Khi nhà giáo phải có chứng nhận nghề nghiệp?

VHO - Tại hội thảo tham vấn chuyên môn về xây dựng Luật Nhà giáo tại TP.HCM vừa qua, Bộ GD&ĐT đã đưa ra ý kiến về dự định đưa quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp vào luật. Điều này đã gây ra nhiều ý kiến tranh luận nhiều chiều, trong đó đa số ý kiến cho rằng, quy định như vậy là không cần thiết, thêm thủ tục, rườm rà và phức tạp.

Theo đó, dự kiến những người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo sẽ được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp. 
 Giấy chứng nhận bị thu hồi khi nhà giáo bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ trong hai năm liên tục, vi phạm kỷ luật ở mức buộc thôi việc, sa thải. Trước vấn đề này, người viết nghĩ rằng, việc Bộ GD&ĐT dự kiến đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo với quy định nhà giáo phải có “chứng nhận nghề nghiệp” tương tự như các ngành nghề đặc thù khác như luật sư, bác sĩ... là thật sự không cần thiết, vì những lý do sau: Việc cấp chứng nhận nghề nghiệp cho nhà giáo sẽ tăng thêm chi phí, nguồn lực xã hội như thêm thủ tục, hồ sơ, giấy tờ liên quan, đi lại..., gây lãng phí lớn thời gian, công sức của giáo viên, cơ quan quản lý giáo dục. Mặt khác, nếu triển khai quy định này lại không mang nhiều ý nghĩa, nhất là trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn tạo thêm áp lực, gánh nặng cho giáo viên.
Thứ nữa, khác với những ngành nghề mang tính đặc thù như bác sĩ, luật sư, kỹ sư thiết kế, xây dựng... bởi các đối tượng này có thể hành nghề độc lập nên cần phải chứng chỉ hành nghề để chứng minh điều kiện khi tác nghiệp, làm việc. Trong khi đó giáo viên là dạy học trong các cơ sở giáo dục, có tổ chức nên giáo viên chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện về giảng dạy do cơ sở giáo dục quy định là được. Ngoài ra, các giáo viên nếu làm trong các cơ sở công lập đã có quy định công nhận về xét tuyển, công nhận tập sự; nếu ở các cơ sở tư thục, dân lập thì phải đáp ứng điều kiện, có bằng cấp sư phạm và qua sát hạch, thử việc... đủ điều kiện mới được ký hợp đồng giảng dạy, nên càng không nhất thiết phải có chứng nhận nghề nghiệp. 
Việc quy định phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp, tức yêu cầu phải qua thời gian giảng dạy nhất định ở cơ sở giáo dục nào đó. Như vậy đã vô tình lại gây thêm khó khăn cho những người mới ra trường khi đi xin việc làm hoặc các giáo viên chuyển từ trường này sang trường khác, tỉnh này sang tỉnh khác có thể phải đi xin chứng nhận nghề nghiệp từ đầu... Ngoài ra, việc quy định thêm chứng nhận nghề nghiệp sẽ làm tăng thêm bộ máy làm công tác này, vì đội ngũ giáo viên trong cả nước hiện nay rất đông khi đang có xu thế tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Trong khi việc xem xét để cấp, thu hồi, tạm đình chỉ chứng nhận nghề nghiệp không đơn giản, chưa kể còn phải giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh... liên quan đến việc này chắc chắn cũng sẽ phát sinh nhiều.
Từ những nguyên do trên, thiết nghĩ không nên quy định nhà giáo phải có chứng nhận nghề nghiệp mà tiếp tục giao cho các cơ sở giáo dục tự đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên như hiện nay. Đồng thời, quy định cụ thể, chặt chẽ về điều kiện chuyên môn nghiệp vụ, tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn... cho từng cấp học, từng phân môn, bộ môn là phù hợp hơn. Ngoài ra, cần tổ chức việc xét tuyển, tuyển dụng nghiêm túc, chặt chẽ để chọn ra đội ngũ giáo viên có đủ phẩm chất, đảm bảo chất lượng thay vì phải “đẻ” thêm chứng nhận nghề nghiệp gây tốn kém và không thực sự cần thiết. 

 ThS, LUẬT GIA PHẠM VĂN CHUNG 

Ý kiến bạn đọc