Bêu tên người tiểu bậy nơi công cộng: Không khả thi

VH- Sở TN&MT TP.HCM vừa đề xuất UBND thành phố thực hiện một số giải pháp để tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng trên địa bàn.

Trong đó, đáng chú ý là nội dung xây dựng cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin vi phạm từ người dân, công khai thông tin đối tượng vi phạm. Thông tin trên đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, đa số cho rằng việc bêu tên người tiểu bậy nơi công cộng là thiếu thực tế và không có tính khả thi, bởi những lý do cơ bản như sau:

Thứ nhất, hành vi tiểu bậy nơi công cộng xuất phát từ ý thức kém của một bộ phận người dân, không chấp hành các quy định của pháp luật về vệ sinh nơi công cộng. Người có hành vi tiểu bậy đa số là người nơi khác đến, làm nghề tự do, bán hàng rong hoặc những người lang thang, không có nơi cư trú ổn định, do đó, rất khó có thể lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính cũng như bêu tên của họ ở nơi công cộng.

Thứ hai, tại điểm b, khoản 1 Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày ngày 18.11.2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng”. Mặc dù quy định đã có, thậm chí xử phạt rất nặng hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định, tuy nhiên việc xử phạt là rất hạn chế. Bởi, hành vi vi phạm rất kín đáo, diễn ra nhanh chóng, thường né tránh lực lượng chức năng nên rất khó lập biên bản và xử phạt.

Thứ ba, chính quyền địa phương chưa đầu tư đúng mức các nhà vệ sinh đặt nơi công cộng để phục vụ người dân, khi người dân muốn tiểu tiện cũng không có chỗ để giải quyết, do đó việc tiểu bậy là không tránh khỏi. Một số nơi tuy có đầu tư nhà vệ sinh công cộng nhưng đi vệ sinh có thu phí hoặc địa điểm đặt nhà vệ sinh không thuận tiện, không có chỉ dẫn… nên người dân ngại sử dụng các nhà vệ sinh này.

Thứ tư, như đã nói trên thì những người có hành vi tiểu bậy ở nơi công cộng chủ yếu là người vãng lai, nếu lập biên bản và xử phạt rồi công khai sẽ không có tác dụng với họ. Bên cạnh đó, thời gian, địa điểm, hình thức… công khai là vấn đề cần phải tính tới. Đối tượng chịu sự tác động của việc công khai là ai? Lợi ích mang lại của việc công khai là gì?... Nếu không giải quyết vấn đề này thì việc công khai có thể sẽ làm mất mỹ quan đô thị và “chết yểu”.

Thứ năm, công khai người tiểu bậy nơi công cộng hiện nay chưa có cơ sở pháp lý, nếu làm không thận trọng sẽ phát sinh khiếu nại, tố cáo, khởi kiện của người dân. Đồng thời, việc công khai sẽ ảnh hưởng đến quyền nhân thân và có thể xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người có hành vi vi phạm.

ĐỖ VĂN NHÂN

Ý kiến bạn đọc