Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Cần có những chuyển đổi từ trong nhận thức về văn hóa gia đình

Thứ Tư 10/10/2018 | 20:10 GMT+7

VHO-Chiều 10.10, tại Đà Nẵng, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức Phiên giải trình về trách nhiệm quản lý Nhà nước và phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ). Dự Phiên giải trình có Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ VHTTD Nguyễn Ngọc Thiện; lãnh đạo Bộ LĐTBXH; Bộ Y tế; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Bộ KH&ĐT; Ủy ban dân tộc; Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Bạo lực gia đình ngày càng phức tạp
Tại Phiên giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá cao tính khả thi của Luật Phòng chống, bạo lực gia đình. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng: “Luật PCBLGĐ còn bị ràng buộc bởi những văn bản khác nên chưa phát huy được hiệu quả; cho đến nay lĩnh vực gia đình vẫn chưa có cộng tác viên dẫn đến khó khăn trong triển khai nhiệm vụ. Trong khi đó Luật Hôn nhân gia đình 2014 hiện nay chỉ tập trung quản lý, điều chỉnh về các mối quan hệ hôn nhân thuộc quản lý nhà nước của ngành tư pháp. Vì vậy cần xem xét làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về gia đình hiện nay cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó đặc biệt làm rõ trách nhiệm, vai trò của gia đình trong việc giáo dục tuyên truyền đạo đức lối sống con người Việt Nam từ gia đình, xây dựng hình thành nhân cách con người trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước”.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại Phiên giải trình

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Theo khảo sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, tình hình bạo lực gia đình xảy ra ở nhiều vùng miền và các nhóm đối tượng. Bạo lực gia đình gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, trước hết là vi phạm quyền con người, danh dự và nhân phẩm của mỗi cá nhân - đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, làm xói mòn đạo đức và sự nhân văn của xã hội. “Trong 10 năm triển khai Luật PCBLGĐ đã cơ bản thay đổi nhận thức của cá nhận, gia đình và cộng đồng về PCBLGĐ. Tuy nhiên, dù công tác phòng chống BLGĐ đã có nhiều định hướng chỉ đạo nhưng hiệu quả thực hiện còn hạn chế do thiếu những quy định pháp lý đặc thù, khiến việc hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân còn chưa hiệu quả; thiếu các quy định mang tính pháp lý để giáo dục, xử lý người gây bạo lực”, bà Thúy Anh nhận định.

"Chúng ta vẫn cần đến một hệ thống pháp lý đủ sức mạnh, và cần hơn nữa là những chuyển đổi từ trong nhận thức của người dân về BLGĐ, về văn hóa trong gia đình”

(Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện)

Tham gia Phiên giải trình, các đại biểu cho rằng, BLGĐ càng ngày càng có chiều hướng gia tăng, không chỉ chồng bạo hành vợ, cha mẹ bạo hành con cái, mà con cái cũng ngược đãi cha mẹ, ông bà, vợ bạo hành chồng, cha xâm hại con… Các vụ BLGĐ diễn ra ngày cành báo động cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Đó cũng là vấn đề phần lớn các đại biểu đưa ra: Làm sao để PCBLGĐ một cách hiệu quả?

Đại biểu Thu Dung (tỉnh Thái Bình) cho rằng: Nếu trước kia, BLGĐ phổ biến vẫn xuất phát từ người chồng thì nay, nó có thể được châm ngòi từ cả hai phía vợ và chồng. Điều ấy càng khiến cho BLGĐ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là trẻ em, ảnh hưởng đến nhân cách, sự phát triển của trẻ sau này. “Lo ngại hơn, chúng ta chưa có được giải pháp thấu đáo để ngăn chặn tình trạng BLGĐ vốn đã xảy ra nhiều năm nay theo chiều hướng ngày càng nghiêm trọng. Một số gia đình khi xảy ra vấn đề BLGĐ không biết phải làm gì, và hàng xóm cho rằng BLGĐ là việc riêng của hàng xóm, không nên can dự. Đa số các nạn nhân cũng không dám tố cáo. Họ chịu đựng ngày này qua ngày khác, bởi tâm lý còn nặng nề lối cũ, rằng “chuyện nhà người cười”, “xấu chàng hổ ai”… cho đến khi xảy ra hậu quả đáng tiếc thì đã muộn”, bà Dung phân tích.

Các đại biểu tham gia Phiên giải trình

Cần có sự chuyển đổi trong nhận thức
Câu hỏi cấp thiết đặt ra hiện nay, đó là làm sao để có thể phòng, chống BLGĐ một cách hiệu quả trong khi chúng ta đã có không ít những đạo luật liên quan đến PCBLGĐ? 
Theo Phó chánh toà án Nhân dân tối cao Nguyễn Thúy  Hiền, những cuộc hôn nhân tan vỡ do BLGĐ ngày càng tăng. Có nhiều hình thức bạo lực về cả tinh thần lẫn thể xác. Khó khăn vướng mắc bắt nguồn từ luật, còn thiếu chế tài đối với bạo lực gia đình. “Các quy định chưa rõ ràng về các hành vi gây bạo lực và đối tượng gây bạo lực. Thí dụ định nghĩa: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác…”, làm sao để xác định được “hành vi có khả năng gây tổn hại”? Hay như Luật quy định: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình” là chưa cụ thể. Ngoài ra khái niệm “thành viên gia đình” là chưa rõ ràng, thậm chí có trường hợp nhiều cặp sinh sống không đăng ký kết hôn, nhưng vẫn xảy ra bạo lực.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Cần có những chuyển đổi từ trong nhận thức của người dân về BLGĐ, về văn hóa trong gia đình

Việc ban hành Luật Phòng, chống BLGĐ tuy được coi như căn cứ pháp lý cơ bản từ gần chục năm nay, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trần Công Phàn cho rằng: “Vấn đề là việc phổ biến, giáo dục pháp luật không chỉ tuyên truyền suông, mà phải đi sâu vào phân tích những khía cạnh cụ thể, chỉ rõ trách nhiệm thừa hành pháp luật của từng đơn vị, cá nhân. Như hiện nay, ở không ít địa phương, khi nạn nhân tìm đến gõ cửa các cơ quan có trách nhiệm thì lại bị lảng tránh. Điều đó cũng làm giảm số người dám đứng lên tố cáo, đấu tranh với hành vi BLGĐ”.
Chưa kể, quy định trong xử phạt cũng có nhiều bất cập. Thí dụ phạt tiền con có hành vi bạo lực với cha hoặc mẹ, mà con không có tiền nộp phạt thì cha mẹ phải nộp thay. Rồi phạt tiền đối với người không có việc làm, không có thu nhập là không hợp lý. Rồi những quy định về biện pháp cấm tiếp xúc giữa người gây bạo lực và nạn nhân, hay mức xử phạt chưa đủ sức răn đe,…
Phát biểu tại Phiên giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: “Số liệu thống kê về BLGĐ là chưa đầy đủ. Bộ VHTTDL cũng đã có đề xuất, kiến nghị liên quan đến sửa đổi luật, các nghị định nhằm mang lại tính răn đe cao, tuy nhiên sửa đổi luật là việc không thể làm thường xuyên. Muốn phòng, chống hiệu quả BLGĐ thì cần nhân rộng các mô hình hỗ trợ cộng đồng về phòng, chống BLGĐ hoạt động có hiệu quả, những nơi trú ẩn an toàn có tác dụng giúp đỡ những nạn nhân bị bạo lực gia đình, xây dựng các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng để nhằm tư vấn giải quyết mâu thuẫn, phòng, chống BLGĐ... Nhưng chỉ như vậy thì chưa thể đủ. Chúng ta vẫn cần đến một hệ thống pháp lý đủ sức mạnh, và cần hơn nữa là những chuyển đổi từ trong nhận thức của người dân về BLGĐ, về văn hóa trong gia đình”.

NGỌC HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top