Đừng đợi cận, sát Tết mới mua...

VHO - Còn nhớ một năm chưa xa. Hồi này nghề trồng hoa kiểng còn sơ khai nhưng trong xã hội nhìn chung cũng nghèo khó, Tết đến người ta bán hoa kiểng, bán hoài bán hủy đến ngày Ba mươi Tết không hết, người ta đành bán rẻ như cho. Mấy anh ham mua rẻ bèn bảo nhau, năm tới mua hoa thì cứ từ từ, chiều Ba mươi ra phố tha hồ bê các chậu hoa vừa đẹp vừa rẻ. Và người ta làm thế thật, cứ tà tà chơi tất niên, gần đến giờ “G” ra phố, ai dè không còn chậu hoa nào.

Quy luật cung cầu xem ra rất khó lường, nếu đoán trước được ắt người ta làm giàu cả rồi. Ông người mua định bắt chẹt người bán, nhưng phản tác dụng. Nhưng rồi đến khi người ta trồng hoa quá nhiều, cung đã vượt cầu, thì hoa ế là có thật. Nhiều năm rồi tình trạng ế ẩm, hoa cảnh chở đi không bán hết, người bán chở về thì thêm tốn tiền chuyên chở, có khi giận quá đập bỏ chậu, chặt cây.

Lại cũng không ít người bán định bắt chẹt người mua. Thường những khi thiết ngặt, người ta phải mua, không mua không được, chính là lúc những người bán nắm “thế thượng phong”, chẳng hạn như chuyện vé tàu xe đi về trong dịp nghỉ Tết. Nhà doanh nghiệp vận tải mới thông báo có hàng ngàn vạn vé tàu xe, vậy mà trong tích tắc, lại thông báo hết vé. Thiên hạ đâm nghi ngờ, hết thật hay “hết giả” vậy nhỉ? Về quê thì không thể không về, rồi thì quay lại nơi làm việc không thể không đi, vậy là biết bao người phải bỏ thời gian ra “săn vé”. Càng sốt ruột, càng nản lòng. Thôi cứ vé giá cao mà đi về thuận lợi là được rồi, trúng ý các anh doanh nghiệp vận tải. Năm này vắt sang năm khác đều diễn ra “điệp khúc” như vậy, mà thiệt thòi chính là nằm ở hành khách.

Năm nay, giá tàu xe lại có vẻ cao hơn, tất nhiên cao vừa thì không có vấn đề gì, nhưng trường hợp cao ngất ngưởng lại là chuyện cần suy ngẫm. Người có thu nhập khá còn phải đắn đo, còn người thu nhập thấp có lẽ hầu bao sẽ sớm cạn vì nỗi tàu xe. Đi đơn lẻ một người còn đỡ, bồng tống cả vợ chồng con cái cùng đi, số tiền xe thật sự là một gánh nặng, quà dành cho người thân phải “teo tóp” lại, khiến người ta nghĩ, hay là thôi quách chuyện về quê!

Câu chuyện làm nhớ đến chiêu trò khá quen của người bán từ xưa, hàng hóa còn đầy ra đấy, nhưng họ giấu bớt đi, và cứ hô “mua mau kẻo hết”! Thời hàng hóa dịch vụ khan hiếm thì khả năng không kịp mua đã hết là thật. Nhưng thử hỏi bây giờ doanh nghiệp vận tải với tàu xe rất nhiều, có thật “mua mau kẻo hết” hay không? Hẳn là chiêu “làm giá” của người bán mà thôi. Vậy thì nhà nước có quy định trần giá không? Nếu có quy định, ắt người bán sẽ “lách” bằng cách hô “hết vé” (chứ không phải bán vé quá giá).

Nhưng lại có một quy luật khác, doanh nghiệp này làm khó khách hàng, ắt doanh nghiệp khác sẽ cạnh tranh bằng giá rẻ và sự thuận tiện của mình. Điều này không phải là không có khả năng, nhưng người ta quan sát thấy nhìn chung nhiều nơi cùng hô “hết vé”. Vậy nghĩa là sao, quy luật cạnh tranh đem lại giá rẻ, lợi ích cho khách hàng đâu rồi? Ắt hẳn bị tâm lý thi đua tăng giá, bị lợi nhuận làm cho họ mờ mắt. Khách hàng bị áp lực đành phải mở hầu bao chi trả để được về quê. Một khi các doanh nghiệp đồng tình hô “mua mau kẻo hết” thì phần thiệt thòi được đẩy về phía khách hàng.

Tất nhiên khách hàng cũng có thể có sự lựa chọn bằng cách tránh những doanh nghiệp “bắt chẹt” mình, tẩy chay họ, cũng có nghĩa các doanh nghiệp ấy cũng phải trả giá cho sự hám lợi quá đáng của họ. Nhưng ấy là chuyện còn lâu. Ở đây chỉ xin thưa rằng, chúng ta nên chú trọng đến văn hóa mua bán. Không “bắt chẹt” khách hàng, hay ngược lại khách hàng không bắt chẹt người bán, chính là tạo niềm tin cho nhau. Nói khái quát, sự vững bền trong mua bán xuất phát từ cái nền tảng của nó chính là văn hóa mua bán, ở đó vừa có lợi ích cho mình vừa có sự quan tâm đến lợi ích của người khác, chứ không phải những chỉ nghĩ cho riêng mình. 

 CAO CHƯ

Ý kiến bạn đọc