Ô nhiễm không khí tại thủ đô New Delhi trở lại mức nguy hiểm

VHO- Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại thủ đô New Delhi không chỉ là do khí thải của các phương tiện giao thông cá nhân và công cộng, mà còn do hoạt động đốt rơm rạ của nông dân.

Ô nhiễm không khí tại thủ đô New Delhi trở lại mức nguy hiểm - Anh 1

Các phương tiện di chuyển trên đường phố tại New Delhi của Ấn Độ

Tình trạng ô nhiễm không khí tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ tái diễn vào đầu tuần, thời điểm người dân đi làm trở lại sau những ngày nghỉ cuối tuần.

Khói bụi bao trùm khắp thủ đô của nước này.

Theo ghi nhận từ trạm quan trắc được đặt tại Đại sứ quán Mỹ ở New Delhi, chỉ số chất lượng không khí đo vào lúc 13 giờ 30 phút (giờ Việt Nam) ngày 11.11 tại khu vực này ở mức nguy hiểm khi mật độ bụi mịn PM2,5 đo được là 497 microgram/m3, tức là mức mà các hạt bụi mịn này có thể xâm nhập sâu vào phổi.

Tuy nhiên, đây không phải là mức cao nhất khi một số thành phố khác của Ấn Độ, mật độ bụi mịn còn đo được ở mức 700 microgram/m3 khí.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mức an toàn đối với sức khỏe con người là tối đa 25 microgram/m3.

Ông Vivek Chattopadhyay, nhà quản lý cấp cao của Trung tâm Khoa học và môi trường - tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại New Delhi, nhiệt độ thấp cùng với gió yếu đã làm cho không khí trở nên "đặc quánh," khiến khói bụi ô nhiễm không thể bay đi mà tích tụ lại và làm chất lượng không khí xuống thấp.

Để đối phó với tình trạng ô nhiễm, chính quyền thủ đô New Delhi đã phải áp dụng hệ thống chẵn lẻ đối với các phương tiện cá nhân cho tới hết ngày 15.11 tới, tức là ôtô biển số chẵn đi ngày chẵn, biển số lẻ đi ngày lẻ.

Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại thủ đô New Delhi không chỉ là do khí thải của các phương tiện giao thông cá nhân và công cộng, mà còn do hoạt động đốt rơm rạ của nông dân.

Nông dân tại hai bang Punjab và Haryana, khu vực giáp ranh thủ đô New Delhi và được coi là "Vựa lúa Ấn," thường đốt rơm rạ hằng năm để chuẩn bị cho vụ mùa mới.

Khói từ đốt rơm rạ bay lên hòa vào khí thải xe cộ và bụi xây dựng khiến New Delhi trở thành thủ đô ô nhiễm nhất thế giới.

Trước tình trạng này, chính quyền thủ đô New Delhi đã tạm thời cấm các hoạt động xây dựng tại bang, trong khi các trường học cũng tạm ngừng hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định.

Máy lọc không khí cũng được bố trí tại các địa điểm gần đền Taj Mahal, cách thủ đô New Delhi 250km về phía Nam, nhằm làm sạch không khí tại công trình kiến trúc mang tính biểu tượng quốc gia này.

Giới chức thủ đô New Delhi áp dụng cơ chế tham gia giao thông luân phiên theo biển số chẵn-lẻ để giảm số lượng xe tham gia giao thông.

TTXVN
 

Ý kiến bạn đọc