Danh thắng hồ Tịnh Tâm bị “bức tử”

VHO- Được xem là một trong 20 cảnh đẹp đất thần kinh, nhưng nhiều năm qua danh thắng hồ Tịnh Tâm đang bị “bức tử” vì tình trạng rác và nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp ra hồ. Bên cạnh đó, một số hạng mục của di tích này cũng đang xuống cấp, cần được tu bổ kịp thời.

Danh thắng hồ Tịnh Tâm bị “bức tử” - Anh 1

 Bèo tây phủ đầy mặt hồ, làm mất mỹ quan của danh thắng

Di tích hồ Tịnh Tâm nằm về phía Bắc của khu di sản Hoàng cung Huế (thuộc phường Thuận Thành, TP Huế, Thừa Thiên Huế), được xem là Ngự uyển của Hoàng gia và là địa danh trong chùm thơ ca ngợi 20 cảnh đẹp đất thần kinh của vua Thiệu Trị. Hồ hình chữ nhật với chu vi gần 1.500m, có ba hòn đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu - là nơi có nhiều công trình kiến trúc truyền thống của thời Nguyễn. Thế nhưng, cùng với áp lực gia tăng dân số và điều kiện sống, nhiều năm trở lại đây, danh thắng này đã phải “hứng” trực tiếp một lượng lớn nước thải sinh hoạt đổ ra từ các hộ gia đình sống xung quanh đó.

Người dân địa phương cho biết, nước hồ Tịnh Tâm trước đây trong veo, có hương sen thơm ngát. Vào những ngày hè nóng nực, nhiều người thường ra đây trải chiếu, mắc võng tránh nắng. Nhưng những năm gần đây, khi đi qua lại đoạn này nhiều người phải bịt mũi vì mùi hôi nồng nặc. Theo quan sát của chúng tôi, có rất nhiều cống thoát nước lớn đổ thải ra hồ khiến nước hồ ở gần đó đen ngòm và bốc mùi hôi thối. Ngoài ra, nhiều hộ dân cũng xả rác sinh hoạt bừa bãi quanh bờ hồ, thậm chí là đổ cả vật liệu xây dựng gây ra cảnh nhếch nhác ở một khu di tích nổi tiếng dưới triều nhà Nguyễn.

Hồ Tịnh Tâm cũng là nơi trồng sen nổi tiếng của vùng đất Cố đô Huế. Nhưng vì tình trạng ô nhiễm nguồn nước kéo dài nên sen cũng không sống nổi, chỉ còn lác đác một ít diện tích. Thay vào đó, bèo tây tràn ngập mặt hồ, gây mất mỹ quan. Ở khu vực mặt nước thoáng hơn thì người dân xung quanh “tận dụng” làm nơi trồng rau muống. Ngoài ra, các hạng mục công trình kiến trúc ở hồ Tịnh Tâm đã bị hư hại hàng chục năm qua cũng chưa được quan tâm bảo tồn. Di sản này gần như trở thành “phế tích”. Nhiều chuyên gia cho rằng hồ Tịnh Tâm là địa chỉ văn hóa - du lịch hấp dẫn, có thể triển khai nhiều hoạt động thu hút du khách trong và ngoài nước. Chính quyền địa phương và đơn vị quản lý di tích cần nhanh chóng bắt tay thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo cảnh quan danh thắng này càng sớm càng tốt.

Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế), hiện có hơn 130 hộ dân sống xung quanh hồ Tịnh Tâm xả nước thải trực tiếp ra hồ, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Trung tâm là đơn vị quản lý về chuyên môn, còn quản lý địa bàn di tích do UBND phường Thuận Thành nhưng nhiều năm nay tình trạng ô nhiễm ngày một nặng thêm. Hiện nay, Trung tâm đang xây dựng hồ sơ dự án về bảo tồn tổng thể di tích hồ Tịnh Tâm, do Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung làm đơn vị tư vấn. Ngoài việc trùng tu và bảo tồn hệ thống kiến trúc trên các đảo của hồ Tịnh Tâm, thì dự án cũng sẽ tiến hành nạo vét lòng hồ, khơi thông dòng chảy và xử lý hệ thống nước thải. Dự kiến, dự án sẽ được thực hiện cùng với việc triển khai đề án di dời dân cư ra khỏi khu vực 1 Kinh thành Huế.

Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc TTBTDTCĐ Huế cho biết: Trước tình trạng xuống cấp và ô nhiễm nghiêm trọng ở di tích hồ Tịnh Tâm và hồ Học Hải, vào năm 2015 Trung tâm đã lập một dự án riêng từ nguồn vốn biến đổi khí hậu. Các thủ tục đã được gửi đến các cơ quan chức năng phê duyệt nhưng nguồn vốn đó bị gián đoạn. Sau đó, chúng tôi đã đưa dự án trùng tu và bảo tồn, tôn tạo cảnh quan của di tích này vào trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020. Theo ông Tuấn, khó khăn hiện nay là tình trạng nhiều hộ dân lấn chiếm xung quanh hồ Tịnh Tâm. Do đó, trong kế hoạch triển khai đề án di dời dân cư ra khỏi khu vực 1 Kinh thành Huế, TTBTDTCĐ Huế đã ưu tiên đưa dự án này lên hàng đầu và tập trung giải quyết cho được vấn đề các hộ dân lấn chiếm xung quanh hồ.

 SƠN THÙY – LỘC ĐIỀU

Ý kiến bạn đọc