Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Du lịch nhà vườn Huế: Khách đông nhưng không đủ sống

Thứ Hai 07/01/2019 | 09:31 GMT+7

VHO-Nằm ven bên dòng sông Hương thơ mộng, hai làng cổ Lương Quán và Nguyệt Biều (thuộc phường Thủy Biều, TP Huế) có đặc điểm sinh thái lý tưởng cùng hệ thống nhà vườn cổ rất đặc trưng của xứ Huế. Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình tại đây đã chủ động kết nối, tổ chức các tour du lịch homestay, tham quan trải nghiệm và nghỉ dưỡng và dần trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

 Đoàn khách quốc tế trải nghiệm dịch vụ ngâm và massage chân bằng các vị thuốc dân gian

 Lợi thế rất lớn...

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết định số 2971/QĐ-UBND công nhận điểm du lịch nhà vườn Lương Quán - Nguyệt Biều. Điều này đã và đang tạo động lực tích cực để các hộ gia đình có nhà vườn cùng chung tay xây dựng hình ảnh điểm đến trong mắt khách du lịch. Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, khu vực Lương Quán - Nguyệt Biều đã đáp ứng được những điều kiện theo Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31.12.2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch. Hiện nay, khu vực này có rất nhiều nhà vườn truyền thống Huế đặc trưng được bảo tồn và phát huy giá trị hiệu quả, như: nhà vườn của ông Hồ Xuân Đài, nhà vườn ông Đặng Văn Thành, ông Hồ Xuân Doanh, ông Tôn Thất Phương… cùng các điểm du lịch nhà vườn được một số doanh nghiệp tư nhân đầu tư, nâng cấp như Hue Ecolodge, Hue Riverside Boutique Resort & Spa…

Một lợi thế khác của khu du lịch nhà vườn Lương Quán - Nguyệt Biều là ở đây có nhiều khu di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của nhà Nguyễn như Hổ Quyền, Điện Voi Ré và hệ thống các phủ đệ của quan triều đình xưa; đồng thời có hệ thống thiết chế văn hóa làng xã độc đáo đã hình thành và tồn tại lâu đời như đình làng Lương Quán, đình làng Nguyệt Biều, các nhà thờ họ tộc… Xung quanh khu vực du lịch nhà vườn này, còn kết nối với các điểm tham quan nổi tiếng như đồi Vọng Cảnh, lăng Tự Đức, chùa Từ Hiếu, sông Hương…

Có điều khác biệt so với nhà vườn nơi khác, đó là nhà vườn ở Lương Quán- Nguyệt Biều có những khu vườn rộng mát với đặc sản thanh trà nổi tiếng. Ở Huế, vùng Lương Quán - Nguyệt Biều là xứ sở thanh trà ngon nhất, ngày xưa được chọn để cung tiến sản phẩm vào Hoàng cung triều Nguyễn.

Những điểm du lịch nhà vườn tại Lương Quán - Nguyệt Biều ngoài phục vụ khách tham quan, còn có các dịch vụ về homestay lưu trú, nghỉ dưỡng, trải nghiệm chế biến và thưởng thức món ăn Huế, các dịch vụ ngâm chân và massage bằng bài thuốc dân gian được trồng từ các loại cây ngay trong vườn nhà… Ngoài ra, một số nơi như Hue Ecolodge, Thuy Bieu Homestay… còn có không gian trưng bày và giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ và các đặc sản của địa phương: mứt Thanh trà, rượu Thanh trà, bánh in, hương trầm, sản phẩm đúc đồng, mộc mỹ nghệ...

 Ngôi nhà vườn hơn 150 tuổi của ông Hồ Xuân Đài rất thu hút khách du lịch

Đông khách mà không đủ tiền trà bánh thì làm kiểu gì?

Mặc dù có nhiều lợi thế về du lịch, nhưng hệ thống nhà vườn ở vùng Lương Quán - Nguyệt Biều vẫn chưa thực sự phát huy được giá trị. Năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có đề án chính sách về bảo tồn và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng, với mức hỗ trợ từ 400 triệu đến 700 triệu đồng/nhà, tùy theo xếp loại. Mục đích của đề án này không chỉ bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng của nhà vườn Huế, mà còn là tiền đề để góp phần phát triển du lịch nhà vườn về lâu dài.

Trong vòng 2 năm 2017 và 2018, đã có 21 nhà vườn được phê duyệt kinh phí hỗ trợ trùng tu, bảo tồn; trong đó phần lớn tập trung ở khu vực Lương Quán - Nguyệt Biều. Thế nhưng, sau đề án này, đang thiếu công cuộc “tiếp lửa” cho các nhà vườn để đẩy mạnh du lịch. Ông Hồ Xuân Đài, chủ nhà vườn Xuân Đài nổi tiếng chia sẻ: Du khách quốc tế rất thích thú với trải nghiệm các dịch vụ truyền thống ở nhà vườn, nhưng hiện nay loại hình du lịch này vẫn còn nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm. Cần phải kêu gọi để có nhà đầu tư mô hình du lịch cộng đồng tại Lương Quán - Nguyệt Biều để khai thác tốt hơn giá trị của các nhà vườn cổ đặc trưng xứ Huế.

Gia đình ông Đài cùng một số hộ dân xung quanh triển khai mô hình dịch vụ tham quan, trải nghiệm nhà vườn đã được gần 5 năm nay. Nhưng mô hình nhỏ lẻ này chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt gia đình, không tích lũy được nhiều. Ông Đài kể rằng: “Nếu có đoàn của các đơn vị lữ hành kết nối đến thích dịch vụ thì mới có được đồng ra đồng vào. Nhưng có một số đoàn chỉ đến tham quan quanh nhà vườn thì có khi được vài chục nghìn. Cái này không có bán vé hay quy định giá nên họ đưa thù lao như thế nào thì nhận như vậy. Thậm chí, có khi tiền thù lao không đủ cho việc chuẩn bị trà bánh tiếp đón đoàn”. Đây cũng chính là thực trạng chung khiến nhiều nhà vườn truyền thống Huế “cửa đóng then cài”.

Theo đề án “Chính sách về bảo tồn và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, thì ngoài việc hỗ trợ kinh phí để trùng tu, bảo tồn nhà vườn còn có nhiều chính sách liên quan, gồm: tôn tạo khuôn viên vườn; giảm thuế đất nông nghiệp; hỗ trợ kinh doanh dịch vụ tại nhà vườn như hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng để tổ chức kinh doanh, kinh phí đào tạo nghề, kỹ năng hướng dẫn viên du lịch, xây mới nhà vệ sinh, phòng thính nhạc và trang bị phòng ngủ cho khách lưu trú tại nhà vườn… Tuy nhiên, thời gian qua, những hỗ trợ về kinh doanh dịch vụ tại nhà vườn là rất hạn chế. Một số chủ nhà vườn trong khu vực Lương Quán - Nguyệt Biều cho biết, gần như họ phải “tự bơi”. Chính vì thế, để nhà vườn Lương Quán - Thủy Biều là điểm du lịch hấp dẫn, góp phần nâng cao đời sống cho người dân trong khu vực và cải thiện tình hình kinh tế - xã hội địa phương, thì các cấp ngành cần quan tâm hỗ trợ thiết thực hơn đối với những chủ nhà vườn. 

 SƠN THÙY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top