Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Thư viện không thể cứ “ngồi yên”

Thứ Sáu 07/12/2018 | 09:58 GMT+7

VHO- Để thư viện hoạt động hiệu quả, phù hợp với bối cảnh mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thư viện cần phải chủ động, biến thách thức yếu tố phát triển công nghệ trở thành cơ hội. Cán bộ thư viện không thể “ngồi yên” với vị trí người giữ sách, mà phải trở thành chuyên gia.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại hội thảo “Phát triển và đổi mới hoạt động thư viện trong thời kỳ mới” do Bộ VHTTDL tổ chức ngày 5.12 tại Hà Nội. Hội thảo được tổ chức cũng từ chính sự “đặt hàng” của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhằm làm rõ nhận thức về sứ mệnh, vai trò, vị trí của thư viện trong tình hình mới hiện nay.

Buộc thư viện phải chủ động

Câu chuyện về nhóm thanh niên tình nguyện thành lập và vận hành thư viện tư nhân Dương Liễu (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) đã cho thấy một góc nhìn mới về sự đổi mới phương thức hoạt động của các thư viện cơ sở. Đại diện thư viện, Phùng Bá Hưng chia sẻ, được thành lập từ năm 2013, Thư viện Dương Liễu là thư viện tư nhân, phi lợi nhuận và hoàn toàn miễn phí đầu tiên tại huyện Hoài Đức. Sử dụng địa điểm tại nhà của một trong số các thành viên sáng lập, với số sách ban đầu chỉ 100-200 cuốn và 2-3 thủ thư, đến nay Thư viện đã có gần 3.000 đầu sách. Số lượng bạn đọc đăng ký thẻ đọc đã tăng lên gần 1.500 độc giả.

Mô hình hiệu quả của Thư viện tư nhân Dương Liễu khiến cho nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, có nhiều con đường để hoạt động thư viện đổi mới và gần gũi hơn. Nhu cầu đa dạng của bạn đọc cũng như sự phát triển của nhiều loại hình thông tin truyền thông buộc thư viện phải thay đổi, chủ động tìm đến người đọc thay vì ngồi chờ như trước đây. Chia sẻ kinh nghiệm thu hút bạn đọc, Phó Giám đốc Thư viện Tạ Quang Bửu (Đại học Bách khoa Hà Nội), bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ nhấn mạnh sự cần thiết phải thay đổi, thư viện phải coi bạn đọc là khách hàng để phục vụ hiệu quả.

Cùng với việc đổi mới phương thức quản trị, nâng cao trình độ, chuyên môn của đội ngũ cán bộ, nhiều ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở dữ liệu mở, tập trung để các thư viện có thể dùng chung. Ý tưởng này từng bước được hiện thực trong thời gian qua khi một số đơn vị như Thư viện Quốc gia Việt Nam, Trung tâm Thông tin – Thư viện (ĐHQG Hà Nội) đã tiến hành số hóa tài liệu và cập nhật nội dung lên Hệ tri thức Việt số hóa. TS Nguyễn Hoàng Sơn, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện (ĐHQG Hà Nội) đề xuất giải pháp đẩy mạnh kết nối tất cả dữ liệu chung của hệ thống thư viện công cộng, hệ thống thư viện các trường đại học để chia sẻ, dùng chung.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy trao đổi với các đại biểu

Có còn phải đến thư viện mới đọc được sách?

Trước thực tế hiện nay, nhà sử học Dương Trung Quốc đặt câu hỏi: “Có nhất thiết mọi người phải đến thư viện ngồi đọc sách nữa không? Phải làm gì để phát huy vai trò của thư viện trong bối cảnh hiện nay?”. Ông Quốc cho biết, thư viện các nước phát triển đều tập trung số hóa tài sản các kho lưu trữ của thư viện. Đây cũng là việc cần làm của các thư viện Việt Nam hiện nay. “Đổi mới của thư viện thời đại kỹ thuật số là phải chuyển đổi thành một không gian sáng tạo, là nơi để mọi người đến tiếp nhận, trao đổi tri thức chứ không phải chỉ là lo xây dựng phòng ốc...”, ông Quốc nói.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết lại đề cập đến những mâu thuẫn trong sự tồn tại của thư viện Việt Nam hiện nay. Đó là mâu thuẫn giữa một bên là nhu cầu phát triển với sự hạn hẹp của kinh phí; mâu thuẫn giữa một bên là sự sụt giảm của văn hóa đọc với những thách thức của sự phát triển văn hóa nghe nhìn. GS Thuyết cũng bàn về câu chuyện đang được quan tâm là việc sáp nhập thư viện với các cơ quan văn hóa khác. Theo ông Thuyết, đây là việc làm phải tính toán, cân nhắc cẩn trọng. Các thư viện tỉnh cần phải giữ lại. Còn thư viện cấp huyện, có lẽ cần tính toán để củng cố những nơi làm tốt, cần thiết thì phải sáp nhập ở những nơi hoạt động kém hiệu quả. Ngoài ra, ông Thuyết cũng băn khoăn: “Bây giờ người ta đọc trên mạng nhiều, đọc ngày đọc đêm chứ không nhất thiết phải đến thư viện mà đọc sách báo theo cách truyền thống như trước...”.

 Thư viện trong tương lai không phải chỉ là chỗ giữ sách, nơi mọi người đến mượn sách, đọc sách mà phải là không gian truyền cảm hứng sáng tạo, chia sẻ tri thức. Cán bộ thư viện không chỉ là giữ sách mà phải là chuyên gia tư vấn.

(Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM)

 


Thư viện tương lai không phải là nơi giữ sách

Trước sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hệ thống thư viện phải chuyển mình để bắt kịp với xu hướng, nhu cầu mới. “Thư viện trong tương lai không phải chỉ là chỗ giữ sách, nơi mọi người đến mượn sách, đọc sách mà phải là không gian truyền cảm hứng sáng tạo, chia sẻ tri thức. Cán bộ thư viện không chỉ là giữ sách mà phải là chuyên gia tư vấn, hỗ trợ độc giả tìm kiếm nội dung thông tin, tài liệu…”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cho rằng công nghệ đang tạo ra những thách thức đối với hoạt động thư viện truyền thống, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, bối cảnh này đồng thời là thời cơ cho hoạt động thư viện. “Điều quan trọng là phải thay đổi nhận thức của từng cán bộ thư viện, cách quản trị, quản lý trong mỗi thư viện, từ đó mới có thể biến thách thức thành cơ hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong tương lai, có thể sẽ không còn thư viện công hay tư nữa mà việc số hóa sẽ biến thư viện trở thành kho tàng kiến thức chung cho tất cả mọi người, để bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận được ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào mà không cần phải trực tiếp đến thư viện nữa.

Trước những tâm tư về việc sáp nhập thư viện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, nhu cầu tinh giản biên chế là cần thiết, vì vậy, cần sáp nhập những đơn vị có chức năng tương đồng, những đơn vị hoạt động không hiệu quả. Đối với hoạt động thư viện, Phó Thủ tướng lưu ý, không thể nhìn nhận một chiều. Ông cũng đặt ra ba lựa chọn: Một là đổi mới để hiệu quả hơn, hai là “mặc kệ” và ba là sáp nhập. Thực tế thì không thể “mặc kệ” được, vì vậy, chỉ còn lại hai cách. Nếu không thể đổi mới để hoạt động hiệu quả hơn thì cũng khó tránh khỏi xu thế về việc bị sáp nhập.

 

 Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, các nhà quản lý và các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn, các mô hình hoạt động hiệu quả và đề xuất sáng kiến, tham mưu để Chính phủ, Bộ VHT­TDL xem xét, chỉ đạo, nhằm định hướng phát triển ngành thư viện. Đây cũng sẽ là những tài liệu quan trọng trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Thư viện trong thời gian tới...

(Thứ trưởng TRỊNH THỊ THỦY)

 NGÂN AN; ảnh: TRẦN HUẤN 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top