Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Ứng biến thế nào khi có F0 trong trường học?

Thứ Tư 23/02/2022 | 10:13 GMT+7

VHO- Hà Nội đã có những cơ sở giáo dục xuất hiện vài trăm học sinh là F0 nhưng vẫn phải mở cửa trường học. Vậy các trường cần ứng biến thế nào để duy trì việc dạy và học hiệu quả?

 Nhiều tỉnh, thành phố đã phải lùi thời điểm hoặc tạm ngừng cho học sinh quay lại trường (ảnh minh họa)

 Tính đến ngày 22.2, Trường THPT Yên Hòa (HN) có 43,01% học sinh trong diện F0, F1 (gần 200 F0 và trên 600 F1). Với quy định lớp có trên 50% là F0, F1 thì sẽ dạy học trực tuyến, trường này hiện có 22 lớp chuyển hình thức sang học online, số còn lại học trực tiếp hoặc kết hợp 2 trong 1 (dạy trực tiếp nhưng kết nối cho một số học sinh phải cách ly theo dõi bài giảng).

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều giáo viên, hình thức dạy học nào cũng có khó khăn nhất định. Những thầy cô vừa phải dạy lớp trực tiếp, vừa dạy lớp trực tuyến sẽ phải tranh thủ tối đa thời gian. Dạy xong trực tiếp, khi học sinh giải lao là thầy cô phải cấp tốc đến phòng có kết nối Internet để dạy trực tuyến. Rồi việc quản lý học sinh, giao việc, chấm bài giữa lớp trực tuyến và trực tiếp cũng khác nhau, giáo viên phải linh hoạt, vất vả gấp 3 bình thường.

“Có thể giáo viên trình chiếu bài giảng powerpoin để học sinh cùng theo dõi trên màn hình ti vi ở lớp và giao diện học trực tuyến tại nhà. Nhưng cũng có thể phải vừa viết lên bảng, vừa viết lên màn hình; rồi khi thảo luận, giáo viên phải là người chỉnh camera, laptop để các nhóm học sinh tương tác nhìn thấy mặt nhau, không bị cảm giác “ra rìa”, bị bỏ rơi. Giáo viên phải bao quát cả hai nhóm học sinh, đôi khi phải “phiên dịch” vì học sinh ở lớp nói, học sinh ở nhà nghe không rõ”, cô Nguyễn Kim Anh, Trường THPT Phan Huy Chú (HN) cho biết.

Trường THPT Phan Huy Chú có gần 300 học sinh là F0, F1, nhưng với quyết tâm không đứt mạch dạy học, nhiều hình thái đã đồng thời được áp dụng. Có những lớp học sinh đến đủ nhưng giáo viên lại là F, nên tiết thì học trực tiếp, tiết thì lại nghe giáo viên giảng trực tuyến qua màn hình ti vi tại lớp. Có trường hợp giáo viên F0 ở nhà vừa dạy cho học sinh bình thường ở lớp, đồng thời dạy một nhóm học sinh cũng đang phải cách ly…

Theo hiệu trưởng một trường ở ngoại thành Hà Nội, do không có đủ giáo viên nên trường chọn cách sắp xếp lại cơ cấu lớp học. Trong đó có những lớp học trực tuyến không cố định gồm các học sinh là F0, F1 được tập hợp theo từng khối, hết thời gian cách ly có thể quay về lớp cũ và những F1, F0 mới lại được bổ sung vào. Với cách này, trường duy trì được các lớp học trực tiếp tại trường, không đan xen “on-off”.

Tuy nhiên, cũng có những trường không tổ chức được dạy học cho các em ở nhà. Nên một số học sinh đã phải nghỉ học và bù đắp kiến thức sau khi hết cách ly trở lại trường.

Mỗi nơi thực hiện một cách khi trường học có F0, trong đó có những trường rơi vào cực đoan. Cụ thể, có nơi chỉ 1-2 học sinh đến lớp vẫn dạy trực tiếp, kết hợp với dạy trực tuyến cho số học sinh phải cách ly ở nhà khiến giáo viên quá vất vả. Ngược lại, có những trường tuần đổi hình thức học tới 3-4 lần khiến thầy trò xoay như chong chóng.

Kết luận tại cuộc họp về tình hình mở cửa trường học mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế cần sớm có kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em, học sinh từ 5-12 tuổi. Đồng thời Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế có quy định thống nhất về việc xét nghiệm sàng lọc với học sinh (trường hợp nào cần bắt buộc, việc tổ chức xét nghiệm sàng lọc như thế nào), thống nhất quy định cách ly với học sinh, giáo viên diện F. Đây là cơ sở cho Bộ GD&ĐT có hướng dẫn trong tình huống mới, đồng thời cũng là cơ sở để các nhà trường xây dựng kịch bản ứng phó khi trường có F0, F1 phải điều chỉnh, đa dạng hoá các hình thức dạy học.

Trước đó, dù Bộ GD&ĐT đã ban hành các bước xử lý khi xuất hiện F0 trong trường học nhưng kịch bản cho việc giáo viên, học sinh lây nhiễm hàng loạt chưa được hướng dẫn cụ thể và các nhà trường cũng chưa có sự chuẩn bị bài bản. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, cần giao cho các trường chủ động đưa ra giải pháp cụ thể, trên cơ sở quy định khung. Có như vậy việc xử lý mới linh hoạt, kịp thời, tránh áp dụng cứng nhắc gây vất vả cho giáo viên nhưng không mang lại hiệu quả trong việc dạy học.

Theo Bộ GD&ĐT, tính tới ngày 21.2, nhiều tỉnh, thành phố đã phải lùi thời điểm hoặc tạm ngừng cho học sinh quay lại trường. Hiện có khoảng 1,8 triệu trẻ mầm non đã đi học (55,31%); Tiểu học có 5,2 triệu học sinh (87,06%); THCS có trên 4,7 triệu (90,41%) và THPT là 1,3 triệu (đạt 90,47%). Con số này có thể sẽ sụt giảm khi số ca mắc Covid-19 ở các tỉnh, thành khu vực miền Bắc dâng cao. 

 KỲ THANH

Print

PHÒNG CHỐNG COVID

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top