Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Nghệ An: Tận diệt chim trời

Thứ Hai 22/10/2018 | 11:07 GMT+7

VHO- Thời tiết sang thu là lúc chim trời di trú bay trên cánh đồng quê ở Nghệ An. Đây cũng là mùa săn bắt chim trời ráo riết nhất để bán chợ và cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn. Mặc dù các cơ quan chức năng có biết đến nhưng chưa có biện pháp nào ngăn chặn.

  Những con chim, cò bị vặt lông và hun khói bán ở chợ giá 15.000 - 20.000 đồng/con

Muôn kiểu “thiên la, địa võng”

Khi trời quang sau bão, những đàn chim trời bay lượn di trú quay về rừng cũng là thời điểm các đội thợ săn chim chuẩn bị đồ nghề đổ xô để bẫy chim. Ông Nguyễn Văn C, người có thâm niên săn chim lâu năm ở xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu cho biết: Chim trời là lộc trời cho, vào mùa tôi cùng người dân đi bẫy chim. Những bẫy chim được những người săn chim giăng khắp ruộng, khi đàn chim trời bay qua sẽ nhanh chóng sập bẫy. Dụng cụ dùng để săn chim gồm 2 tấm lưới to hình chữ nhật đặt nằm trên ruộng, trên khung lưới gắn 2 sợi dây thừng dài khoảng 100 m, hơn chục con chim mồi dụ bầy kéo tới. Dưới mẻ lưới hiểm, những con chim xấu số bị rơi xuống, nằm sõng soài ra đất, những chiếc móng vuốt bấu chặt vào mắt lưới. Người thợ săn chỉ việc gỡ chim cho vào lồng.

Bẫy chim trời là nghề được nông dân không chỉ ở Quỳnh Lưu mà các địa phương trên địa bàn Nghệ An như Diễn Châu, Hoàng Mai, Nghi Lộc, Yên Thành, Đô Lương... lựa chọn vào những lúc nông nhàn. Thợ săn giăng ra “thiên la, địa võng” khắp các cánh đồng để bẫy chim trời. Những cái bẫy giăng trắng đồng “trận địa” bẫy bằng cò giả (cò tạc bằng xốp). Những con chim mồi được các thợ săn bố trí ở khắp khu vực giăng lưới để nhử đồng loại. Thậm chí, người dân còn sử dụng súng tự chế, súng hơi để bắn chim. Ngoài những cách bẫy truyền thống, thợ săn không ngừng sáng tạo những bẫy mới tinh vi nhờ vào công nghệ để tận diệt chim trời như dựng nhiều hàng rào lưới dựng kín, loa điện giả tiếng chim... Một số tốp thợ sử dụng điện thoại ghi lại tiếng kêu của chim rồi bật lên dụ con mồi đến gần bẫy.

Anh Cao Sỹ S, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu cho biết: Thông thường tùy đặc tính của từng loại hay đi tránh bão hoặc kiếm ăn nhiều vào thời gian nào, người thợ săn sẽ bố trí đồ nghề phù hợp. Tùy từng loại chim mà cách thức bẫy cũng khác nhau. Cò, vạc... bẫy bằng que quết nhựa; cuốc cà cà, gà lôi... bẫy bằng lưới; chim én, chim sẻ... thì bẫy bằng sập. Sau khi giăng bẫy, cánh thợ săn núp ở túp lều dựng tạm, được ngụy trang bằng những cành cây cách đó chừng trăm mét. Khi săn cò, phải thật tinh mắt mới phát hiện ra một đàn cò, khi nó mới chỉ là một chấm nhỏ trên trời. Chờ một lúc cho chúng bay tới gần cánh đồng, rồi giật mạnh dây cước buộc ở cổ chân cò máy. Nhầm tưởng đồng loại đang báo hiệu ở đây có nhiều thức ăn, đàn cò bay là là mặt ruộng cuối cùng sà xuống hẳn. Có khi chúng sà xuống hàng trăm con trên cánh đồng. “Hiện nay đang vào mùa bẫy chim nên không chỉ người dân địa phương mà nhiều thợ săn từ các nơi về đặt bẫy bắt chim. Những đàn cò, chim én bay qua hầu hết đều dính bẫy. Đánh xong vùng này, họ lại di chuyển đến vùng khác để săn bẫy chim”, Anh S cho biết thêm.

Nguy cơ đáng báo động

Về giá cả của các loài chim còn tùy thuộc vào từng mùa, từng năm nhưng được cánh thợ săn đánh giá là ổn định. Thợ săn chim chuyên nghiệp có thể kiếm được tiền triệu nhờ vào việc bẫy chim mỗi ngày. Cụ thể cò bán cho người thu mua có giá từ 20.000 - 25.000đồng/con; chim chiện 4.000 đồng/con; én 3.000 - 4.000 đồng/con; chim sẻ 5.000 - 6.000 đồng/con; vàng anh trống là 40.000 đồng/con; mái 15.000 đồng/con… Với nguồn thu lớn mang lại từ hoạt động này nhiều người đang tìm mọi cách tận diệt chim trời.

Anh Nguyễn Văn C, xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu, người đi săn chim cho biết, nghề này không phải lo đầu ra vì có mối vào tận nhà thu mua, có khi người ta còn thu mua ngay tại trận rồi mang ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ... Trước đây bẫy được nhiều chim trời, tuy nhiên nhiều tốp khác cũng đi săn nên một ngày ròng rã tung nhiều bẫy nhưng cũng chẳng được bao nhiêu

Nói về thực trạng này, ông Trần Anh Dũng, phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Diễn Châu cho biết: “Hiện nay công tác quản lý còn khó khăn, các phương tiện, dụng cụ đánh bắt chim trời ngày càng tinh vi bất kể ngày và đêm. Trước tình trạng giăng lưới, bẫy và mua bán chim hoang dã trái phép ở trên địa bàn, chúng tôi đã triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn hành vi bẫy bắt, vận chuyển, buôn bán các loài chim hoang dã trái phép”.

Tận diệt chim trời là hành động hủy hoại môi trường, phá vỡ môi sinh, bị cấm từ lâu. Những đàn chim ngày một ít đi làm mất cân bằng sinh thái trong tự nhiên, ảnh hưởng đến sản xuất mùa màng đồng thời là hình ảnh gây phản cảm đối với du khách. Tuy nhiên do lợi ích kinh tế cùng với sự lơ là, lỏng lẻo của cơ quan chức năng mà nạn tận diệt chim trời đang diễn ra phổ biến tại Nghệ An, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng đáng báo động này.

Phạm Tước

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top