Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Có ý Đảng- lòng dân là bảo tồn được di sản!

Thứ Năm 11/10/2018 | 19:55 GMT+7

VHO- Diện mạo phủ Quảng Cung tại thôn Tiến Thắng, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định cho mãi đến những năm cuối thế kỷ XX, trong tâm trí tôi vẫn chỉ là hình bóng của mấy gian nhà luồng mái rạ, nép ven chiếc ao lớn có bóng tre gai và cây cối rậm rạp quây kín ngay đầu thôn Quảng Nạp, còn gọi là thôn Nấp - theo cách gọi nôm na của người dân trong vùng.

Cái diện mạo ấy trong tôi có được cũng bởi, từ những ngày còn học cấp III trường huyện cuối những năm 60 thế kỷ trước, tôi thường theo bà nội đi lễ phủ này mấy lần. Các buổi hành hương của bà tôi cùng mấy bà cao niên trong làng về với làng Nấp thường xuất phát từ chiều, qua hơn chục cây số cuốc bộ từ thị trấn Lâm, đến theo lễ thâu đêm, rồi ra về lúc sáng sớm. Bà tôi bảo: Nơi này thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, thiêng lắm! Nhưng người ta cấm không cho nhang khói, hầu đồng cháu ạ ! Các nơi trong huyện mấy năm nay đều cấm lễ hội và thờ cúng tại các đình, đền. Nhiều đình đền bị dân quân phá bỏ để chống mê tín dị đoan. Những người đang lễ bái như bà cháu ta nơi đây toàn phải vụng trộm thôi mà. Khổ lắm ! Tôi theo bà chen chân vào gần hè đền, nghến cổ dòm dưới cái ánh nhập nhoạng của đèn chai, đèn măng xông và không khí mờ ảo của nghi ngút khói nhang. Thi thoảng vọng ra những tiếng xuýt xoa, rì rầm quanh khu vực của một thanh đồng trang phục sặc sỡ, vung tay múa kiếm ngay giữa khoảng trống được trải chiếu trước ban thờ…Phải đến giữa năm 2005, tôi mới có dịp cùng PGS.TS. Trần Lâm Biền trở lại viếng thăm phủ Quảng Nạp. Đang ngơ ngác trước vẻ bề thế, hoành tráng của một cơ ngơi thờ tự như vừa mới hoàn thành chưa lâu, bà Trần Thị Vân, tự giới thiệu là thủ nhang và chủ chính của cơ ngơi này, đã vồn vã ra đón khách: Quý hóa quá ! Rước các bác vào phủ viếng thăm. Hôm nay không phải ngày trọng lễ nên còn vắng khách đấy ! Vào đây, ta trò chuyện cho vui… 
Nghe tôi dẫn lại cái cảm nhận trong tâm trí những tháng năm xưa kia về cơ ngơi trong quá khứ của nơi thờ tự này, bà Vân cười rổn rảng: Thì đúng vậy đấy! Chuyện này, bác Biền còn lạ gì. Tôi nhớ, khi mới về với đất của Mẫu đây năm hai lẻ một (2001), tôi đã hân hạnh được đón các Giáo sư Trần Quốc Vượng và Trần Lâm Biền về rồi mà… Rồi bà với ấm tích chiên nước vối nóng mời khách. Câu chuyện với người thủ nhang đang đối diện tôi tự nhiên lại ngược về quá vãng cách đây mấy chục năm có lẻ… 
Chiêu vội ngụm nước như để nén tiếng thở dài, bà Vân dịu giọng: Cái số tôi nó lạ lắm. Biết bao việc cứ như có sự sắp sẵn, lần lượt “dẫn dắt” tôi đi theo. Sinh ra ở làng An Thái, xã Bình Mỹ, huyện Bình Lục, một vùng quê trũng ngập quanh năm. Vào độ vụ chiêm, đi gặt nước dâng ngang ngực. Khổ lắm ! Tôi tuổi Tuất, sinh năm 1946, sau cái năm làng tôi biết bao người phải ra đi vì cái đói Ất Dậu ấy mà. Nhà nghèo, lại nuôi con nhỏ giữa kỳ đói kém, còn gì cực hơn. Ông bà thân sinh tôi sau này kể lại, cứ nghĩ ngày ấy không giữ nổi con. Vậy mà…Cũng may, tôi là người có thể chất của con nhà lực điền, cấy cày biết tuốt, thức khuya dậy sớm quần quật suốt ngày. Vừa qua tuổi vị thành niên, tôi xây dựng gia đình với người cùng làng. Cuộc sống nhà nông cứ vậy diễn ra trong ước mong “cơm no, áo ấm”. Rồi bốn đứa con, hai trai, hai gái lần lượt ra đời. Bước vào tuổi trung niên, không hiểu sao, tôi cứ hay ốm vặt, tính khí thất thường, đôi lúc như người phát ngộ. Dặt dẹo nuôi con khôn lớn, tôi đi xem, một đồng thầy xã bên ghé tai thầm bảo: Cô có căn số. Nếu không hầu đồng mở phủ hoặc về công đức cho Thánh Mẫu ở Phủ Dầy thì khổ đấy ! Chỉ đi lễ bái “tắc bọp” như hiện nay sẽ không ổn đâu. Nghe lời Thầy, tôi bàn với chồng con, rồi khăn gói tìm về Tiên Hương, tự nguyện làm công đức cho vợ chồng ông Đức - vốn đang là thủ nhang nơi đây. Ngót chục năm trời, tôi thành tâm phục vụ cửa Mẫu, chăm nom hương hoa xếp lễ cho khách hành hương. Ông bà Đức thương tôi, thi thoảng vài tháng lại cho tôi hầu đôi giá. Thấy tôi hầu đẹp, nhập hồn, mọi người đều quý mến. Ông Đức coi tôi là em kết nghĩa. Những năm đầu ở Tiên Hương cũng cơ cực lắm. Ông bà Đức vừa lo toan chuyện nhang khói lễ Mẫu, vừa phải dọn dẹp nhiều gian điện thờ vốn xập xệ, dột nát, có thời được cán bộ xã Kim Thái lấy làm chỗ chứa phân đạm và thuốc trừ sâu. Mỗi dịp gặp mưa, nước chảy lênh láng ra sân, kèm theo mùi thuốc sâu tưởng như nghẹt thở. Những năm đầu thập niên 90, chính quyền đã cho hầu đồng, hát văn lại đâu. Thi thoảng, ông bà Đức kín đáo tổ chức một vấn hầu, chính quyền lại đến gây khó dễ. Mãi đến cái năm 94, chính quyền mới gọi đến truyền lệnh cấp trên, cho phép thử nghiệm mở lại lễ hội Phủ Dầy và thí điểm hầu đồng, cùng với đền Đồng Bằng bên Thái Bình. Lũ con nhang đệ tử như bọn tôi mừng lắm…Kể đến đây, gương mặt bà Vân như sáng ra. Cái nét phúc hậu lại hồng lên trên gương mặt, tôn cho ánh mắt thêm xa vợi…
Gịuc tôi uống nước, bà chép miệng, quệt môi trầu, kể tiếp: Ấy vậy mà, đang trong những tháng ngày ông bà Đức chạy vạy lo tiền nong tu sửa nhà đền, tụ hội các con nhang bản hội khắp nơi về dâng lễ, tổ chức luyện tập các đội cung văn, hầu đồng, thì năm 1999 tôi lại xin chuyển sang công đức cho phủ Bóng kề cận ngay phía đầu xã Kim Thái này. Ngày ấy, phủ Bóng còn hoang sơ lắm. Khói nhang gần như lạnh tanh. Mảnh đất nhỏ bé hiện tồn ngôi đền cũng khiêm tốn. Mới sang, còn đang “hăng máu”, tôi thấy bình thường. Nhưng vài tháng sau, mới thấy hiu quạnh. Đêm nằm thao thức, nhớ chồng, nhớ con quá thể. Lại chập chờn trong mơ, Thánh Mẫu hiện về, như thầm nhủ tôi về với đất Mẫu bên phía Ý Yên, gần dòng sống Đáy. Vậy là, qua mấy tháng giời, tôi sau khi lên nhang đèn cho phủ Bóng, lại cắp nón lang thang về vùng chợ Đồi, phủ Nấp, chẳng khác gì người đi điền dã như các ông nghiên cứu bây giờ. Không hiểu sao, mỗi lần bước vào ba gian đền làm bằng luồng, tường đất mái rạ, trong có ban thờ Thánh Mẫu nơi làng Nấp đây, tôi lại thấy lòng dạ an lành, tâm trí sảng khoái. Trò chuyện với dân làng, mọi người kể cơ man là chuyện, xoay quanh Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Càng nghe, tôi càng như người bị hút vía, thầm reo lên như thể mình tìm được về cố hương bản quán vậy.Thế là, từ đầu năm 2000, tâm trí tôi suốt ngày chỉ hướng về phủ Nấp ! Đang chông chênh tìm chỗ “an cư”, đùng một cái, đầu tháng 8 năm hai lẻ một (2001), tôi nhận được giấy mời của Chủ tịch UBND xã Yên Đồng Nguyễn Văn Quang, mời tôi đến xã làm việc. Nghĩ là việc hệ trọng, tôi ra Ủy ban xã tìm gặp ông Quang. Chủ tịch xã niềm nở kéo tôi vào văn phòng trò chuyện. Thì ra, mấy tháng qua, nghe nguyện vọng người dân và xem xét nhu cầu sinh hoạt tâm linh trong cộng đồng và cơ cảnh nơi phụng thờ Mẫu trên địa bàn xã, lại nghe người dân kể về “lai lịch” của tôi, Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Yên Đồng đã triệu tập cuộc họp “cấp cao” của xã để bàn vè việc khôi phục di sản phụng thờ Thánh mẫu của địa phương mình; rồi ra quyết định mời tôi về làm chủ đề án khôi phục, tôn tạo phủ Nấp và giao cho tôi toàn quyền đứng ra đảm trách nhang khói cho di tích tín ngưỡng này. Thì ra, Đảng và Chính quyền địa phương đã nhận thấy giá trị của di sản trên quê hương mình cùng ý nguyện của đa số cộng đồng dân cư muốn dựng xây cơ ngơi thực hành tín ngưỡng vốn được đời xưa để lại mấy trăm năm qua. Vậy là Đảng đã thấu hiểu lòng dân và triển khai ý tưởng người dân có quyền sinh hoạt tự do tín ngưỡng vốn từ lâu đã được ghi trong Hiến pháp, vào đời sống văn hóa thực tại của làng quê rồi. Mừng quá ! Cứ như có Mẫu “run rủi”, chẳng cần ngẫm nghĩ gì lâu, tôi đồng ý với ý kiến lãnh đạo xã và đề nghị văn bản hóa các nội dung thỏa thuận đôi bên. Đúng ngày mùng 8 tháng 8 năm hai lẻ một (2001), tôi cầm tờ Quyết định của chính quyền địa phương về đứng trước khoảnh đất thuộc phạm vi trước đây của phủ, mời bà con dân làng đến, chính thức thông báo Quyết định mang tính hệ trọng này trước ban thờ Mẫu với dân làng; và mong muốn mọi người đồng tâm hiệp lực cùng tôi chấn hưng cho nơi phụng thờ Thánh Mẫu. Mà thôi, ngôi đây hàn huyên thì dài dòng và khó mường tượng lắm. Ông theo tôi ra đây…
Bà Vân thoăn thoắt kéo tôi ra sân. Khoát một vòng tay, bà như người thuyết minh hiện trường thành thạo bằng những lời chắc nịch: Đây, cái cung Đệ Tam đang sừng sững này, vốn được dựng trên nền cũ của 3 gian nhà luồng thờ Mẫu trước đây đấy. Có hơn một sào đất thôi mà! Mặt trước và mặt sau đều là ao sâu, cây cối um tùm, rắn rết chim chóc nhiều cơ man, nhìn hoang sơ heo hút. Cái ngày tôi mới về đây, mỗi đêm thức giấc, nghe ếch nhái côn trùng rền rĩ, lại thấy rùng mình. Ông biết không, nhận lệnh của xã xong, ngay tắp lự, tôi khẩn trương hội họp các bậc cao niên vốn là con nhang đệ tử của Mẫu, bàn bạc kế sách, quy hoạch tổng thể cả khu vực và phác ra diện mạo theo dáng dấp của cái phủ ngày xưa. Rồi tôi “cắp nón” sục đi tìm nơi vay tiền. Tôi gõ cửa người thân, gõ cửa chính quyền, sẵn sàng ký kết, thế chấp mọi thứ. Miễn là vay được tiền dựng phủ. Có chút vốn liếng, tôi cùng bà con san lấp mặt bằng, thuê xe chở đất lấp ao. Hơn một tháng sau, ngày 23-9 tôi cùng thợ làm lễ động thổ, khởi công xây móng nhà Tổ. Ngày 14-10 đã tổ chức cất nóc. Chỉ sau một năm, tôi đã hoàn thành hai cung Đệ nhất và Đệ nhị lộng lẫy như thế này. Những năm tháng này kỳ lạ lắm, cứ như có Mẫu “độ trì” vậy. Khắp nơi, mọi người lũ lượt tìm về. Người công đức vạn gạch. Kẻ dâng tấn xi măng, sắt thép. Người nghèo không có của cải vật chất dâng Mẫu thì góp công sức hàng ngày. Nhìn cái cảnh mọi người tự lo cơm nắm cơm đùm về san đất, chuyển gạch nhộn nhịp góp phần dựng phủ ngày đêm, tôi ứa nước mắt. Năm hai lẻ ba (2003), tôi dấn lên làm tiếp cung Đệ tam này. Và dịp đầu xuân 2005 thì toàn bộ công trình được khánh thành. Người dân bảo, đời họ chưa bao giờ tham dự một lễ hội tại phủ Quảng Cung to đẹp đến vậy! Cái hôm khánh thành, ông biết không, có một con rắn thân loang như hoa sặc sỡ, to bằng bắp tay, dài hơn mét, tự nhiên hiện về, nằm vắt ngang bờ tường ngay cổng chính đến chừng 3 giờ đồng hồ, rồi tự biến đi đâu mất. Mấy bức ảnh thợ chụp tôi còn giữ treo trong nhà khách kia kìa. Mẫu linh lắm! Cái làng này, chỉ có 5% dân theo đạo Phật, còn 95% là Công giáo. Vậy mà, vào những ngày sôi động và kỳ lạ ấy, bà con giáo dân cũng tấp nập kéo đến dâng lễ vào đền, chắp tay cầu khấn Thánh Mẫu. Ngày ngày đứng đón con nhang đệ tử kéo nhau tìm về, tôi chỉ biết sung sướng đến nghẹn lời, cám ơn các bản hội, cám ơn mọi người và trào dâng nước mắt. Nước mắt hạnh phúc của đứa con đã thầm hứa sẽ trọn đời theo Mẫu! Mà cũng thú thật, ngoài bảy chục tuổi đầu rồi, bây giờ tôi mới “ngộ” ra một điều rằng, một khi đã có sự thông thuận giữa ý Đảng với lòng dân thì việc khôi phục, bảo tồi di sản của dân làng chỉ là…con mắt muỗi !!! Đấy, có phải ngẫu nhiên mà,  vào cái dịp lễ hội năm 2006, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng nhiều cán bộ cao cấp của Trung ương và tỉnh đã về thăm phủ Quảng Cung này, động viên dân làng chúng tôi bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa phương, phục vụ đời sống văn hóa quê hương ! 
Ngắm bức ảnh Bà Vân cùng dân làng chụp cùng Chủ tịch nước, rồi quay lại nhìn gương mặt bà khi ấy, tôi mới hiểu rõ thêm thế nào là sự thành tâm và ý chí của một con người đã vì sự hiện tồn của di sản văn hóa truyền thống quê hương mà phải hy sinh biết bao điều, thậm chí ngay cả tình cảm của người vợ với người chồng, người mẹ với con cái những chục năm qua…
Những năm tiếp theo, gần như năm nào, vào kỳ lễ hội đầu tháng ba âm lịch, tôi đều về tham dự lễ hội phủ Quảng Cung và thăm vị thủ nhang khả kính nơi này. Dẫu vậy, tôi vẫn không thể nào biết hết những công lao mà bà qua từng ngày, từng tháng “lao tâm, khổ trí” với công việc như chính bà Vân đã nhiều lần tâm sự: Được Mẫu sai khiến mà! Hoàn thiện bước đầu cơ ngơi vật chất, bà Vân lại say mê tự thân sưu tập, ghi chép tư liệu, lặn lội tìm gặp các nhà khoa học ở khắp mọi nơi để trao đổi, mạn đàm. Bà cho tìm thợ khắc lại tấm bia truyền sự tích Thánh Mẫu giáng sinh lần đầu tiên xuống làng Nấp này vào giữa thế kỷ XV. Hàng loạt các tư liệu về Quảng Cung linh từ bia ký, Truyền kỳ tân phả,… của Khiếu Năng Tĩnh, Đoàn Khiển, Đặng Huy Liêu, Đoàn Thị Điểm được bà tập hợp in ấn, phát tặng cho dân và cung cấp cho các nhà nghiên cứu làm tư liệu tham khảo. Nhiều bài thơ theo bà là được Mẫu “giáng bút” được bà thuộc nằm lòng, đọc cho mọi người nghe. Và tự hào thay, vào giữa năm 2013, phủ Quảng Cung đã được Nhà nước xét duyệt và cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đến năm 2015, bà Trần Thị Vân đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và Kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam. Cuối năm 2015, bà Trần Thị Vân lại được Chủ tịch nước ký phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú!
Cuối năm 2013, đầu năm 2014, tôi cùng anh em đồng nghiệp từ Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam về tổ chức khảo sát, nghiên cứu kiểm kê thực hành di sản tín ngưỡng thờ Mẫu ở Quảng Cung nói riêng, và các địa bàn khác có sinh hoạt thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của Nam Định nói chung, phục vụ xây dựng Hồ sơ di sản, trình UNESCO xét duyệt và vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có thể nói, chính bà Vân đã là một trong những  cá nhân cung cấp nhiều tư liệu đáng quý nhất. Trong niềm vui chung, bà Vân cùng các thanh đồng đã đứng ra tổ chức thực hành hàng chục giá đồng để đáp ứng nhu cầu quay phim, chụp ảnh, phục vụ hồ sơ, phục vụ các nhà khoa học trong, ngoài nước chiêm nghiệm, nghiên cứu về một trong những trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu lớn nhất của cả nước.
Cho đến giờ, ngồi ghi lại những dòng trò chuyện với bà Trần Thị Vân, người được PGS. TS. Trần Lâm Biền từng hiếm hoi phong tặng là Một tay gây dựng phủ - đền, tôi vẫn không quên được hình ảnh của một “đệ tử” Thánh Mẫu chính hiệu là Trần Thị Vân, giữa một không gian văn hóa đặc biệt, trên đất Sơn Nam Hạ. 
Và, vào hồi 17h15 giờ địa phương (21h15 giờ Việt Nam) ngày 1-12-2016, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia, di sản “Những thực hành liên quan Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Giữa thời khắc và không gian văn hóa đặc biệt đó, tôi tin, hàng triệu người Việt Nam khi ngước nhìn lên màn hình vào buổi thời sự  đầu ngày mùng 2-12-2016, chắc chắn sẽ nhớ mãi hình ảnh thủ nhang – thanh đồng Trần Thị Vân, bước vào cái tuổi “cổ lai hy”, trong trang phục bà đồng, đang giương cao lá cờ đỏ sao vàng, tung tăng ngược xuôi trước hàng ghế Chủ tịch đoàn của cuộc họp Đại hội đồng UNESCO, reo hò hồn nhiên, mừng vui đón nhận danh hiệu cho di sản văn hóa của đất nước mình. 
Thật đáng trân trọng và kính phục biết bao, một người phụ nữ đã dành cả đời để trải nghiệm và dồn hết tâm trí, sức lực của mình góp phần hiện thực hóa bản hợp đồng “Ý Đảng – Lòng dân” với Đảng bộ và Chính quyền xã Yên Đồng, huyện Ý Yên năm xưa, bảo tồn thành công và đang hàng ngày tìm cách hữu hiệu phát huy giá trị một loại hình di sản văn hóa độc đáo, mang tầm nhân loại cho cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam!/.

Bùi Quang Thanh – Bùi Hoài Sơn
                    (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam)


 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top