Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Thông ngôn nhưng xin đừng lạm ngôn

Thứ Sáu 28/09/2018 | 10:27 GMT+7

VH- Trước khi ông Park Hang Seo xuất hiện, người hâm mộ bóng đá hầu như chưa ai biết ông Lê Huy Khoa là ai. Bởi nếu xếp trong hàng ngũ các phiên dịch gắn với bóng đá, ông Khoa là người ngoại đạo, chưa hề có tên tuổi.

Ông Park Hang Seo đặc biệt tin tưởng phiên dịch của mình và giờ thì người ta nghi ngờ rằng niềm tin ấy đã bị lạm dụng (ông Lê Huy Khoa bên trái) Ảnh: MINH CHIẾN

Cùng với sự thành công của các đội bóng do ông Park dẫn dắt, tên tuổi của ông Lê Huy Khoa dần cũng được nhiều người biết đến. Nếu như ở đời các HLV trước, các phiên dịch đều ở vị trí rất khiêm nhường, đứng sau HLV trưởng và thực hiện đúng nhiệm vụ “thông ngôn” truyền đạt ý tưởng của HLV trưởng tới các cầu thủ và BHL. Trong các cuộc tiếp xúc với báo chí, các phiên dịch cũng chỉ thực đúng nhiệm vụ của mình, tuyệt đối không tiết lộ những chuyện riêng tư của đội tuyển, thì đến đời của phiên dịch Lê Huy Khoa, mọi chuyện có vẻ như khác hẳn. Ngay sau khi đội tuyển U23 trở về, trong các lễ mừng công, ông Khoa đều có vị trí trịnh trọng, bên cạnh HLV trưởng. Điều đó cũng không hề hấn gì nếu như ngay sau đó ông Khoa không xuất bản cuốn sách U23 những chuyện chưa kể, đáp ứng đúng “cơn khát” của thị trường lúc ấy khi tình yêu với đội tuyển U23 đang dâng cao vô bờ bến. Nhưng chính điều đó lại khiến người ta băn khoăn rằng, dường như ông Khoa đang không ý thức được vị trí của mình trong đội tuyển.

Nhân chuyện của ông Khoa, ông Ngô Lê Bằng, nguyên TTK VFF, trợ lý ngôn ngữ của các đời HLV Henrique Calisto, Alfred Riedl chia sẻ: “Theo quan điểm của cá nhân tôi, đội tuyển giống như một tập thể, một gia đình. Ta là bạn bè, ta có nên kể những câu chuyện của bạn bè mình với người khác không? Chuyện đó tôi nghĩ cần có giới hạn. Đâu phải chuyện gì trong nhà ta cũng có thể đem ra ngoài kể. Nếu anh phiên dịch cho rằng việc đó không có ảnh hưởng gì thì đó là việc của anh ấy. Anh ấy phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình. Tôi đã làm phiên dịch thể thao, làm phiên dịch cho nhiều nơi. Tôi không nhớ điều này mình từng đọc được hay các đàn anh đi trước từng chia sẻ. Nhưng họ dạy tôi: Kiệm lời thì là tốt. Nếu anh làm phiên dịch, anh biết được những chuyện nội bộ của ai đó, kể ra thì đâu có hay. Tôi nghĩ chúng ta có những giới hạn, quy định bởi những phép ứng xử. Tôi không thể đem mọi chuyện đi kể. Như thế thì còn ra gì nữa”.

Đó cũng là nguyên tắc mà hầu hết các trợ lý ngôn ngữ của các đội tuyển đều thuộc nằm lòng. Không những thế, mỗi đội tuyển đều có quy chế phát ngôn riêng khi thi đấu tại các giải đấu quốc tế. Chẳng hạn như tại Asian Games 18 vừa qua, đội tuyển bóng đá Olympic quốc gia chỉ là một phần của Đoàn TTVN tham dự Asian Games và sẽ phải tuân thủ theo quy chế của Đoàn TTVN, trong đó người phát ngôn của các đội tuyển sẽ là HLV trưởng, chứ không phải trợ lý ngôn ngữ. Thế nên khi đem chuyện đội tuyển ra kể, ra viết sách hoặc nói với báo chí, cần phải xem xét liệu ông Khoa đã vi phạm quy chế của Đoàn TTVN, của đội tuyển Olympic quốc gia chưa.

Chuyện ông Khoa tiết lộ lý do vì sao Công Phượng không được đá chính trong trận tranh HCĐ, hay kế hoạch nhân sự chuẩn bị cho AFF Cup 2018 với 45 thành viên của HLV Park khi thời gian tập trung còn chưa xác định, đã khiến cho vị Hiệu trưởng Trường Hàn ngữ Việt - Hàn Kanata nhận khá nhiều chỉ trích. Nói về khả năng viết lách, ông Khoa khá giỏi bởi chỉ gắn bó với thầy Park trong chưa đầy 1 năm, ông đã cho ra đời 2 cuốn sách về đội tuyển U23 và về vị HLV đến từ xứ sở Kim chi. Cả 2 cuốn sách đều đáp ứng được cơn sốt của thị trường, nhưng điều đó cũng khiến người ta nghi ngại. Nói về khả năng nhạy bén, ông Khoa cũng không thua kém bất cứ doanh nhân nào khi rất nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nhưng nói về cách ứng xử của một “quan thông ngôn” thì ông Khoa có phần hơi nhầm lẫn.

Trên báo chí, ông Khoa cho rằng ông cảm thấy mình bị xúc phạm và sẽ thôi không làm thông ngôn cho thầy Park nữa. TTK VFF Lê Hoài Anh cho biết, đó là quyền của ông Khoa. Ông Khoa có thể cảm thấy bị xúc phạm trước chỉ trích từ dư luận, nhưng có ai dám chắc rằng các cầu thủ và cả ông thầy Park nữa đều cảm thấy vui vẻ trước tác phẩm của ông Khoa khi chuyện trong nhà được kể vanh vách? Nói về khả năng phiên dịch, tài năng của ông Khoa chắc chắn khỏi phải bàn và đó cũng là lý do để ông nhận được sự tín nhiệm từ thầy Park, đến nỗi mà trong một số cuộc trả lời phỏng vấn hoặc giao lưu trực tuyến với báo chí, điều kiện của ông Park đưa ra là phải có trợ lý Khoa đi cùng.

Được thầy Park tín nhiệm, tin tưởng, đó là cái may mắn của ông Khoa và đó cũng là sự ghi nhận những nỗ lực của ông Khoa đã được đền đáp. Thế nên thời của HLV Park Hang Seo, vị trí của người phiên dịch được nâng lên một tầm cao mới, so với các thời kỳ trước đây. Và lẽ ra ông Lê Huy Khoa phải biết quý trọng những điều đó để hoàn thiện mình hơn thay vì lại chia sẻ những thông tin cần phải giữ bí mật khiến cho người ta có cảm giác rằng niềm tin của thầy Park đã bị lạm dụng. 

 VÂN GIANG

 

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top