Hà Tĩnh xếp hạng 11 di tích lịch sử, văn hóa

VHO - Nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, căn cứ đề xuất của Sở VHTTDL Hà Tĩnh về xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh năm 2023, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2819/QĐ-UBND công nhận 11 công trình là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh và bổ sung 1 hạng mục của công trình đã được xếp hạng cấp tỉnh trước đó.

Hà Tĩnh xếp hạng 11 di tích lịch sử, văn hóa - Anh 1

Di tích đền Bình Lãng (phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh)

Theo đó, 11 công trình được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh đợt này, Thạch Hà và Nghi Xuân, mỗi đơn vị có hai di tích; các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Lộc Hà, Đức Thọ, TX Hồng Lĩnh và Hương Khê, mỗi địa phương có 1 di tích. Ngoài ra, Thạch Hà có một công trình đã được xếp hạng cấp tỉnh trước đó, nay bổ sung thêm hạng mục và đổi tên di tích. Đó là Nhà thờ Nguyễn Hiền nay đổi tên là Mộ và Nhà thờ Nguyễn Hiền (xã Thạch Kênh, Thạch Hà).

Cụ thể, huyện Thạch Hà có nhà thờ Lê Đình Túy (xã Đỉnh Bàn) và bia Quan Thượng (xã Thạch Khê); huyện Nghi Xuân có nhà thờ họ Hà - An Mỹ (thị trấn Tiên Điền) và đền Thành hoàng làng Đông (thị trấn Tiên Điền). Các di tích còn lại gồm nhà thờ Hoàng Tá Tương ( xã Nam Phúc Thăng, Cẩm Xuyên); nhà thờ Nguyễn Văn Hào (xã Tùng Lộc, Can Lộc); nhà thờ Phan Đình Vượng (xã Lâm Trung Thủy, Đức Thọ); Văn Miếu Kỳ Anh (xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh); nhà thờ Phan Văn Nguyên (xã Thạch Châu, Lộc Hà); nhà thờ Lê Danh Linh (xã Phú Phong, Hương Khê); đền Bình Lãng (phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh).

Như vậy  cho đến nay, Hà Tĩnh có tổng số 649 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó có 88 di tích cấp quốc gia và 561 di tích cấp tỉnh.

Việc được xếp hạng sẽ là cơ sở để chính quyền và Nhân dân các địa phương tăng cường hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử của các di tích trong đời sống.

Là địa phương có bề dày về hệ thống di tích với hơn 1.800 di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, Hà Tĩnh luôn quan tâm bảo tồn và phát huy các di sản gắn với phát triển du lịch. Trong đó, dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; ca trù ghi vào di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp; Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ được ghi vào danh mục di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thời gian vừa qua, nhất là sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hà Tĩnh đã tăng cường nguồn lực đầu tư cho văn hoá. Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức Hội nghị văn hoá toàn tỉnh (ngày 19.5.2022). Hội nghị đã ra Nghị quyết, trong đó đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Hà Tĩnh có các thiết chế văn hóa cấp tỉnh gồm: Bảo tàng tỉnh, Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh; phấn đấu 100% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh có Câu lạc bộ dân ca Ví, giặm Nghệ - Tĩnh; 100% huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao; lập hồ sơ xếp hạng 1- 2 di tích quốc gia đặc biệt...

VĂN BA

Ý kiến bạn đọc