ văn hóa và lịch sử thì sự thay đổi quốc kỳ này phải được đánh giá từ góc nhìn khác. Câu hỏi được đặt ra là nếu bây giờ coi quốc kỳ mới là hình ảnh mặt trời, thì từ trước tới nay không phải là mặt trời mà chỉ là hoa hướng dương, hay quốc kỳ cũ vẫn là hình ảnh mặt trời nhưng dễ gây hiểu nhầm thành hoa hướng dương. Nếu không trả lời được những câu hỏi này, thì chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi rồi đây phải nhìn nhận lại, thậm chí còn cả viết lại lịch sử văn hóa đất nước. Mong muốn về thời kỳ phát triển phồn vinh mới của đất nước là rất chính đáng nhưng lịch sử, văn hóa và xã hội quốc gia không phải bất ngờ xuất hiện mà có quá trình phát triển, có cội nguồn và gốc rễ, có bản sắc và đặc thù.

Vì thế, việc thay đổi quốc kỳ đối với Kyzgyzstan, trên danh nghĩa chỉ là sự sửa đổi để giúp phân biệt rõ ràng giữa mặt trời và hoa hướng dương chứ còn trong thực chất là quyết định chính trị tạo dấu mốc đặc biệt về lịch sử, văn hóa và xã hội. 

 THỤC LINH

 

Ý kiến bạn đọc