Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Tháo “điểm nghẽn” để du lịch tăng tốc

Thứ Tư 30/10/2019 | 10:57 GMT+7

VHO- Dù có tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhưng du lịch Việt Nam vẫn đang mắc kẹt ở nhiều “điểm nghẽn” cần sớm được tháo gỡ để ngành kinh tế mũi nhọn tăng tốc mạnh hơn nữa, tạo sức bật cho kinh tế đột phá phát triển nhanh và bền vững.

Cần sớm tháo gỡ những “điểm nghẽn” để du lịch tăng trưởng

Số liệu công bố mới nhất của Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) cho thấy, du lịch Việt Nam đã vượt qua Indonesia, vươn lên đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, tại hội thảo “Đột phá kinh tế từ du lịch” do Báo Thanh Niên vừa tổ chức, nhiều chuyên gia nhận định du lịch nước ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, các chỉ số về du lịch thiếu tính bền vững, thậm chí có xu hướng tụt giảm.

Đi tìm điểm “mắc cạn”

Cho rằng du lịch trong nước đang “mắc cạn” ở đâu đó? Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel nhìn nhận, mặc dù lượng du khách quốc tế đến Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng, nhưng chỉ số chi tiêu của du khách đang có xu hướng giảm do chúng ta chưa có ngành công nghiệp giải trí để du khách rút “hầu bao”. Chất lượng phát triển du lịch nước ta vẫn còn thua nhiều nước trong khu vực, các chỉ số cạnh tranh về du lịch, chất lượng dịch vụ, tổng số việc làm trong ngành du lịch cũng không ổn định. Dù được định hướng là ngành kinh tế mũi nhọn, thế nhưng chính sách ưu tiên phát triển du lịch đang có vấn đề, nhiều nơi thừa chỗ ngủ nhưng lại thiếu chỗ chơi, hiệu quả tiếp thị để thu hút khách chưa cao, nhân lực du lịch thiếu và yếu… Hiện doanh nghiệp du lịch đang thiếu kinh khủng nhân lực qua đào tạo, bất cập hiện nay là đào tạo đại học thì nhiều nhưng đào tạo nghề du lịch quá ít, lực lượng kinh doanh du lịch quá mỏng… Nhìn vào thống kê thì thấy cả nước có vài ngàn doanh nghiệp lữ hành, nhưng số doanh nghiệp đủ sức “đánh nhau” với công ty nước ngoài chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo ông Kỳ, muốn kinh tế đột phá từ du lịch thì phải tính toán lại quy hoạch phát triển du lịch, bản thân ngành du lịch phải thay đổi tư duy, cách làm.

Làm gì để khách rút “hầu bao”?

Nhấn mạnh du lịch mang đến lợi ích phát triển kinh tế - xã hội là khá rõ ràng, tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần có chính sách pháp luật thông thoáng, cách tiếp cận rõ ràng hơn để định hình được nguyên tắc chiến lược giữa phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nói kinh tế mũi nhọn mà thiếu chính sách ưu tiên để tạo động lực thì làm sao mũi nhọn cất cánh được? Theo ông Thiên, du lịch Việt Nam cần làm theo hướng khác biệt và đặc sắc. Không nên chạy theo số lượng du khách mà nên chú trọng vào dịch vụ đẳng cấp để buộc du khách phải rút “hầu bao”, tăng chi tiêu…

Sau ba năm theo đuổi mô hình chợ đêm, ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty Du lịch Ngôi Sao Biển Sài Gòn chia sẻ, kinh tế đêm thực sự là “mỏ vàng” để du lịch đột phá, thế nhưng khi bắt tay vào làm thực tế mới biết không dễ gì đào được “mỏ vàng” này. Ông Sơn cho biết, nếu có hành lang pháp lý tốt, trong ba năm doanh nghiệp này có thể làm được 10 chợ đêm ở nhiều địa phương khác nhau trong cả nước. Tuy nhiên, do thủ tục vướng víu, rườm rà nên trong từng ấy thời gian, doanh nghiệp chỉ đầu tư được năm sản phẩm chợ đêm. Mong mỏi của doanh nghiệp là cần có hành lang pháp lý minh bạch, chính sách thông thoáng để khai thác “mỏ vàng” kinh tế đêm.

Theo tiến sĩ Phạm Trung Lương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, hiện có nhiều “điểm nghẽn” cần được sớm tháo gỡ cho du lịch tăng tốc, đó là điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng du lịch, chính sách thị thực, nguồn lực xúc tiến quảng bá còn hạn chế, chất lượng nhân lực thiếu và yếu, thiếu chính sách liên kết phát triển du lịch… Đề cập đến những dự án du lịch khi triển khai vấp phải sự phản đối của dư luận do những lo ngại ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội, ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch cho rằng cần sớm ban hành bộ tiêu chí về phát triển bền vững để áp vào những dự án du lịch rõ ràng nhằm gỡ nút thắt giữa hai thái cực bảo tồn và phát triển. Đối với các dự án đụng vào tài nguyên văn hóa, môi trường… thì phải hết sức minh bạch. Đây cũng là cách tiếp cận chung của quốc tế hướng đến phát triển bền vững. 

 HOÀNG HẢI

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top