Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Bảo tồn lễ hội Aza Koonh truyền thống của vùng cao A Lưới (TT- Huế): “Theo nếp sống mới, chúng tôi không đâm trâu nữa…”

Thứ Sáu 21/12/2018 | 10:24 GMT+7

VHO- Trải qua hàng trăm năm đến nay lễ hội văn hóa Aza truyền thống của dân tộc Tà Ôi, Pa Cô thuộc huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên Huế) đang dần bị mai một. Trước tình trạng này, Sở VHTT và UBND huyện đã dày công nghiên cứu nhằm bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của lễ hội, qua đó góp phần cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

 Đại diện các họ tộc trong làng dâng lễ vật cúng Giàng xứ phải đi một vòng quanh cây nêu

Từ sáng sớm ngày 20.12, con đường rẽ vào Nhà văn hóa thôn A Năm, xã Hồng Vân đã đông đúc người dân trong làng đến chuẩn bị lễ hội. Mỗi người đều lựa chọn cho mình bộ trang phục truyền thống đẹp nhất để đi dự hội.

Ông Hồ Chân (68 tuổi) có mặt từ sớm, cho biết, “mấy ngày qua người dân trong làng rất vui mừng và háo hức. Lễ hội Aza với người đồng bào Pa Cô rất quan trọng và được xem như là Tết. Chúng tôi rất tự hào vì vẫn duy trì được những nét đặc sắc của lễ hội mà tổ tiên xa xưa để lại”. Theo già làng Hồ Chân, Tết Aza của đồng bào A Lưới có hai loại: lễ Aza Kan được tổ chức định kỳ mỗi năm một lần, với lễ vật cúng lớn nhất là lợn. Nhưng lễ Aza Koonh thì 5 năm mới được tổ chức một lần, và cúng trâu, hoặc ít nhất là con dê. Ngoài ra, các lễ vật dâng lên Giàng còn có các loại cây trồng, vật nuôi của các hộ dân trong làng.

Trước khi bước vào nghi lễ cúng Giàng chính thức trong Tết Aza Koonh của làng, các hộ dân và dòng họ trong làng đã tổ chức cúng tại nhà. Có 13 bước trong nghi lễ của Aza Koonh, gồm: Lễ tẩy rửa, lễ chuẩn bị, lễ mời mẹ lúa, lễ cúng các vị giống cây trồng, lễ cúng cho Giàng xứ (Giàng sông, suối, gió, mây, núi, lửa, đất, đường sá…), lễ cúng những người đã khuất, cúng vị thần che chở khi đi buôn bán, lễ cúng Giàng A Zel, lễ cúng các vị thần ban tặng con người, lễ ăn cơm mới, lễ giao mâm cỗ và cuối cùng là nghi lễ tiễn khách.

Người dân Pa Cô đưa lễ vật đến cúng Giàng tại lễ Aza Koonh làng A Năm (xã Hồng Vân)

Trong khuôn viên nhà văn hóa làng A Năm, đại diện của các họ tộc trong làng đã cùng dâng mâm cỗ và đi vòng quanh cây nêu để cúng Giàng. Sau đó, lễ vật được sắp đặt ở gian chính của nhà cộng đồng, theo thứ tự họ tộc nào sinh sống sớm sẽ đặt cỗ trước. Làng A Năm hiện có hơn 230 hộ dân, với 6 họ tộc.

Với người dân tộc Pa Cô, Tà Ôi thì lễ Aza là dịp dân làng cùng quây quần bên nhau, ăn mừng cho vụ mùa của năm. Lễ hội với mong muốn trời đất mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sức khỏe dồi dào… trong vụ mùa mới. Trước khi bước vào nghi lễ chính, các già làng và đại diện họ tộc sẽ đến tận nhà của mỗi hộ dân để cầu chúc sức khỏe cho những người trong gia đình. Đây là nét văn hóa độc đáo của người vùng cao A Lưới được duy trì trong suốt nhiều năm qua.

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế cho biết, Lễ hội Aza của đồng bào vùng cao A Lưới là loại hình văn hóa đặc sắc, thể hiện nhiều ý nghĩa khác nhau của đồng bào vùng cao. Trong đó, phần nghi lễ để cúng trời đất và các vị thần, cầu mong mùa màng tươi tốt, chúc sức khỏe quanh năm. Phần hội là nét sinh hoạt văn hóa với những điệu múa, hát, phục trang…

Nghi lễ cúng các vị thần tại nhà văn hóa truyền thống

Tuy nhiên, khi tiến hành điều tra, khảo sát thì một số nghi lễ và điệu múa hát của lễ Aza đã bị mai một. Sở đã báo cáo Bộ VHTTDL cho phép thực hiện nghiên cứu phục dựng và bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội Aza Koonh. Dự án này được thực hiện từ tháng 5 đến tháng 12.2018 với kinh phí 200 triệu đồng. Qua đó, mục tiêu của địa phương là sẽ từng bước hoàn chỉnh hồ sơ để trình Bộ VHTTDL công nhận lễ hội Aza là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Cũng theo ông Dũng, để thực hiện bảo tồn lễ hội này, Sở đã khảo sát và mời các già làng còn lưu giữ nhiều điệu múa, hát và các nghi thức để tham khảo, bổ sung cho nguồn tư liệu, đồng thời vận động, khuyến khích các già làng này truyền dạy lại cho các thế hệ trẻ.

Đại diện làng A Năm cũng cho biết, nghi lễ cúng của Aza Koonh thời xưa rất nhiều, hiện nay đã được lược bỏ bớt để phù hợp với đời sống, chỉ giữ lại những nghi lễ văn hóa độc đáo. “Ngày trước, khi ăn mừng mùa lúa mới của Aza Koonh, đồng bào chúng tôi có thực hiện nghi lễ đâm trâu để cúng Giàng. Nhưng những năm gần đây, thực hiện nếp sống văn hóa nên chúng tôi chỉ thực hiện dâng lễ vật là con dê”, ông Hồ Chân kể. 

Ngày trước, khi ăn mừng mùa lúa mới của Aza Koonh, đồng bào chúng tôi có thực hiện nghi lễ đâm trâu để cúng Giàng. Nhưng những năm gần đây, thực hiện nếp sống văn hóa nên chúng tôi chỉ thực hiện dâng lễ vật là con dê.

(Già làng HỒ CHÂN)

 

 SƠN THÙY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top