Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Đã có thêm “van” phá thế độc quyền SGK

Thứ Tư 26/12/2018 | 09:49 GMT+7

VHO- Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp tổng kết công tác xuất bản năm 2018 và triển khai chương trình công tác năm 2019 diễn ra sáng 25.12, tại Hà Nội.

 Có thêm 5 NXB có chức năng, nhiệm vụ xuất bản SGK

Thêm 5 NXB có chức năng in SGK

Câu chuyện khan hiếm SGK trước thềm năm học mới 2018 vừa qua đã có phần “gay cấn” hơn hẳn những năm trước, đặc biệt là đối với những bộ sách đầu cấp. Ngay tại một số thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM nhiều phụ huynh trót chưa đăng ký sách với nhà trường cũng đã phải đôn đáo, gom lẻ từng cuốn.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, chỉ riêng năm học 2017-2018, Việt Nam có gần 16 triệu học sinh từ bậc tiểu học đến THPT nhưng chỉ có duy nhất một NXB phục vụ sách cho 16 triệu học sinh ấy. Còn theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành năm 2017, số bản sách lên tới 108,8 triệu và chiếm 50,4% thị phần ngành xuất bản. Câu hỏi được đặt ra là liệu có phải do một NXB “phải” gánh quá nhiều nên mới dẫn tới hiện tượng cung thấp hơn cầu, tức là sách cần mua lại không mua được?

Về vấn đề này, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành phân tích, thiếu sách nghĩa là cung không đủ cầu. “Nguyên nhân thì được đưa ra nhiều nhưng theo tôi, đối với ngành xuất bản, đặc biệt là khi in số lượng ấn phẩm lớn như SGK chẳng hạn thì thường phải xây dựng kế hoạch từ khá sớm vì còn liên quan tới nguyên liệu sản xuất là giấy, mực in… Việc thay đổi, sửa chữa, cải tiến liên tục các chương trình, nội dung giảng dạy cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc xuất bản phải rơi vào thế bị động, kế hoạch in, sản xuất cầm chừng, nghe ngóng thị trường”, ông Hòa nói.

Mặt khác, theo ông Chu Văn Hòa, lâu nay việc in ấn và phát hành SGK vẫn theo mô hình cũ. Tức là chỉ có một bộ sách và chỉ một NXB chịu trách nhiệm việc này. Để tránh tình trạng khan hiếm, các NXB có điều kiện sẽ được giao chức năng, tạo động lực, cạnh tranh. Bộ TT&TT cũng đã cấp bổ sung giấy phép cho các NXB như: NXB Đại học Quốc gia HN, NXB Đại học Sư phạm TP.HCM, NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Huế, NXB Đại học Vinh. Đây là những đơn vị đầu tiên được phép thực hiện xuất bản SGK, tất nhiên nội dung phải qua Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước. Hiện nay các NXB này cũng đang tích cực hoàn thiện và sẵn sàng cho cuộc chơi mới. Đây cũng là một giải pháp tránh việc độc quyền, khan hiếm và là chiếc “van” điều tiết thị trường SGK.

Xuất bản điện tử còn chậm

Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, trong năm 2018, đã cấp 4.266 giấy xác nhận đăng ký xuất bản, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2017; 35 giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2017; 86 chứng chỉ hành nghề biên tập, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2017. Số lượng xuất bản phẩm lưu chiểu: 31.766 cuốn với 390.161.446 bản, tăng 20,6% về số cuốn, tăng 24,7% về số bản so với cùng kỳ năm 2017.

Đặc biệt, năm 2018 chỉ cấp một giấy xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử cho NXB Giáo dục VN. Trong khi xuất bản điện tử giữ vị trí chủ đạo của ngành công nghiệp xuất bản thế giới, ebook được xuất bản hằng năm tại Mỹ tăng gấp đôi và sách truyền thống thì suy giảm đáng kể.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo ThS Nguyễn Việt Hà, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, là do xuất bản điện tử ở VN mới ở giai đoạn phát triển khởi đầu nên việc trang bị các thiết bị, máy móc ứng dụng của nhà sản xuất và đối tượng tiêu thụ ở Việt Nam còn lạc hậu. Công nghệ chưa theo kịp các nước tiên tiến dẫn đến nhiều khó khăn trong ứng dụng công nghệ hiện đại vào việc xuất bản, đồng thời chưa tạo được chuẩn mực thống nhất trong công nghệ xuất bản, phát hành để giúp người đọc tiếp cận và sử dụng thành thạo sách của nhiều nhà cung cấp.

Bởi việc sử dụng ứng dụng đọc sách của mỗi đơn vị phát hành sách điện tử lại không giống nhau, khiến cho độc giả phải cài đặt nhiều ứng dụng thì mới đọc được sách điện tử, từ đó tạo ra trở ngại “tâm lý” cho một số độc giả. Bên cạnh đó, việc đọc sách phải thông qua thiết bị phần cứng, phần mềm, do vậy đòi hỏi chúng phải tương thích với nhau, kéo theo công nghệ hiện đại, phần mềm cũng cần thay đổi theo, từ đó đòi hỏi ngành xuất bản muốn phát triển cần liên tục thay đổi các thiết bị, máy móc cho phù hợp với phần mềm. Trong khi đó, chi phí để đầu tư vào các trang thiết bị, phần mềm này không phải con số nhỏ. Đây chính là rào cản, thách thức rất lớn, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 khi mà trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật số phát triển như vũ bão dẫn đến hạ tầng, cơ sở vật chất cho xuất bản điện tử nhanh chóng trở lên lạc hậu hoặc không tương thích.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra thách thức lớn đối với đội ngũ cán bộ xuất bản bởi đặc trưng cơ bản của xuất bản điện tử là sử dụng khoa học - công nghệ, do đó đội ngũ cán bộ xuất bản phải học cách thay đổi, thích nghi và luôn cập nhật, ứng dụng những tiến bộ mới của khoa học - công nghệ. Đây là thách thức rất lớn cho xuất bản Việt Nam, trong khi trình độ của người lao động và của cả nền kinh tế nước ta chưa bắt kịp với các thành tựu khoa học - công nghệ 4.0 và ứng dụng hiệu quả khoa học - công nghệ. Nhiều nhà xuất bản nước ta còn thiếu đội ngũ cán bộ xuất bản có trình độ khoa học - công nghệ cao để quản lý, phát triển sách điện tử. 

MINH HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top