Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Phát triển thơ đương đại Việt Nam: Làm sao để tránh tình trạng được mùa nhưng thiếu chất?

Thứ Tư 25/09/2019 | 09:29 GMT+7

VHO- Có thể nói, trong những năm vừa qua, thi đàn Việt Nam đã đón nhận những luồng gió mới từ thơ đương đại Việt Nam làm cho ngôi vườn thơ ca có nhiều đổi mới. Nhưng chính những sự phá cách ấy cũng đã khiến cho thơ đương đại gặp phải khó khăn trên con đường đến với công chúng.

Tại tọa đàm “Những khuynh hướng sáng tác thơ Hà Nội đương đại” diễn ra tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, nhiều nhà thơ đã chỉ ra những khuynh hướng cho sự phát triển của thơ đương đại.

Các nhà thơ đã cùng bàn luận về phương hướng phát triển thơ đương đại Việt Nam

Thơ đương đại gặp khó?

Một số nhà thơ hiện nay bày tỏ trăn trở trong việc làm sao để thơ đương đại thực sự thâm nhập vào đời sống văn chương của độc giả. Đã có không ít ý kiến cho rằng, thơ đương đại ở một góc nào đó khá khó đọc, khó hiểu nên việc công chúng không mấy mặn mà cũng là điều dễ hiểu.

Thơ đương đại không bị ràng buộc về niêm luật, hình thức, gieo vần. Chính vì vậy những người sáng tác thơ tha hồ “thả mình” trong những suy tư về cuộc sống, thế sự, từ đó những áng thơ họ sáng tác có những nét chấm phá nhất định về cả nội dung lẫn hình thức. Có thể kể đến sự khác biệt về vần điệu, niêm luật khiến bạn đọc đôi khi… nản vì không biết cần phải ngắt nghỉ ở đâu. Hay về nội dung của thơ đương đại cũng ít nhiều làm khó người đọc bởi thơ đương đại là sự thể hiện cái tôi, là tiếng lòng cá nhân nên người đọc khó có thể hiểu hết được nội dung mà những nhà thơ viết truyền tải.

Bên cạnh đó, cái khó còn nằm ở chính tâm lý tiếp nhận văn học của công chúng. Theo chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực văn học nghệ thuật cho hay, con người hiện đại do bận rộn, lại có nhiều kênh tiếp nhận thông tin, loại hình giải trí khác nhau đã tạo ra thói quen đọc tranh thủ, thích cái đơn giản, ngắn gọn, thiên về giải trí hơn là tác phẩm dài và phức tạp. Đồng thời, văn học đương đại trong đó có thơ trong xu hướng quốc tế hóa cũng có nhiều cách tân mạnh mẽ, đôi lúc “Tây hóa” tới mức “lạ hóa” nên không phù hợp với tâm lý tiếp nhận đại chúng mà chỉ co lại trong một cộng đồng hẹp có cùng gu thẩm mỹ hoặc giới nghiên cứu văn học.

Có nhiều sự khác biệt nhưng không vì thế mà được phép để thơ đương đại đi vào quên lãng mà trái lại, với những đổi mới tiến bộ, công chúng cần có cái nhìn cởi mở và tích cực đón nhận. Khẳng định tầm quan trọng của thơ và thơ đương đại, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm nhận định: “Dù hay, dở, dù hiện ra ở hình thái nào, thơ vẫn là nơi cư ngụ của tâm hồn, sự hiện hữu của con người. Rộng hơn, thơ kiến tạo một không gian sống. Vì vậy, thái độ khinh miệt hay phỉ báng, rẻ rúng thơ chính là biểu hiện của một xã hội đang thiếu đi những thông hiểu và chia sẻ”.

Từ những khó khăn đó, vấn đề mà các nhà thơ đặt ra hiện nay là làm sao để rút ngắn khoảng cách giữa công chúng với thơ đương đại. Tất nhiên, đây không phải là câu chuyện có thể giải quyết nhanh chóng mà là chặng đường dài hơi đòi hỏi nỗ lực không mệt mỏi của những thi nhân.

Cần thiết phải biên tập

Tại tọa đàm, các nhà thơ đều khằng định thơ đương đại Việt Nam cần nâng cao chất lượng để tránh rơi vào tình trạng được mùa nhưng mất chất. Trong đó, các diễn giả đã tập trung bàn luận về khâu biên tập thơ trước khi đưa đến công chúng.

Theo đó, thơ nói chung và thơ đương đại nói riêng thực sự là một chính thể nghệ thuật toàn vẹn, không cần biên tập. Những tác phẩm như vậy không để lại cho người biên tập một cơ hội nào để can thiệp. Tuy nhiên, hiện nay, trên thi đàn, bạn đọc rất hiếm gặp hay thậm chí không thể gặp được tác phẩm nào như thế. Những bài thơ hay đã có hiện nay hầu hết đều là sản phẩm của một quá trình biên tập kỹ lưỡng trước khi xuất bản. Chính vì vậy, độc giả mới được đón nhận nhiều tác phẩm thơ với “hình hài” toàn vẹn nhất có thể. Dẫu vẫỵ, vẫn có nhiều bài thơ sau khi biên tập còn bộc lộ nhiều yếu kém, phải biên tập lại. Điều này phản ánh tình trạng không có người biên tập, không biên tập hoặc biên tập yếu trong các cơ quan in ấn, xuất bản. Đồng thời, đời sống thơ đương đại cũng cho thấy đang có nhiều người làm thơ nhưng chất lượng thơ vẫn không thực sự thuyết phục. Từ góc độ biên tập, câu chuyện phẩm chất, sứ mệnh của người biên tập chính là vấn đề cần phải bàn tới.

Thực tế cho thấy để biên tập được một tác phẩm thơ đương đại không phải vấn đề đơn giản mà đòi hỏi trình độ chuyên môn ở biên tập viên. Cũng theo nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm, để làm một biên tập viên văn học nghệ thuật nói chung và biên tập thơ nói riêng, người biên tập trước hết phải có kiến văn. Kiến văn chính là phông nền tri thức, hiểu biết mà biên tập viên cần phải có. Đó là chiếc máy lọc đầu tiên để người biên tập nhận ra đúng sai cùng các vấn đề thuộc về tri thức trong văn bản mà mình biên tập. Vẫn biết rằng, thơ ca là địa hạt của sự mơ hồ, phi lý nhưng đó là sự mơ hồ, phi lý khó giải thích của tâm hồn, trí tưởng tượng, không phải sự sai lệch do thiếu hiểu biết, tri thức, kiến văn.

“Kiến văn còn là “kính chiếu yêu” để nhận ra văn bản thơ được gửi về có đúng là sản phẩm sáng tạo của tác giả hay là sản phẩm của sự sao chép, đạo văn từ người khác. Điều này khó hơn so với việc nhận ra đúng sai. Người biên tập dĩ nhiên phải đọc nhiều để có thể phát hiện ra những lỗi nguy hiểm này”, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm chia sẻ.

Đặc biệt, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm cũng khẳng định rõ, người biên tập cần phải nhạy cảm và hiểu biết về nghệ thuật cũng như thơ. Phẩm chất này giúp người biên tập lọc, giữ được những văn bản, sáng tạo có giá trị và không để rơi lọt những thi phẩm thực sự. Nhạy cảm nghệ thuật cũng góp phần soi chiếu, bổ sung cho kiến văn, tri thức và hoàn thiện khả năng thẩm định, đánh giá và lựa chọn chũng như loại bỏ các văn bản thơ trong quá trình biên tập. Người biên tập thơ, trong cái nhìn cẩn trọng nhất là cầu nối để đưa thơ đến với độc giả. Tuy nhiên, thực tế đời sống thơ ca đang nói lên rằng, vai trò của người biên tập chưa được phát huy. 

ĐÌNH TOÁN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top