Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nhiều trẻ em tử vong do bị rơi từ chung cư cao tầng: Trách nhiệm của cha mẹ, nhà đầu tư hay của cơ quan thẩm định?

Thứ Sáu 21/06/2019 | 10:41 GMT+7

VHO- Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn thương tâm mà nạn nhân là trẻ nhỏ bị rơi từ chung cư cao tầng xuống đất, gây tử vong.

 

Vẫn còn nhiều cửa sổ, ban công chung cư cao tầng chưa được lắp lưới chắn ban công, chấn song cửa sổ Ảnh: TRẦN CƯỜNG

Bên cạnh việc tìm lời giải cho các biện pháp phòng chống cháy nổ, thoát hiểm thì sự mất an toàn cho trẻ nhỏ đang sinh sống tại các khu chung cư đang thực sự gióng lên hồi chuông báo động khẩn cấp đối với các bậc phụ huynh và người thân.

Dư luận vẫn chưa thôi bàng hoàng về những vụ việc xảy ra cách đây không lâu vào khoảng 19h ngày 18.6, cư dân tòa chung cư CT1-B2 thuộc khu đô thị Xa La (Hà Đông-Hà Nội) nghe thấy tiếng động mạnh phát ra từ mái tôn tầng 2 của tòa nhà. Đến 21h cùng ngày, cư dân mới phát hiện bé gái nằm bất động trên mái tôn nên đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Gia đình đã tạo điều kiện cho trẻ nhỏ dễ leo trèo?

Tuy nhiên, bé gái đã bị tử vong ngay sau đó. Nạn nhân được xác định là bé V.B.N, 6 tuổi. Trước đó, bé N đã trèo ra ban công tầng 14 tòa nhà chung cư rồi rơi xuống mái tôn tầng 2. Công an phường Phúc La cho biết, qua kiểm tra, ban công của gia đình bé N không lắp lưới an toàn. Trước đó, vào khoảng 22h30 đêm 24.4, người dân sống tại chung cư Ecohome 1 (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hốt hoảng phát hiện một cháu bé rơi từ tầng cao của tòa nhà xuống đất. Cháu bé đã nhanh chóng được đưa đi cấp cứu nhưng khi đưa đến bệnh viện, các bác sĩ xác định nạn nhân đã trong tình trạng giãn đồng tử, đa chấn thương và đã không qua khỏi. Nguyên nhân ban đầu xác định là do bé lên nhà người thân ở tầng 12 chơi, trong lúc chơi đùa, bé trèo qua lan can hành lang và không may rơi xuống đất.

Trên đây chỉ là hai trong số không ít vụ tai nạn thương tâm đối với trẻ nhỏ sinh sống tại các khu chung cư cao tầng. Các vụ việc liên tiếp xảy ra không chỉ gây hoang mang cho các gia đình có con nhỏ sinh sống tại các khu chung cư cao tầng mà còn khiến nhiều người đã và đang có nhu cầu mua chung cư cảm thấy e ngại về mức độ chuẩn an toàn của các chung cư, tòa nhà cao tầng. Theo ông Lê Đình Hùng, Trưởng ban quản lý tòa nhà Pakexim 2, hiện nay hầu hết các khu chung cư, nhà cao tầng đều thi công theo đúng quy chuẩn xây dựng Việt Nam số 05: 2008 “Nhà ở và công trình công cộng – an toàn sinh mạng và sức khỏe” do Bộ Xây dựng ban hành. Theo đó, các cạnh trống của sàn, ban công, lô gia, mái, giếng trời và các lỗ mở phải có lan can chắn và đảm bảo các yêu cầu: Từ tầng 9 trở lên, lan can, rào chắn phải có chiều cao tối thiểu 1,4m (các vị trí khác tối thiểu 1,1m); phải có khả năng chịu được tác động của lực ngang và đảm bảo khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100mm… Tuy nhiên, nhiều công trình do muốn thay đổi để tạo hình thẩm mỹ nên đã lắp đặt hệ thống ban công với song sắt nằm ngang, hay có nhiều họa tiết tạo điều kiện cho trẻ nhỏ dễ leo trèo dẫn tới các trường hợp thương tâm xảy ra như đã nói ở trên.

Trao đổi với Văn Hóa, KS xây dựng Phạm Hoàng Sinh, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý xây dựng các chung cư và nhà cao tầng cho biết, nhiều người dân sinh sống trong chung cư nghe nhắc đến những vụ tai nạn ngã từ chung cư xuống đất thì chỉ nghĩ đơn giản cần chú trọng tới thiết kế các khu vực ban công, cửa sổ… của chủ đầu tư. Trong thực thế đôi khi họ lại quên mất chính những sự thay đổi cách sắp đặt, bố trí trong gia đình là gián tiếp để xảy ra những sự việc đáng tiếc như ngã từ trên cao, hỏng cửa bị nhốt trong nhà vệ sinh, an toàn điện… Nhiều gia đình thường có thói quen kê giường, bàn ghế các đồ vật như giá kệ gần khu vực cửa sổ để lấy ánh sáng hay kê các chậu hoa, tượng phong thủy ở ban công cũng là nơi dễ tạo điều kiện cho trẻ nhỏ leo trèo khiến bé lộn cổ xuống.

 Chung cư Xa La (Hà Đông – Hà Nội), nơi xảy ra vụ việc đau lòng tối 18.6

Trách nhiệm thuộc về ai?

Cũng theo ông Sinh, khi chuyển vào sinh sống tại chung cư, các hộ gia đình có con nhỏ, bên cạnh việc chuẩn bị tâm lý thay đổi môi trường sinh sống cũng như một số thói quen sinh hoạt so với trước đây, phụ huynh cần xác định luôn phải có người chú ý tới con trẻ, không được lơ là dù chỉ một phút. Bên cạnh việc kiểm tra kỹ các tiêu chuẩn kỹ thuật theo đúng quy định của Bộ Xây dựng, chủ hộ cũng cần xin phép ban quản lý chung cư lắp đặt một số thiết bị an toàn cho phù hợp với gia đình như các chốt khóa an toàn tại các cửa sổ, cửa ra vào để trẻ không mở được cũng như lắp thêm lưới bảo vệ để trẻ không thể leo ra ngoài…

Nhận định về trách nhiệm khi để xảy ra các vụ tai nạn thương tâm như trên, LS Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm cho rằng, vấn đề trách nhiệm được đặt ra từ nhiều phía. Trước hết, đối với các gia đình thì chúng ta thiếu những kỹ năng, thiếu sự quan tâm cần thiết để bảo vệ con em của mình. Nhiều gia đình có con nhỏ, sống tại các chung cư cao tầng nhưng lại sơ sểnh để con chơi ngoài ban công một mình, thậm chí bắc ghế để trèo qua lan can ban công. Có gia đình thì tranh thủ lúc con ngủ, để các bé ở nhà một mình, chỉ khóa cửa ra vào mà không khóa cửa ra ban công, khi các bé thức dậy, do không thấy có ai ở nhà nên đã hoảng hốt chạy ra ngoài tìm kiếm và dẫn đến việc rơi từ trên cao xuống đất, gây tử vong.

Còn đối với các chủ đầu tư, theo luật sư Tú, do tiết kiệm chi phí nên nhiều chủ đầu tư đã phạm không ít lỗi cơ bản trong việc thiết kế thi công đảm bảo an toàn cho cư dân đặc biệt là những công dân trẻ tuổi nhỏ tuổi. Bên cạnh đó, là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là xây dựng dân dụng và nhà ở, Nhà nước cũng đã có những quy chuẩn chung về an toàn nhưng nhiều tòa nhà thiết kế cầu thang, cửa kính, cửa chớp thiếu an toàn nhưng vẫn được các cơ quan về phụ trách về xây dựng bỏ qua trong quá trình nghiệm thu và hậu quả như chúng ta đã thấy. Bài học đắt giá này là lời cảnh tỉnh sâu sắc đến xã hội và đặc biệt là đối với các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở Trung ương cũng như địa phương, các chủ đầu tư, chính những cư dân chúng ta.

Ông Tú cũng kiến nghị trong thời gian tới, các cấp về thanh kiểm tra xây dựng cần vào cuộc ra soát toàn bộ các khu dân cư và khắc phục chấn chỉnh ngay những thiếu sót bất cập mất an toàn trong khâu xây dựng để từ đó góp phần phòng ngừa những rủi ro đến với cư dân nhất là cư dân nhỏ tuổi. 

 Trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là xây dựng dân dụng và nhà ở, Nhà nước cũng đã có những quy chuẩn chung về an toàn nhưng nhiều tòa nhà thiết kế cầu thang, cửa kính, cửa chớp thiếu an toàn nhưng vẫn được các cơ quan về phụ trách về xây dựng bỏ qua trong quá trình nghiệm thu và hậu quả như chúng ta đã thấy. Bài học đắt giá này là lời cảnh tỉnh sâu sắc đến xã hội.

(LS Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm)

 

 HOÀNG HƯƠNG - HOÀNG LƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top