Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Họp báo thường kỳ quý III/2019 của Bộ VHTTDL: Trả lời thẳng về những vấn đề “nóng”

Thứ Tư 09/10/2019 | 10:29 GMT+7

VHO- Tòa nhà trái phép trên đỉnh Mã Pì Lèng; Đề án chuyển đổi mô hình quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam và Bảo tàng Hà Nội; phim Ròm chưa được cấp phép phát hành vẫn chiếu tại LHP Busan; khuyến cáo du khách về an toàn tại các địa điểm du lịch tự phát... là những vấn đề làm “nóng” của cuộc họp báo thường kỳ quý III/2019 của Bộ VHTTDL diễn ra vào sáng qua 8.10 tại Hà Nội.

 Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTTDL chủ trì buổi họp báo Ảnh: TR HUẤN

Chủ trì buổi họp báo, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTTDL đã thông tin tóm tắt kết quả công tác VHTTDL 9 tháng đầu năm 2019. Đại diện Bộ cũng đã dành phần lớn thời gian họp báo để trả lời những câu hỏi liên quan đến những vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ.

Nhà “chui” ở Mã Pì Lèng: Đông khách nhưng Bộ không ủng hộ

Chiếm dung lượng lớn thời gian của buổi họp là phần “hỏi- đáp” thông tin xung quanh công trình xây dựng trái phép 7 tầng trên đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Ông Nguyễn Thái Bình cho biết, sớm ngày 8.10, Đoàn công tác của Bộ do Cục Di sản văn hóa chủ trì đã lên Hà Giang để kiểm tra việc xây dựng nhà hàng trái phép trên đèo Mã Pì Lèng.

Trước đó, Cục Di sản văn hóa cho biết, tòa nhà xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 36 Luật Di sản văn hóa, “khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch”.

Người phát ngôn của Bộ nhắc lại, đến nay, Bộ VHTTDL vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của tỉnh Hà Giang đề nghị có ý kiến thẩm định đối với công trình xây dựng tại khu vực đèo Mã Pì Lèng. “Nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng, công trình này phải chịu sự điều chỉnh của Luật Xây dựng và thuộc thẩm quyền trách nhiệm của tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, với quan điểm của Bộ VHTTDL, bất cứ công trình nào, nằm trên địa điểm du lịch hay trên toàn lãnh thổ Việt Nam, nếu xây dựng trái phép thì cũng sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật. Các di tích, di sản văn hóa cần phải có biện pháp bảo vệ, tránh những nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực”, ông Bình khẳng định.

 Đoàn công tác của Bộ VHTTDL cùng một số chuyên gia, nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát thực địa công trình xây dựng không phép tại đèo Mã Pì Lèng vào 18h30 chiều tối qua 8.10 nhằm đưa ra những nhận định, đánh giá về mức độ ảnh hưởng của công trình đối với danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng. Ảnh: QUỐC HÙNG

Về vấn đề xử lý sai phạm của công trình, ông Nguyễn Thái Bình cho biết, ý kiến thẩm định cụ thể như thế nào sẽ phải chờ kết quả chính thức từ Đoàn kiểm tra. Tuy nhiên, trách nhiệm xử lý và xử lý như thế nào thuộc về tỉnh Hà Giang. Sai phạm ở công trình Panorama Mã Pì Lèng cho thấy chủ đầu tư đã cố tình vi phạm pháp luật, bởi Hà Giang trước đó đã có công văn yêu cầu về nguyên liệu, thiết kế công trình phải phù hợp với cảnh quan.

“Dù là công trình có công năng, tính chất thúc đẩy du lịch phát triển nhưng không tuân thủ quy định pháp luật, Bộ VHTTDL có quan điểm không ủng hộ. Chúng ta phải có biện pháp, hình thức bảo vệ tốt nhất danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng”, ông Bình nhấn mạnh. Trước thông tin chủ đầu tư phát ngôn tiêu cực, dọa nhảy xuống sông Nho Quế nếu công trình bị phá bỏ, ông Nguyễn Thái Bình nêu quan điểm: “Không nên lôi sinh mệnh của cá nhân tạo áp lực ngược với luật pháp. Khi sai thì phải nhận thức cái sai để khắc phục sửa chữa. Doanh nghiệp khi vi phạm pháp luật không thể bắt xã hội gánh chịu... ”. Chánh Văn phòng Bộ cũng cho biết, trong thời gian sớm nhất, Bộ sẽ tiếp tục thông tin tới báo chí sau khi có kết quả từ Đoàn kiểm tra.

 Nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua. Ảnh: LƯU QUANG PHỔ

Nhà sản xuất phim “Ròm” đã cố tình phạm luật

Báo chí cũng quan tâm đến thông tin về bộ phim Ròm của Công ty CP Sản xuất Phim Hoan Khuê dù đã xin rút khỏi LHP Quốc tế Busan 2019 nhưng vẫn được chiếu tại LHP này. Thêm vào đó, một số thành phần đại diện đoàn phim, bao gồm nhạc sĩ Tôn Thất An (phụ trách nhạc phim), diễn viên Anh Tú và một số thành viên ê kip đã tham gia giao lưu với khán giả. Trên truyền thông, thông tin phim vẫn tham gia dự thi ở nhánh chính New Currents dành cho các tác phẩm đầu tay hoặc thứ hai của đạo diễn châu Á. Sau buổi chiếu đầu tiên vào ngày 4.10, các buổi chiếu tiếp theo của Ròm ở Busan dự kiến vẫn diễn ra vào hai ngày 9 và 10.10.

Trước đó, Công ty cổ phần Sản xuất Phim Hoan Khuê đã cam kết không gửi bộ phim Ròm tham dự LHP Quốc tế Busan 2019 dưới mọi hình thức vì chưa có Giấy phép phổ biến phim. Bộ VHTTDL khẳng định việc đơn vị này tự đăng ký và gửi phim tham dự LHP đã vi phạm pháp luật hiện hành. Ông Nguyễn Thái Bình nói rõ: “Việc bộ phim chưa được cấp phép phổ biến đã tự đăng ký và gửi phim tham dự LHP là hành vi vi phạm pháp luật. Đương nhiên việc vi phạm đó cần phải được xử lý nhằm đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật. Bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào khi tự ý phát hành, công chiếu tác phẩm khi chưa được cấp phép phổ biến như trường hợp phim Ròm đều bị xem xét, xử lý. Chiều 7.10, Cục Điện ảnh và Thanh tra Bộ đã họp bàn để đưa ra hướng xử lý đối với nhà sản xuất bộ phim”.

Người phát ngôn của Bộ cũng cho rằng, BTC LHP quốc tế Busan không thể mở bộ phim để công chiếu nếu nhà sản xuất tại Việt Nam không mở “key” kỹ thuật số của phim. Nếu trong hai buổi chiếu tiếp theo vào ngày 9 và 10.10, bộ phim Ròm vẫn tiếp tục công chiếu tại Busan thì chắc chắn, nhà sản xuất là Công ty cổ phần Sản xuất Phim Hoan Khuê đã cố tình phạm luật.

“Trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện Luật Điện ảnh cho phù hợp tình hình thực tiễn, Bộ VHTTDL sẽ tham mưu để có những quy định xử phạt nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với những hành vi cố tình vi phạm pháp luật như trường hợp phim Ròm. Việc báo chí lên tiếng mạnh mẽ cũng sẽ góp phần tạo áp lực, cảnh tỉnh đối với nhà sản xuất cần có định hướng, hành động đúng đắn, tuân thủ luật pháp...”, ông Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh.

Cà phê đường tàu là tự phát, không phải điểm du lịch

Cà phê đường tàu là điểm du lịch tự phát, cần được dẹp bỏ

Liên quan đến việc Hà Nội dẹp hoạt động cà phê đường tàu gây xôn xao dư luận mấy ngày qua, Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Thái Bình chia sẻ, mặc dù cà phê đường tàu là địa điểm thu hút đông khách du lịch, trong đó có cả du khách quốc tế nhưng cho dù có hấp dẫn, lạ lẫm đến đâu thì cũng cần đảm bảo an ninh, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.

“Đến thời điểm này Bộ VHTTDL chưa có văn bản nào khuyến cáo về hoạt động này nhưng trong thẩm quyền của mình, có thể lường trước hậu quả xảy ra, UBND TP Hà Nội cần có chỉ đạo giải phóng khu này để đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch và an toàn đường bộ, đường sắt...”, đại diện Bộ nêu quan điểm.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, những địa điểm du lịch mới có yếu tố hấp dẫn, được các doanh nghiệp khai thác, có đầu tư sáng tạo, tạo nhiều sản phẩm du lịch có sức hút đều được khuyến khích. Tuy nhiên, về nguyên tắc phải có quy hoạch phát triển du lịch. Cà phê đường tàu dù hút khách nhưng vẫn chỉ là tự phát. Thực chất khu vực cà phê đường tàu ở Hà Nội đang vi phạm một số quy định về an ninh, an toàn khiến các cơ quan chức năng khuyến cáo, đưa ra văn bản dừng hoạt động. Nhu cầu du lịch của du khách là đương nhiên nhưng việc tổ chức hoạt động du lịch phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, các điểm du lịch hoạt động cần phải được cấp phép...

Theo Tổng cục Du lịch, đối với những điểm du lịch tự phát như cà phê đường tàu ở Hà Nội, Tổng cục Du lịch đã có khuyến cáo các doanh nghiệp, nhà đầu tư phải đánh giá kỹ lưỡng, làm việc với chính quyền địa phương trước khi có các hoạt động liên quan đến phát triển du lịch.

Bộ đang xây dựng đề án tiếp nhận Bảo tàng Hà Nội

Một vấn đề được quan tâm tại họp báo là việc chuyển đổi mô hình quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam từ Bộ VHTTDL về TP Hà Nội và chuyển Bảo tàng Hà Nội từ Hà Nội về Bộ VHTTDL. Báo chí đặt vấn đề, hiện Bộ VHTTDL đã xây dựng đề án tiếp nhận Bảo tàng Hà Nội đến đâu và việc chuyển Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam liệu có đảm bảo mô hình hoạt động hiệu quả hơn, không bị thay đổi công năng như cũ của Làng hay không?

Theo ông Nguyễn Thái Bình, Bộ VHTTDL và UBND TP Hà Nội đã nhận được văn bản chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ về đề án chuyển đổi mô hình quản lý, tổ chức và hoạt động của BQL Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam. Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giao UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL xây dựng Đề án chuyển Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam từ Bộ VHTTDL về TP Hà Nội, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Thủ tướng cũng giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội xây dựng Đề án chuyển Bảo tàng Hà Nội về Bộ VHTTDL, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

“Bộ VHTTDL đang triển khai xây dựng đề án chuyển Bảo tàng Hà Nội về Bộ. Đồng thời, phối hợp với UBND TP Hà Nội xây dựng Đề án chuyển Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam từ Bộ VHTTDL về TP Hà Nội. Quan điểm của Bộ là luôn chấp hành nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”, ông Bình cho biết.

 

 PHƯƠNG ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top