Để ngăn chặn hành vi đốt pháo nổ trong dịp Tết Nguyên đán

VHO - Sắp đến Tết Nguyên đán, tình trạng buôn bán pháo lậu diễn ra khá phức tạp, và trong những tháng gần đây các lực lượng chức năng ở nhiều địa phương đã triệt phá nhiều đường dây vận chuyển pháo lậu. Vì lợi nhuận cao nên nhiều đối tượng buôn lậu tỏ ra liều lĩnh, thường xuyên qua biên giới mang pháo lậu về nội địa để tiêu thụ. Với những diễn biến của tình trạng buôn bán pháo lậu, nếu không có biện pháp kiên quyết ngăn chặn thì số người nhập viện do tai nạn pháo nổ sẽ tăng lên so với các năm trước.

 

 Còn nhớ, thời điểm năm 1994, trước tình trạng người dân sản xuất, buôn bán và đốt pháo gây thương vong, ô nhiễm môi trường, lãng phí tiền của trong khi đất nước và người dân còn nghèo; đồng thời, người dân buôn bán pháo lậu phổ biến làm cho nhà nước không thể kiểm soát nên đã dẫn đến hàng loạt các hệ lụy phát sinh, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, chính vì thế Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 406/CT-TTg ngày 8.8.1994 “Về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo”. Chỉ thị ra đời đã ngăn chặn hiểm họa, tác hại và những hệ lụy phát sinh từ sử dụng pháo, hầu hết được người dân đồng tình ủng hộ và kể từ đó tình trạng người chết do pháo nổ ít khi xảy ra.

Hiện nay, mặc dù đã có quy định cấm nhưng tình trạng sản xuất, buôn bán và đốt pháo bất hợp pháp vẫn xảy ra, nhất là người dân tự ý sản xuất pháo để sử dụng rất khó phát hiện và đây là hành vi nguy hiểm dễ dẫn đến thương tích do pháo nổ. Thời điểm sắp Tết, lực lượng chức năng đã ra quân truy quét nhưng không thể ngăn chặn tình trạng sử dụng pháo, cho thấy nhu cầu sử dụng pháo bất hợp pháp của một bộ phận người dân vẫn còn, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, do hiếu kỳ, muốn chứng tỏ bản thân, nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế... Có cung thì ắt có cầu, đây là quy luật tất yếu, được minh chứng qua hàng loạt vụ việc vận chuyển pháo lậu trái phép được lực lượng chức năng phát hiện, xử lý mỗi khi dịp Tết đến.

Có thể khẳng định, sản xuất, buôn bán và đốt pháo là hành vi nguy hiểm cho xã hội, bị pháp luật nghiêm cấm và tùy theo tính chất, mức độ, hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự. Tuy nhiên, hiện nay đã có chế tài cụ thể để xử lý nhưng cơ quan, người có thẩm quyền còn thiếu kiên quyết, chưa xử lý triệt để; hành vi đốt pháo xảy ra trong thời điểm nhạy cảm, khó phát hiện, chủ yếu vào đêm Giao thừa nên cơ quan có thẩm quyền ngại xử lý. Để ngăn chặn tình trạng đốt pháo, nhiều địa phương đã chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm, tuy nhiên đây cũng chưa phải là biện pháp chủ yếu, mà cần phải có giải pháp quyết liệt để ngăn chặn hành vi sản xuất, buôn bán và sử dụng pháo. Do đó, cần phải nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi buôn lậu pháo qua biên giới; khuyến khích người dân giao nộp thuốc, dụng cụ và vật liệu để làm pháo; nâng cao tinh thần tố giác của quần chúng nhân dân đối với hành vi vi phạm... 

ĐỖ VĂN NHÂN

Ý kiến bạn đọc