Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Ủng hộ chủ trương chung về giá điện, nhưng cần sự công bằng, minh bạch và hợp lý

Thứ Năm 30/05/2019 | 10:53 GMT+7

VHO- Sáng 30.5, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019, Quyết toán ngân sách nhà nước 2017.

Ngay đầu giờ đã có 91 đại biểu đăng ký phát biểu ý kiến. Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho biết ông rất mừng vì các con số đã đạt được, như trong báo cáo của Chính phủ. Lẽ ra nhân dân phải rất phải khấn khởi vì điều này nhưng nhiều cử tri lại tỏ ra hồ nghi, bởi niềm tin bị lung lay vì thực tế hàng ngày diễn ra xung quanh họ. "Chúng ta có thể triển khai những chính sách vĩ mô tốt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song những búc xúc hàng ngày của người dân chưa được giải quyết hợp lý, nhanh chóng. Chính vì vậy những cố gắng của cả hệ thống bị một vài bức xúc nhỏ làm vấy bẩn bức tranh toàn cảnh", ông Hiếu nói.

Là đại biểu Quốc hội An Giang, ông Hiếu gửi đến Quốc hội phản ánh của cử tri ở địa phương này về lĩnh vực giao thông, điển hình là việc triển khai xây dựng đường tránh Long Xuyên. 6 tháng qua mọi việc tiến triển rất chậm, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của một tỉnh nghèo.

Theo ông, nếu dự án đường tránh thành phố Long Xuyên được triển khai thì sẽ không có việc cách đây vài ngày người dân kéo đến trạm BOT T2 phản ứng dữ dội. "Hậu quả là cầu Vàm Cống - một công trình quan trọng với đồng bằng sông Cửu Long vừa khánh thành đã bị mất đi ý nghĩa nhân văn", ông Hiếu nói và nhấn mạnh việc khởi công đường tránh TP Long Xuyên và có giải pháp tháo gỡ công bằng cho người dân khi đi qua trạm thu phí BOT T2 là mong mỏi lớn nhất của cử tri An Giang lúc này.

Ngoài việc đề cập đến việc điều chỉnh giá điện gây bức xúc trong thời gian qua, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) còn đề cập đến việc thu hồi triệt để tài sản liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng. “Trong điều kiện kinh tế - xã hội của ta còn khó khăn, nhiều công trình hạng mục cấp thiết ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tính mạng của nhân dân không đủ vốn đầu tư thì các vụ án kinh tế, tham nhũng được phanh phui làm thất thoát hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng”, đại biểu Hận nói và cho rằng các cá nhân gây ra sự bức xúc này là tội đồ, đáng bị lên án và đáng bị pháp luật xử lý nghiêm minh.

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận thì cần thu hồi các tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng để tránh tình trạng "hy sinh đời bố, củng cố đời con". Ảnh: Quốc hội

Cũng theo đại biểu Cà Mau này thì với hành vi gây thất thoát ấy, dù có dành bản án cao nhất là tử hình cũng chưa đảm bảo tính răn đe, chưa bảo đảm công bằng cho xã hội. Với số tiền ấy nếu không bị thất thoát, tham nhũng thì chúng ta sẽ có thêm vốn đầu tư cho các kè sạt lở bờ sông, xây dựng các công trình phòng chống lũ quét, lũ ống, góp phần làm giảm đáng kể số người thiệt mạng vì thiên tai trong thời gian qua.

Vì thế, ngoài chế tài nặng thì nội dung thu hồi tài sản thất thoát cũng rất quan trọng và có tính răn đe cao, tránh tình trạng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, bố chấp nhận ngồi tù vài chục năm nhưng vợ con được sống an nhàn, sung túc cả đời”, đại biểu Hận bày tỏ quan điểm.

Đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ đã mang lại nhiều kết quả như vừa qua, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đã đề cập đến một số vấn đề gây bức xúc trong thời gian qua, liên quan đến lĩnh vực giáo dục và tăng giá điện. Ghi nhận những cố gắng của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng theo đại biểu Cương, từ đầu nhiệm kỳ đến nay Bộ này cứ loay hoay với nhiều vấn đề, trong khi cải tiến chưa mang lại hiệu quả rõ rệt thì sai phạm, tiêu cực lại nảy sinh. Thị trường văn bằng giả sôi động mà bằng chứng là vừa qua Công an Hà Nội bắt một vụ đã thu được cả tấn phôi bằng giả.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng ngành điện có qui trình bất biến là tăng giá rồi, tăng nữa, tăng mãi. Ảnh: Quốc hội

“Nhiều cử tri phàn nàn về chất lượng giáo dục, bệnh thành tích trong giáo dục, cho thấy người dân không những không yên tâm mà còn mất niềm tin vào giáo dục. Hiện trạng như vậy, thử hỏi nền giáo dục sẽ đi về đâu”, ông Cương đặt vấn đề và cho rằng với vụ tiêu cực kỳ thi THPT Quốc gia, là đơn vị tổ chức kỳ thi do chính mình xây dựng và tiến hành, nhưng Bộ không kiểm soát được tình hinh. Ngay cả khi sai phạm xảy ra, Bộ cũng không phát hiện mà do một nhóm các thầy giáo ở Hà Nội phát hiện, tố giác rồi Bộ mới vào cuộc.

“Nhưng đáng nói hơn, khi làm rõ được sai phạm thì việc công khai danh tính học sinh và phụ huynh liên quan sai phạm thì Bộ không có chính kiến rõ ràng, vì cho rằng nào là nhạy cảm, nào là nhân văn. Nhưng xin thưa, mất mát lớn nhất của vụ việc chính là mất đạo đức xã hội”, ông Cương nhấn mạnh và cho rằng, chỉ khi xử lý triệt để vụ việc này mới lấy lại được niềm tin của người dân, để người dân tin rằng đất nước vẫn còn có pháp luật.

“Sau sai phạm 2018, Bộ đang rất nỗ lực cải thiện kỳ thi 2019 nghiêm túc và an toàn, nhưng ai dám đảm bảo sai phạm đó không tái diễn?”, đại biểu Cương đặt câu hỏi. Đề cập tới vấn đề rất được cử tri và người dân quan tâm thời gian qua là tăng giá điện, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng từ thuở khai sinh ra nền điện nước nhà, giá điện luôn tuân theo quy trình bất biến là “tăng rồi, tăng nữa, tăng mãi”.

Người dân ủng hộ chủ trương chung về giá điện, nhưng điều họ cần là sự công bằng, minh bạch và hợp lý nhưng kỳ tăng giá điện vừa qua “có nhiều mập mờ cần làm rõ”.

Người dân có lý khi nghi ngờ việc tăng giá điện chỉ 8,36% như doanh nghiệp công bố là không chuẩn xác. Khi số tiền điện họ trả trên thực tế nhiều, thậm chí gấp đôi, gấp ba mà không phải họ không biết số tiền điện tăng do thời tiết nắng nóng.

Giá bán lẻ điện bình quân của Chính phủ phải lấy làm gốc, căn cứ vào đó, dù anh có chia bảng giá điện thành 6 bậc hay cả trăm bậc đi nữa thì giá bán lẻ điện bình quân phải được chấp hành và không được thay đổi.

Ông Cương cho biết qua tham khảo ý kiến chuyên gia, họ đều cho rằng việc chia bậc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá bán lẻ điện bình quân chưa đúng với quy định của Chính phủ và bên có lợi đương nhiên thuộc về doanh nghiệp, chứ không phải người dân.

“Qua tiếp xúc, một cử tri nói điều đáng suy nghĩ, đó là cứ nói đất nước phát triển, đời sống người dân tăng cao, ấy vậy mà mức tiêu dùng điện cứ duy trì ở mức thấp (100-150KWh), mà mức đó giờ chỉ phù hợp với hộ nghèo, hộ khó khăn. Người dân ủng hộ chủ trương tiết kiệm điện nhưng phải phù hợp với thực tiễn, chứ không phải tiết kiệm bằng mọi giá. Không phải ngẫu nhiên EVN lấy thời điểm chuyển mùa để tăng giá điện, vì “cứ tăng rồi đổ cho thời tiết là hợp lý nhất, đỡ phải giải thích nhiều”, ông Cương nói.

EVN và cơ quan quản lý nhà nước cứ đi so sánh giá điện của Việt Nam thấp nhưng tôi cho rằng việc so sánh mới chỉ so sánh đầu ra mà chưa so sánh đầu vào là khập khiễng. Chưa kể một doanh nghiệp độc quyền như EVN được nhà nước ưu đãi đủ thứ. Chưa tính tới chuyện thất thoát điện năng do quản lý và do kỹ thuật, có giống nhau đâu mà so sánh. Đó là chưa kể tính toán thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là thấp. Có một việc rất đáng so sánh là một số nước do nắng năng, họ quyết định giảm giá điện cho người dân đỡ khó khăn thì sao chẳng thấy ai so sánh. Cứ rao rảng rằng tăng giá điện thì các bên đều được lợi, nhưng thực tế người tiêu dùng “lợi đâu chẳng thấy mà răng chẳng còn”,

"Lần nào tăng giá điện cũng nói để có thêm nguồn kinh phí tái đầu tư ngành điện, nhưng một doanh nghiệp độc quyền mà luôn luôn lỗ thì có nên tiếp tục nữa hay không. Chưa kể lộ trình điện bán buôn, bán lẻ có thực hiện được không. Theo tôi biết, có một số dự án của ngành điện đang triển khai đều chậm tiến độ và sự thất thoát là tất yếu. Tôi đề nghị công bố kết quả thanh tra của Chính phủ để thấy bức tranh toàn diện về doanh nghiệp độc quyền như EVN", ông Cương nói.

THU SÂM

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top