Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Sản phẩm văn hoá- thể thao cho trẻ em: Có “món ăn” nhưng hương vị chưa hấp dẫn

Thứ Hai 28/10/2019 | 10:39 GMT+7

VHO- Đó là nhận định của các Sở, ngành, địa phương trên địa bàn TP.HCM khi bàn về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại buổi Tọa đàm chuyên đề “Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em trong lĩnh vực văn hóa và thể thao” do Sở VHTT TP.HCM phối hợp cùng Sở LĐTBXH tổ chức cuối tuần qua.

Liên hoan Búp mai vàng là một trong số ít hoạt động văn hoá - nghệ thuật dành cho trẻ em chuyên biệt trong dịp Tết

Cũng tại cuộc trao đổi này, nhiều khó khăn, bất cập cùng những trăn trở, tâm tư đã được các đại biểu bày tỏ thẳng thắn.

Công tác gia đình đang bị xem nhẹ

Là người gắn bó với công tác gia đình nhiều năm, bà Huỳnh Hương Thảo, chuyên viên Phòng VHTT quận 8, TP.HCM cho biết, toàn quận hiện có 42 điểm vui chơi, giải trí dành cho trẻ em, 112 điểm tư vấn, tạm lánh hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực trong đó có trẻ em. “Dưới tác động của kinh tế thị trường đã ảnh hưởng đến đời sống nhân dân lao động nghèo tạm trú, nên việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hiện nay chưa tập trung, thiếu đồng bộ giữa các ngành, đoàn thể. Một bộ phận cha mẹ chưa quan tâm, gần gũi chăm sóc con cái; tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại ngày càng nhiều với tính chất ngày càng nghiêm trọng”, bà Thảo nhận định.

Theo bà Thảo, quận 8 là địa phương có nhiều kênh rạch, dân nhập cư đông đã kéo theo một bộ phận trẻ em đi cùng gia đình đến kiếm sống, làm tăng số lượng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chỉ tính riêng trên địa bàn quận, số trẻ em dưới 16 tuổi theo cha mẹ từ các nơi khác đến tạm trú để làm ăn, sinh sống là trên 15.000 trẻ. Tuy nhiên, đội ngũ làm công tác gia đình - phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn rất “mỏng”. Hiện nay kinh phí để tổ chức các lớp tập huấn trong việc chăm sóc trẻ em hầu như không có, do đó chỉ được sử dụng chung kinh phí với hoạt động gia đình, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền và hoạt động chăm sóc trẻ em tại địa phương.

Tại tọa đàm, nhiều đại biểu không khỏi trăn trở và đặt ra nhiều câu hỏi. Đó là tình trạng nghiện game online, nghiện mạng xã hội… đã ảnh hưởng đến việc học tập, đôi khi tác động đến sự hình thành nhân cách trẻ. Liệu chúng ta đã đủ biện pháp an toàn và lành mạnh để bảo vệ, chăm sóc các em trước những thách thức của vấn đề xã hội hiện nay chưa? Chúng ta sẽ làm gì để cùng các em trưởng thành về trí tuệ, hoàn thiện nhân cách trong một cơ thể khỏe mạnh? Ngoài thời gian học tập ở trường, gia đình chính là nơi các em ôn bài, trò chuyện và cùng tham gia các hoạt động với người thân. Nhưng hiện nay, trước những áp lực của bộn bề cuộc sống, cha mẹ thường không có thời gian dành cho con cái…

Ông Trần Thanh Vương, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VHTT TP.HCM cho rằng, các đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là cơ quan quản lý các cấp. “Hiện nay công tác gia đình đang bị xem nhẹ. Hầu hết cán bộ làm công tác gia đình không phải chuyên môn, mà là cán bộ phụ trách công tác khác chuyển qua, trong đó nhiều người không nhận thức đúng ý nghĩa của công tác này”, ông Vương nói. Các đại biểu cũng đề xuất Công an TP.HCM cần xây dựng quy trình xử phạt hành chính về xâm hại trẻ em, bạo lực trẻ em cho cấp quận, huyện, phường, xã, bởi hiện nay khi xảy ra bạo lực, xâm hại trẻ em thì cấp cơ sở còn lúng túng trong việc xử lý hành vi vi phạm, bên cạnh đó các bậc cha mẹ cũng lúng túng trong việc trình báo và giữ nguyên chứng cứ.

Xây dựng hình ảnh thể thao thành một nghề nghiệp đáng mơ ước

Bàn về các hoạt động, sản phẩm văn hóa - nghệ thuật phục vụ trẻ em hiện nay, các đại biểu cho rằng, quá thiếu và không thường xuyên. Theo ông Ngô Y Đan, Phòng Nghệ thuật Sở VHTT TP.HCM, việc sáng tác các tác phẩm giải trí dành cho thiếu nhi quá hạn chế, hiện nay thực hiện chủ yếu theo phương thức đặt hàng, do đó các đơn vị khó khăn trong việc tìm kiếm kịch bản hay để dàn dựng biểu diễn.

“Khi chúng tôi tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép biểu diễn, có rất nhiều trường hợp thiếu nhi nhưng hát ca khúc người lớn, trong đó phổ biến là những bài hát ủy mị, yêu đương đau khổ, thất tình,… Khi chúng tôi giải thích thì họ đã hiểu và có giảm bớt. Chính vì thế mà cần có những định hướng đúng trong việc sáng tác âm nhạc cũng như tổ chức biểu diễn cho thiếu nhi”, ông Đan nói. Một lãnh đạo ngành văn hóa huyện Cần Giờ tâm tư, trong lĩnh vực văn hóa, việc chăm lo cho trẻ em thời gian qua không phải ít, tuy nhiên về hiệu quả chưa như mong muốn, xuất phát từ bản thân chúng ta. “Chúng ta đã làm được món ăn cho các em nhưng hương vị như thế nào thì cần phải xem lại, điều này tôi thấy trăn trở hoài nhưng chưa biết phải nghiên cứu hình thức, nội dung ra sao”, vị này nói. Đại biểu này cũng ví dụ thời gian qua có những chương trình múa rối đến Cần Giờ biểu diễn cho thiếu nhi xem nhưng không hấp dẫn, vì thế mà vừa tập hợp được các em đến xem vài phân cảnh thì các em bỏ về vì nói rằng chương trình cũ quá, đã xem nhiều lần rồi.

Tương tự trong lĩnh vực thể thao, bà Lê Thị Thúy Nga, Trung tâm Thể dục thể thao quận 8 bày tỏ, việc phổ cập bơi trên địa bàn quận gặp khó do không có kinh phí và trong việc liên kết với ngành giáo dục để bố trí thời gian học bơi cho học sinh. Bà Nga cũng nói rằng hiện nay việc lắp đặt các dụng cụ thể dục ngoài trời tại các công viên, khu vực công cộng chưa phát huy được hiệu quả, các dụng cụ này chỉ phù hợp cho đối tượng người cao tuổi, vì thế cần có sự nghiên cứu để bổ sung dụng cụ phù hợp với thiếu nhi…

Theo bà Trần Mai Thúy Hồng, Phó Trưởng phòng Quản lý Thể dục thể thao, Sở VHTT TP.HCM, mặc dù TP có nhiều thiết chế thể thao dành cho trẻ em nhưng sự đầu tư không đồng đều tại các địa phương đã làm ảnh hưởng đến nhu cầu hưởng thụ của thiếu nhi. “Cần có chế độ đặc biệt cho những vận động viên xuất sắc, có kế hoạch sử dụng đầu ra cho lực lượng vận động viên khi kết thúc sự nghiệp thi đấu đỉnh cao. Đặc biệt, cần xây dựng hình ảnh thể thao trở thành một nghề nghiệp đáng mơ ước để định hướng trẻ đến với thể thao từ khi còn bé”, bà Hồng đề nghị. 

 THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top