Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

“Ô nhiễm” tiếng ồn từ hát karaoke loa kéo đường phố: Chế tài đã có, cần phải xử lý quyết liệt hơn

Thứ Hai 13/07/2020 | 07:16 GMT+7

VHO- Chia sẻ quan điểm trước những vấn đề đang được quan tâm về “nạn” karaoke bằng loa kéo, hay còn gọi là karaoke đường phố gây ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của cộng đồng, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL), nhận định, kiến nghị mới đây từ Ủy ban MTTQVN TP Hồ Chí Minh lên UBND thành phố về các biện pháp chấn chỉnh hoạt động karaoke, ca nhạc đường phố… là cần thiết.

  

Từ đề xuất cấm hát karaoke bằng loa kéo tại TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng nên cấm trên toàn quốc

Đặc biệt trong bối cảnh những loại hình vui chơi giải trí này đang ngày càng nở rộ nhưng hoạt động thiếu kiểm soát, khiến cộng đồng dân cư tại nhiều địa phương bức xúc. 
Cần thiết chấn chỉnh 
Bà Hương nêu rõ, những quy định về xử phạt khi gây ô nhiễm tiếng ồn đã có những căn cứ pháp lý rõ ràng, nhưng ở nhiều nơi, nhiều địa phương vẫn chưa kiên quyết xử lý dẫn đến tình trạng cuộc sống và sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng, nhiều bức xúc và cả những mâu thuẫn, xô xát gây hậu quả tiêu cực đã xảy ra. 
Đề nghị của bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM tại phiên họp HĐND TP.HCM lần thứ 20 khóa IX diễn ra cuối tuần qua đã nêu vấn đề đưa nội dung cam kết không hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào vào Hương ước, Quy ước của khu phố, ấp, trên cơ sở đó nhắc nhở người dân tự giác thực hiện. Trên thực tế, tình trạng gây ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sinh hoạt thường ngày của người dân tại nhiều tỉnh, thành đã kéo dài trong thời gian không ngắn. Những phản ánh, bức xúc về các loại hình karaoke loa kéo, nhóm nhảy đường phố, hát cho nhau nghe… ngày càng nhiều, thậm chí đó còn là nỗi ám ảnh, bức bối đối với nhiều cá nhân, gia đình, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất trật tự, an toàn xã hội, gây mâu thuẫn và tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng. 
Vì thế, từ trước khi có kiến nghị chính thức của Ủy ban MTTQVN TP.HCM thì người dân nhiều nơi đã bức xúc lên tiếng, cho rằng ô nhiễm tiếng ồn cần phải được xử lý nghiêm. Nhiều người dân sinh sống ở mặt các khu phố thường xuyên bị “tra tấn” bởi các bản nhạc phát ra từ âm thanh loa kéo với ngưỡng âm thanh cực đỉnh cũng chia sẻ cảm giác khó chịu, và đề nghị phạt thật nặng những trường hợp vượt quá ngưỡng cường độ âm thanh làm ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần. Đa số ý kiến trên các diễn đàn về chủ đề này khẳng định, loa kéo là loại “ô nhiễm” môi trường, sóng âm thanh gây nguy hiểm. Ngay sau phát biểu của bà Tô Thị Bích Châu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM, đề nghị chấm dứt hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào ở khu dân cư đã thu hút sự quan tâm từ các đại biểu HĐND thành phố. Theo Giám đốc Sở VHTT Huỳnh Thanh Nhân, thời gian qua Sở đã nhận được nhiều phản ánh của người dân về tiếng ồn từ karaoke loa kéo, Thanh tra Sở đã phối hợp với các quận, huyện để xử lý. Hiện nay, Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trách nhiệm xử lý tiếng ồn là của ngành TN&MT. Ngoài ra, căn cứ pháp lý khác về xử lý tiếng ồn cũng được quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình. 
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở chia sẻ, hát bằng loa kéo trên đường phố là một loại hình vui chơi giải trí, loại hình này có từ trước khi khái niệm hát karaoke theo đúng nghĩa là một dịch vụ kinh doanh xuất hiện tại Việt Nam. Theo quy định tại Nghị định số 54/2019/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường thì dịch vụ karaoke là dịch vụ kinh doanh có điều kiện, cung cấp âm thanh, ánh sáng, nhạc, lời bài hát và hình ảnh thể hiện trên màn hình phục vụ cho hoạt động ca hát tại các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke theo quy định của Nghị định này. Như vậy, hát karaoke đường phố là hình thức tự phát, cũng giống như các loại hình Hát cho nhau nghe, nhảy đường phố…, nên không phải đối tượng điều chỉnh tại Nghị định số 54/2019/NĐ-CP. 
“Tuy nhiên, hát karaoke trên đường phố, bằng mic và loa kéo công suất lớn đã và đang nở rộ, tạo nhiều biến tướng, hệ lụy ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của người dân. Căn cứ theo thực tế và đặc thù ở các địa phương, thẩm quyền của UBND các tỉnh, thành phố có thể xử lý, đưa ra các quy định để chấn chỉnh thực trạng này. Căn cứ pháp lý để chấn chỉnh cũng đã được quy định rõ tại Nghị định 155/2016/ NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình; Thông tư 39/2010/TT-BTNMT quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Trong những văn bản này đã quy định rất rõ thế nào là các vi phạm quy định về tiếng ồn, các mức phạt cụ thể đối với từng mức độ, biện pháp khắc phục hậu quả như thế nào. Phòng TN&MT tại các địa phương cũng được trang bị hệ thống máy đo và xác định các mức độ vi phạm về tiếng ồn vượt ngưỡng cho phép… Vấn đề còn lại là các địa phương thực thi ra sao”, theo bà Ninh Thị Thu Hương. 
Đưa vào hương ước, quy ước 
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nhận định, kiến nghị từ Ủy ban MTTQVN TP.HCM về các biện pháp chấn chỉnh hoạt động karaoke, âm nhạc đường phố… là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh những loại hình vui chơi giải trí này đang ngày càng nở rộ nhưng hoạt động thiếu kiểm soát, khiến cộng đồng dân cư tại nhiều địa phương bức xúc. 
Bà Hương cũng bày tỏ, khi các loại hình tự phát như thế này liên tiếp phát triển, nếu không có các quy định chấn chỉnh sẽ gây nên bức xúc trong cộng đồng. “Tôi cho rằng Ủy ban MTTQVN TP.HCM đã xuất phát từ những vấn đề nổi cộm trong đời sống để đưa ra kiến nghị này và điều đó là phù hợp. Không thể lý giải đó là một loại hình vui chơi giải trí hoặc một nghề kiếm sống mà không quản lý chặt chẽ, thả nổi, tạo nên tác động không nhỏ đến trật tự xã hội và đời sống của từng gia đình, cá nhân. Tôi ủng hộ quan điểm nên đưa nội dung cam kết không hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào vào Hương ước, Quy ước của khu phố, ấp, là tiêu chí trong hoạt động bình xét, khen thưởng trên nguyên tắc văn minh, tôn trọng lẫn nhau, hoặc thành Quy chế, quy định về đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, qua đó nhắc nhở người dân tự giác thực hiện…”, bà Hương nói. 
Được biết, tình trạng hát karaoke đường phố gây ô nhiễm âm thanh đã được nhiều địa phương phản ánh lâu nay, và mặc dù có chế tài song chưa có nơi nào quyết liệt triển khai, chấn chỉnh và xử lý các vi phạm. Việc thả nổi chính là nguyên nhân kéo dài và tiếp tục nở rộ loại hình hoạt động này. Do đó, để chấn chỉnh, một mặt các địa phương cần đưa thành quy định không hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào, mặt khác lực lượng thanh tra phải triển khai thường xuyên hoạt động thanh, kiểm tra đột xuất, xử lý các vi phạm vượt ngưỡng độ ồn cho phép. 
Còn theo lãnh đạo Sở VHTT TP.HCM, Sở đã tham mưu UBND thành phố giao trách nhiệm cho các ngành liên quan, ngoài Sở VHTT còn có Công an, Sở TN&MT, UBND các quận, huyện; MTTQ và các đoàn thể cùng tham gia công tác phối hợp tuyên truyền vận động. Ngành văn hóa sẽ tăng cường phối hợp, đề nghị công an và các quận, huyện tăng cường xử lý kịp thời, không để phát sinh các mâu thuẫn đáng tiếc từ tiếng ồn karaoke. 

 Được biết, tình trạng hát karaoke đường phố gây ô nhiễm âm thanh đã được nhiều địa phương phản ánh lâu nay, và mặc dù có chế tài song chưa có nơi nào quyết liệt triển khai, chấn chỉnh và xử lý các vi phạm. Việc thả nổi chính là nguyên nhân kéo dài và tiếp tục nở rộ loại hình hoạt động này. Do đó, để chấn chỉnh, một mặt các địa phương cần đưa thành quy định không hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào, mặt khác lực lượng thanh tra phải triển khai thường xuyên hoạt động thanh, kiểm tra đột xuất, xử lý các vi phạm vượt ngưỡng độ ồn cho phép. 

 BẢO ANH 

Print

PHÒNG CHỐNG COVID

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top