Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Thể thao

28 Tháng Ba 2024

Học từ nước Nhật

Thứ Hai 09/08/2021 | 10:01 GMT+7

VHO- Đêm qua 8.8, Olympic Tokyo 2020 đã chính thức khép lại sau Lễ bế mạc đầy ý nghĩa tại sân vận động Olympic. Những cuộc tranh tài đã kết thúc nhưng nước chủ nhà Nhật Bản đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.

 G s đưc tái s dụng

 Vượt qua đại dịch

Trước khi lên đường sang Nhật Bản, không chỉ tôi mà khá nhiều người đã lo lắng vì tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại Nhật Bản nói chung và thủ đô Tokyo nói riêng. Thêm vào đó là những thông tin về việc phần lớn người dân Nhật Bản không ủng hộ việc tổ chức Olympic, đã làm gia tăng lo lắng.

Thế nhưng ngay từ đêm trở về sau Lễ khai mạc, dù đã nửa đêm nhưng nhiều người dân Nhật Bản, từ trung niên, thanh niên đến các em thiếu niên đã đứng hai bên đường chụp ảnh, vẫy tay, hò reo khi xe chở chúng tôi và các Đoàn vận động viên các nước đi qua. Sự nhiệt tình ấy của người dân Nhật Bản còn kéo dài trên các cung đường các vận động viên đi thi đấu. Nỗi lo về một Thế vận hội bị người dân nước chủ nhà tẩy chay hay phản đối đã tan biến. Cũng trên các chặng đường đi thi đấu hoặc tại các khu vực trong Làng vận động viên, chúng tôi luôn gặp những nụ cười, những cái cúi đầu lịch thiệp, thân thiện mà người dân Nhật Bản dành cho các vị khách.

Tình nguyện viên Bùi Mạnh Khoa làm việc cùng các tình nguyện viên Nhật Bản để hỗ trợ các Đoàn một cách chuyên nghiệp nhất

Ở bất cứ đâu, bất cứ chỗ nào, Nhật Bản cũng cho thấy sự ngăn nắp, sạch sẽ, kỷ cương và khoa học.

Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 1 Tổng cục TDTT Hoàng Quốc Vinh nói với tôi rằng rất ấn tượng vì người Nhật không khoan xuống đường khi cần dựng các cột hay rào chắn. Họ sẽ dùng các trụ cột để tránh ảnh hưởng đến tự nhiên. “Slogan của người Nhật là qui trình “3R” (renew, reuse, recycle) tức là tái sử dụng, tái sinh và làm mới lại. Ở Nhật không cái gì bị bỏ đi một cách lãng phí. Họ luôn tái sử dụng và tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường”, ông Hoàng Quốc Vinh chia sẻ. Điều đó cũng đúng như những gì mà người Nhật đã thực hiện trong việc tổ chức Olympic lần này. Người Nhật hạn chế sử dụng túi nilông và các vật phẩm làm bằng ni lông để bảo vệ môi trường vì thế hầu hết đồ dùng trong nhà ăn đều làm từ giấy. Đặc biệt toàn bộ giường trong Làng vận động viên Olympic cũng được làm bằng giấy, từ những tấm bìa cát tông cứng. Thậm chí vách ngăn giữa các phòng cũng được làm từ nguyên liệu là giấy ép cứng. Ngay khu mua sắm đồ lưu niệm và khu phỏng vấn dành cho báo chí tại Làng VĐV, cổng vào của Làng vận động viên cũng được dựng hoàn toàn bằng gỗ. Số gỗ này ngay sau khi Parlympic kết thúc, sẽ được dỡ để tái sử dụng.

Nguyên liệu của chiếc giường làm từ bìa cát tông cũng sẽ được tái sử dụng

Bài học về tính khoa học, chuyên nghiệp, kỷ luật

Dù khó khăn vì đại dịch. Thêm vào đó là việc có tới 10.000/80.000 tình nguyện viên rút lui do lo ngại về đại dịch Covid-19 đã khiến cho kỳ Thế vận hội này khá thiếu nhân lực. Như chia sẻ của anh Bùi Mạnh Khoa - tình nguyện viên người Việt Nam tại Thế vận hội, vì quá nhiều tình nguyện viên rút lui nên các tình nguyện viên còn lại phải gánh thêm công việc, một mình Khoa phải hỗ trợ cùng lúc tới mấy Đoàn. Tuy nhiên sự khoa học, tính chuyên nghiệp của người Nhật cuối cùng cũng khiến cho mọi việc “đâu vào đấy”. Ở một đất nước công nghệ cao nên người Nhật đưa ứng dụng công nghệ vào nhiều việc. Với công tác tổ chức Thế vận hội, nước chủ nhà của Olympic Tokyo 2020 sử dụng phần mềm trong đó sẽ đáp ứng toàn bộ yêu cầu của các HLV, VĐV cũng như giới báo chí.

Trong Làng VĐV chỗ nào cũng sạch sẽ, ngăn nắp

Một nét mới ở ứng dụng này là phần mềm đăng ký xe buýt, giúp các VĐV, HLV hoàn toàn chủ động chọn giờ xe chạy phù hợp với lịch tập và thi đấu của mình. Là HLV trưởng thành từ VĐV, từng tham gia nhiều giải đấu, nhiều Đại hội thể thao lớn, HLV trưởng đội tuyển Boxing Đinh Thị Phương Thanh cho biết, cô đã học được nhiều điều về tính khoa học, chuyên nghiệp, kỷ cương của người Nhật Bản qua kỳ Thế vận hội này. “Dù khó khăn do đại dịch nhưng chúng tôi không gặp trở ngại gì trong suốt quá trình đưa VĐV tham gia tranh tài tại Olympic Tokyo 2020. Việc ứng dụng khoa học công nghệ của người Nhật Bản vào các ứng dụng của Thế vận hội đã giúp chúng tôi hoàn toàn chủ động. Trước khi dẫn VĐV đi tập hay đi thi đấu, chúng tôi truy cập vào ứng dụng đặt xe là có thể có ngay lịch xe chạy chi tiết. Truy cập vào ứng dụng Olympic chúng tôi cũng có đầy đủ thông tin về lịch cũng như địa điểm tập luyện, thi đấu; phương tiện di chuyển; đối thủ là ai… Tức là mọi thông tin cần thiết cho một giải đấu đều có đầy đủ trên ứng dụng và chúng tôi chỉ cần thực hiện theo, là đã có sự chuẩn bị tốt cho VĐV. Vì thế các HLV có thể tự mình lo cho VĐV mà không cần sự hỗ trợ, giúp đỡ từ BTC”, HLV Đinh Thị Phương Thanh cho biết.

Một kỳ Olympic đặc biệt đã chính thức khép lại. Đây sẽ là kỳ Olympic ghi dấu ấn, bởi chứng tỏ sức vươn lên mạnh mẽ của các HLV, VĐV và đặc biệt là nước chủ nhà đã vượt qua mọi khó khăn để tổ chức thành công Thế vận hội. Dù đã kết thúc nhưng có lẽ người ta cũng sẽ nhắc mãi về một kỳ Thế vận hội của tình đoàn kết, gắn bó và khơi dậy niềm tin và hy vọng về một ngày thế giới sớm bình yên trở lại! 

THU SÂM

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.v

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top