Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Sắc màu văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc

Thứ Bảy 03/11/2018 | 12:34 GMT+7

VHO - Với chủ đề "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc vùng Đông Bắc trong thời kỳ đổi mới - hội nhập và phát triển bền vững đất nước" trong các ngày từ 2-4.11 tại Vĩnh Phúc, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc đã diễn ra với sự đa dạng sắc màu.

Trình diễn tại Ngày hội

Hơn 1.000 diễn viên, vận động viên quần chúng của các đoàn nghệ thuật, thể thao quần chúng cùng các già làng, trưởng bản từ nhiều bản làng của 10 tỉnh vùng Đông Bắc và đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hoá đã trình diễn, giới thiệu trích đoạn nhiều lễ hội, nghi thức sinh hoạt truyền thống văn hoá dân tộc, các hoạt động thể thao truyền thống và trò chơi dân gian các dân tộc. Một không khí vô cùng sôi động đã tràn ngập Nhà hát tỉnh Vĩnh phúc và Nhà Thi đấu thể dục, thể thao; Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Vĩnh Phúc.

Đến Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc từ sáng sớm, gia đình chị Nguyễn Thị Minh Tâm, cư trú tại Thành phố Vĩnh Phúc, gồm 5 người của 4 thế hệ, trong đó có em bé chưa đầy 3 tuổi và cụ nội của bé đã 88 tuổi, rất thích thú khi được xem trình diễn các trích đoạn văn hoá dân gian. Chị Tâm cho biết, khi thấy băng rôn áp phích trên phố, cụ bà đã rất náo nức muốn đi xem nên nhân ngày nghỉ, chị đưa cả gia đình đi.

Các cụ tay xách nách mang đến với Ngày hội

Tham gia đoàn Nghệ thuật quần chúng của tỉnh Hà Giang, nghệ nhân Sìn Văn Phong, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang cho biết, ông đã chuẩn bị cả tuần lễ để được đi hội. Là một thầy cúng chuyên thực hiện các nghi lễ cho đồng bào Pà Thẻn ở địa phương, ông rất vui vì được giới thiệu nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc mình đến bà con các dân tộc khác. Ông tâm sự: Dân tộc Pà Thẻn là dân tộc rất ít người, hiện chỉ cư ngụ trên vùng núi cao của hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Hiện dân tộc Pà Thẻn có hai nghi lễ đặc sắc là Nhả lửa và Lễ cưới, nhưng cũng đang có nguy cơ thất truyền vì thế hệ trẻ hiện nay đang theo xu hướng tổ chức đám cưới kiểu hiện đại giống người Kinh. Nếu không có cách bảo tồn, thì thế hệ các nghệ nhân già không còn, những nghi lễ  này sẽ  bị mai một do thất truyền. Do đó, việc tổ chức những ngày hội như thế này, thực sự là cơ hội để những nghi lễ, nghi thức, trò chơi dân gian đặc sắc của đồng bào các dân tộc được bảo tồn, lưu giữ và quảng bá.

Nghệ nhân Lục Thị Coọng, Đoàn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Ninh cũng thể hiện sự vui mừng phấn khởi khi được tham gia Ngày hội. Chị cho biết, đoàn của chị sẽ mang đến Ngày hội tiết mục biểu diễn Soóng cọ của người Sán Chỉ ở Bình Liêu. Chị hy vọng sẽ mang đến cho khán giả xem hội một tiết mục đặc sắc về tình yêu lứa đôi.

Sôi nổi các hoạt động giao lưu văn hóa

Bên cạnh những tiết mục văn nghệ đặc sắc của của các đoàn nghệ thuật, nhiều trò chơi dân gian và các hoạt động thể thao sôi động cũng đang diễn ra tại các sân vận động, nhà thi đấu. 

Ông Bàng Xuân Hữu - dân tộc Sán Dìu, xã Yên Dương, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc phấn khởi khi được cảm giác sống lại những ngày thanh niên sôi nổi được tham gia các hội thao, hội diễn. Đoàn Thể thao quần chúng của Vĩnh Phúc vừa tham gia các môn thể thao hiện đại như bóng chuyền, vừa tham gia các trò chơi dân gian như đấu vật. Dù đã sắp bước sang tuổi 70 nhưng ông Hữu mỗi ngày hai lần vẫn đi bộ 4km đường đồi núi để rèn luyện thể lực. Theo ông, thể dục, thể thao chính là "liều thuốc" quý giá, xua tan mọi bệnh tật, do đó việc tổ chức các hoạt động thể thao quần chúng sẽ khích lệ toàn dân tham gia thể dục, thể thao, nâng cao thể lực và đảm bảo sức khoẻ.

Ngoài hoạt động trình diễn nghệ thuật và thi đấu thể thao, trình diễn các trò chơi dân gian tại Ngày hội còn có triển lãm ảnh du lịch với chủ đề “Nét đặc trưng văn hóa vùng Đông Bắc”, trưng bày 300 bức ảnh giới thiệu thành tựu, tiềm năng, điểm đến du lịch, nét đẹp văn hóa, con người, thắng cảnh vùng Đông Bắc và 120 bức ảnh đẹp được lựa chọn từ cuộc thi “Ảnh đẹp du lịch Vĩnh Phúc 2018”. Hội chợ Du lịch và ẩm thực các tỉnh vùng Đông Bắc - Vĩnh Phúc năm 2018 trưng bày, quảng bá văn hóa đặc trưng các dân tộc; tiềm năng thế mạnh văn hóa du lịch, ẩm thực; giới thiệu ẩm thực dân tộc.

Các hoạt động thể thao

Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc là hoạt động thiết thực góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Đông Bắc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc vùng Đông Bắc trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước. 

HOÀNG HƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top