Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Giọng ca vàng của núi rừng Việt Bắc

Thứ Sáu 25/10/2019 | 10:37 GMT+7

VHO- Gần 40 năm qua, người nghệ sĩ ấy đã thể hiện đúng nghĩa với danh hiệu NSND bởi anh đã gắn bó, lặn lộn cả cuộc đời với nghệ thuật của dân tộc. Anh là NSND Nông Xuân Ái, ca sĩ được khán giả gọi là giọng ca hát dân ca hay nhất vùng núi phía Bắc, nổi danh với những làn điệu hát Then, đàn tính, hát sli lượn của dân tộc Tày, Nùng…

Người giữ hồn Then…

Thật kỳ lạ, bố làm ngành y, mẹ làm ruộng vậy mà Nông Xuân Ái lại được trời phú cho chất giọng thật tuyệt vời. Niềm say mê nghệ thuật đã ngấm sâu vào máu thịt của anh từ khi còn bé. Những lời hát ru ngọt ngào của người mẹ là chất liệu thấm đẫm trong anh. Bà con ở xã Lương Can (Thông Nông, Cao Bằng) đã quen với việc được nghe tiếng hát của cậu bé Ái mới 9, 10 tuổi vào mỗi lần nghỉ giải lao, lúc làm cỏ, gặt lúa. Cho tới năm 1977 anh nhập ngũ trở thành bộ đội biên phòng ở tỉnh Cao Bằng. Hẳn những người đồng đội của anh cũng khó có thể quên được Nông Xuân Ái với hình ảnh đẹp, cứ dứt tiếng súng là Nông Xuân Ái lại cầm đàn hát cho đồng đội nghe.

Trong thời gian nhập ngũ, Nông Xuân Ái từng bị thương tại chiến trường biên giới phía Bắc. Vì vậy, năm 1982, anh giải ngũ và trở thành diễn viên ca của Đoàn nghệ thuật tỉnh Cao Bằng. Vết thương nhẹ nhưng lại vào xương mu bàn tay phải, Nông Xuân Ái đã phải quyết tâm bỏ thói quen đàn bằng tay phải mà tập luyện bền bỉ để có thể đánh đàn then, đàn tính bằng tay trái. Ngay năm đầu tiên trở thành ca sĩ của Đoàn nghệ thuật tỉnh Cao Bằng, anh đã tham gia hội diễn ca múa nhạc CNTQ năm 1982 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội và đã đoạt HCB với ca khúc Bài ca Cao Bằng. Năm 1993, anh chuyển về Đoàn Ca múa dân gian Việt Bắc với vai trò là đội trưởng đội ca. Kể từ đó đến nay, cái tên Nông Xuân Ái đã gắn với thương hiệu của Đoàn Ca múa dân gian Việt Bắc (nay là Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc).

Những tấm huy chương mà anh gặt hái được thật đáng tự hào không chỉ với cá nhân mà còn làm vẻ vang cho đơn vị. Đó là các tiết mục cá nhân như : HCV tiết mục Tiếng gọi của rừng, HCB tiết mục Nơi ngọn nguồn núi Đợi , HCV tiết mục Tiếng vọng , HCB về sáng tác ca khúc Tiếng gọi Lủng Pảng. Ở cương vị đạo diễn chương trình kiêm chỉ đạo nghệ thuật, Nông Xuân Ái đã cùng với đơn vị đoạt được những giải thưởng cao trong các cuộc thi chuyên nghiệp như HCV chương trình Tiếng gọi của rừng, HCV giải Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc với Chương trình Tiếng vọng núi rừng tại Hội diễn Ca Múa Nhạc CNTQ 2009.

Nếu chỉ nhìn vào bảng thành tích thì không thể hiểu hết tình yêu, sự đam mê và cả những cống hiến trong sáng tạo nghệ thuật của NSND Nông Xuân Ái. Điều đáng ghi nhận hơn cả là với người dân ở vùng núi rừng Việt Bắc và cả nước ai cũng biết đến NSND Nông Xuân Ái và gọi anh là giọng ca hát các làn điệu Tày, Nùng như hát Then, hát Sli lượn hay nhất. Có lẽ vì vậy mà khi Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc biểu diễn ở đâu thì ở đó khán giả cũng đặt câu hỏi có nghệ sĩ Nông Xuân Ái biểu diễn hay không? Và có những ca khúc đã gắn liền với tên tuổi của anh mỗi khi nhà hát biểu diễn ở đâu thì sẽ được khán giả yêu cầu thể hiện như : Đợi nàng, Mời anh lên Cao Bằng, Gặp nhau trong rừng mơ, Tình đất, Ba Bể Pế tiên… Với chất giọng trữ tình, tuyền cảm, từng làn điệu Then được NSND Nông Xuân Ái thổi hồn vào lời hát cho tới tiếng đàn tính thiết tha, ngọt ngào. Qua tiếng đàn và những lời hát, NSND Nông Xuân Ái đã trở thành người bạn tâm giao chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống với những người dân ở vùng núi rừng Việt Bắc, nơi ông gắn bó.

NSND Nông Xuân Ái cùng các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc

Muốn có chương trình hay cần có chỉ đạo nghệ thuật giỏi

Nông Xuân Ái đã kinh qua nhiều chức vụ ở Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc và một trong những vị trí quan trọng xuyên suốt ở đơn vị chính là chỉ đạo nghệ thuật. Chỉ đạo nghệ thuật ở các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật được ví như người soi đèn, giữ lửa, bảo đảm phong cách cho đơn vị nghệ thuật. Không chạy theo xu hướng dàn dựng những chương trình mang tính “câu khách”, từ lâu Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc (Nhà hát CMNDG Việt Bắc) dưới tài chỉ đạo nghệ thuật của NSND Nông Xuân Ái, hiện là Phó giám đốc phụ trách chuyên môn đã luôn khẳng định được vị trí trong đời sống nghệ thuật bằng những chương trình mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Bắc, với những chuyến lưu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân trong nước. Các tiết mục biểu diễn của Nhà hát CMNDG Việt Bắc luôn mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, đậm tính nhân văn sâu sắc, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước và con người Việt Bắc nói riêng, cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.

NSND Nông Xuân Ái chia sẻ: “Để dàn dựng một chương trình nghệ thuật mới luôn là một thách thức đối với Nhà hát. Làm sao để chương trình phải thực sự đậm đà bản sắc dân tộc nhưng cũng phải chắt lọc, nâng cao và phát triển bồi đắp cho nghệ thuật mang hơi thở hiện đại, phù hợp với nhịp sống hôm nay. Chúng tôi luôn xác định rõ đối tượng phục vụ là đồng bào các dân tộc thiểu số, trong quá trình xây dựng chương trình, tiết mục luôn chú trọng đến sự đa dạng, phong phú, nhưng phải phù hợp với trình độ thẩm mỹ và nhu cầu thưởng thức của số đông khán giả nhất là đồng bào các dân tộc vùng núi.

Không chỉ là những làn điệu dân ca, dân vũ vùng Việt Bắc, Tây Bắc, Nhà hát còn xây dựng thêm các tiết mục ca múa nhạc của các dân tộc Tây Nguyên, Chăm, Khmer v.v… Tạo cho khán giả sự cảm nhận đa dạng về vốn nghệ thuật dân gian các dân tộc Việt Nam”. Năm 2018, trong thị trường nghệ thuật ca múa nhạc đầy sôi động của sân khấu Thủ đô thì Mỵ cũng như các chương trình nghệ thuật của Nhà hát muốn khẳng định được vị thế riêng là phải làm sao phải thật sự nổi trội bản sắc văn hóa dân tộc của vùng miền địa phương đó là văn hóa vùng Việt Bắc. Muốn các nhà đầu tư “dòm ngó” đến mình thì sản phẩm nghệ thuật phải thực sự được dàn dựng và diễn xuất thật chuyên nghiệp, tác phẩm vừa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc nhưng cũng không thể lạc hậu. Và muốn vậy sẽ phải mạnh dạn cắt bỏ những gì đã quá cũ kỹ, phát triển, nâng cao những ưu thế nổi trội của văn hóa truyền thống. 

 “Mong sẽ có cơ chế đặc thù để “giải vây” cho nghệ thuật dân tộc”

Những người làm công tác lãnh đạo như chúng tôi đã phải tìm rất nhiều cách để giữ chân những tài năng ở lại với đơn vị. Sức ép của cơ chế thị trường cũng đã tác động rất lớn tới tâm tư, tình cảm của nghệ sĩ Nhà hát CMNDG Việt Bắc nhưng việc khuyến khích và tạo mọi điều kiện để nghệ sĩ trụ lại địa phương. Tuy nhiên, ai cũng biết đồng lương của nghệ sĩ ca múa nhạc dân tộc hiện nay còn rất thấp, nếu không yêu nghề, không đau đáu với nghệ thuật dân tộc thì khó có ai trụ lại được với nghề. Theo quy định của Nhà nước thì các đơn vị không được hợp đồng chuyên môn, hợp đồng lao động, không cho ký hợp đồng thì lấy đâu căn cứ để trả tiền cho lớp diễn viên trẻ hợp đồng? Việc áp dụng cơ chế, chính sách giống như các đối tượng ngành nghề khác trong xã hội đang là những bất cập lớn đối với các đơn vị nghệ thuật dân tộc như chúng tôi.

(NSND NÔNG XUÂN ÁI, Phó giám đốc phụ trách Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc)

 

 THUÝ HIỀN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top