Phương án phục hồi nguyên trạng bia đá chùa Thổ Hà

VHO- Liên quan đến vụ việc vỡ khối bia đá cổ chùa Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang), Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức đoàn chuyên gia bảo quản, bảo tàng học, khảo cổ học... phối hợp với UBND huyện Việt Yên tổ chức khảo sát tại di tích nhằm đánh giá lại giá trị, mức độ hư hỏng, khả năng phục dựng và các vấn đề liên quan đối với bia đá chùa Thổ Hà.

Phương án phục hồi nguyên trạng bia đá chùa Thổ Hà - Anh 1

 Xây dựng phương án phục hồi nguyên trạng khối bia tứ diện ở mức độ cao nhất

Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia và các cơ quan chuyên môn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã lập phương án phục hồi nguyên trạng bia đá chùa Thổ Hà. Theo đó, phương án được đưa ra là phục hồi nguyên trạng ở mức độ cao nhất có thể về hình dáng, nội dung của bia đá (họa tiết, hoa văn, chữ Hán). Bên cạnh đó, đảm bảo có thể lưu giữ lâu dài, phục vụ công tác bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị.

Theo đánh giá hiện trạng, các chuyên gia cho biết, bia chùa Thổ Hà đã được tu sửa trước đây, phần trán và thân bia có vết gắn bằng xi măng, một vài vị trí hoa văn, chữ viết đã được phục dựng lại. Bề mặt bia có nhiều rêu mốc, tạp chất; đặc biệt có nhiều vết nứt chạy theo các hướng khác nhau, đây đều là các vết nứt cũ do đá bị phong hóa theo thời gian và tác động của các biến cố đã xảy ra (cháy, ngập lụt). Các tác động này làm giảm lực liên kết giữa các lớp đá tự nhiên, tạo ra các vết nứt, rất dễ gãy vỡ khi có lực tác động đủ mạnh. Hiện tại, phần thân bia đã bị gãy vỡ theo chiều ngang, chia thân bia làm hai phần riêng biệt; phần thân trên và trán bia liên kết rất yếu do có nhiều vết nứt, dễ vỡ nếu di chuyển hoặc tác động lực không phù hợp; phần thân bia phía dưới đã bị nứt, vỡ thành nhiều mảnh, hình dáng đã bị xô lệch, các mảnh vỡ nhỏ rơi vào các vết nứt lớn làm cho các mảng vỡ lớn không thể xếp khít vào nhau, một số mảnh vỡ nhỏ có thể đã bị thất lạc. Bề mặt các vết gãy, vỡ đã bao phủ bùn đất cho thấy các vết nứt, vỡ đã hình thành từ trước và bùn đất khi ngập lụt đã ngấm sâu vào trong lõi hiện vật theo bề mặt tiếp giáp giữa các vết nứt, vỡ.

Bước đầu tiên trong quy trình phục dựng là tư liệu hóa hiện trạng hiện vật, bao gồm các công việc thu thập tài liệu về quá trình lưu giữ bia tại chùa Thổ Hà, hình ảnh, bản dập bia trước khi bia bị vỡ; ghi chép, khảo tả chi tiết hiện trạng hiện vật; thu gom toàn bộ các mảnh vỡ còn lại, chụp ảnh, ghi chép, xác định, ghi lại vị trí của từng mảnh vỡ; chụp ảnh chi tiết hiện vật trước bảo quản.

Ở bước phục dựng, bảo quản bia theo phương án được đưa ra, huyện Việt Yên lựa chọn vị trí, chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng đặt bia lâu dài để thực hiện gắn chắp, phục dựng. Các chuyên gia lưu ý, vì trọng lượng bia khá lớn (khoảng 2 tấn), phần móng đặt bia cần được tính toán kỹ để đảm bảo về lâu dài bia không bị sụt lún, nghiêng. Bên cạnh đó, làm sạch toàn bộ bề mặt bên ngoài hiện vật nhằm làm rõ hoa văn, chữ khắc và nâng cao tính thẩm mỹ của hiện vật. Thực hiện các bước gia cố, gắn chắp, dựng lại bia theo đúng nguyên tắc bảo tàng học, trong quá trình thực hiện phục dựng có sự tham gia tư vấn của chuyên gia khảo cổ học, Hán Nôm để đảm bảo tính xác thực và không làm sai lệch ý nghĩa văn bia, phục hồi bia ở mức độ cao nhất có thể. Sau khi lắp ghép hai phần bia, quá trình hoàn thiện sẽ gia cố toàn bộ hiện vật, trám vá các vết nứt, vị trí bị khuyết thiếu nhằm tăng độ bền vững cho hiện vật, hạn chế sự xâm nhập của hơi ẩm và các chất ô nhiễm vào bên trong; xử lý hoàn thiện các vị trí trám vá trên bề mặt, phục hồi các hoa văn và chữ viết đã mất trả lại gần nhất có thể hiện trạng ban đầu của hiện vật.

Cũng theo các chuyên gia, bia sau khi phục dựng, bảo quản phải được lưu giữ hoặc trưng bày ở khu vực cao ráo, không ngập lụt, có mái che để hạn chế sự tác động của môi trường. Vì bia có rất nhiều các vết nứt và thớ đá tiềm ẩn nguy cơ tách vỡ nên khó có thể chịu đựng thêm sự tác động của thời tiết khắc nghiệt như mưa, nắng nóng và sự thăng giáng nhiệt độ liên tục,… Bia có thể tích lớn và nặng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đề nghị UBND huyện Việt Yên cử nhân lực, công cụ hỗ trợ khi cần thiết, đồng thời có mái che trong quá trình phục dựng, bảo quản. 

 BẢO NGÂN

Ý kiến bạn đọc