Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

“Đau đầu” tìm cách bảo vệ bản quyền phim

Thứ Sáu 15/11/2019 | 12:18 GMT+7

VHO- Sự kiện thành lập Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam mang đến nhiều kỳ vọng cho các nghệ sĩ điện ảnh, đội ngũ sáng tác phim truyền hình về một viễn cảnh mới, khi vấn đề tác quyền đối với những “đứa con tinh thần” của họ được đảm bảo.

Phim truyền hình ăn khách “Về nhà đi con” xuất hiện tràn lan các trích đoạn và cả các tập phim trên mạng xã hội

Tuy nhiên, ở thời điểm này chính những người trong cuộc cũng thừa nhận, đảm bảo tác quyền phim vẫn đang là vấn đề hết sức... đau đầu.

Đòi bản quyền từ đâu?

NSND Đặng Xuân Hải, Tổng thư ký Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình cho rằng, xâm phạm bản quyền tác giả, tác phẩm và quyền liên quan đang diễn biến phức tạp. Thực tế việc đánh cắp bản quyền tác phẩm phim điện ảnh, truyền hình đang gây tổn hại khó đong đếm cho các tác giả, chủ sở hữu bản quyền, gây thất thoát cho chủ sở hữu tác phẩm. Việc bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm và quyền liên quan vì thế ngày càng trở nên cấp thiết.

Tuy nhiên, nó được bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào, đến thời điểm này vẫn đang là câu hỏi “đau đầu” cho những người đảm nhận trọng trách ngồi “ghế nóng” của tổ chức mới tinh này. Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần khẳng định sự cần thiết ra đời của Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Song ông cũng băn khoăn, hoạt động của Hội thời gian tới không biết sẽ như thế nào. “Tác phẩm âm nhạc, mỹ thuật, hội họa, nhiếp ảnh... thường thuộc sở hữu của một tác giả, nhưng điện ảnh thì có đặc thù khác. Không mấy ai tự bỏ tiền làm phim. Vì vậy, chủ sở hữu tác phẩm thường là một hãng phim hay đài truyền hình chứ không phải là một cá nhân. Xưa nay tôi đã làm nhiều phim nhưng chưa bao giờ có một tác quyền nào. Thậm chí, mượn phim của mình làm để chiếu cho học sinh xem cũng không được. Như vậy, vai trò của từng tác giả sẽ được bảo vệ tác quyền như thế nào...”, đạo diễn Em còn nhớ hay em đã quên bày tỏ.

Ông còn kể, ngoài những phim Nhà nước đặt hàng, ông có làm phim thời “mì ăn liền” và bộ phim được đánh giá thành công cả yếu tố thị trường và nghệ thuật là Em còn nhớ hay em đã quên. “Ngày ấy, việc “chiến đấu” để không bị mất bản quyền với các đơn vị chiếu phim rất kinh khủng. Nhưng cuối cùng cũng bị mất bản quyền phim và không có cách gì đòi được. Dù có đăng ký bản quyền nhưng ai điều tra, ai kiện?”, NSND Nguyễn Hữu Phần nói. Đạo diễn này cũng chia sẻ, trong quá trình ông từng hợp tác làm phim cho nước ngoài nhận thấy rằng, họ có hợp đồng rất rõ ràng về quyền lợi tác giả. Người sáng tạo được gì sau 2 năm, 5 năm, 10 năm đều rõ. NSND Nguyễn Hữu Phần bày tỏ: “Vì thế, tôi cũng đang băn khoăn rằng sau khi có hình hài, Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình sẽ hoạt động như thế nào, đòi quyền lợi ra sao cho các tác giả. Tôi cũng rất kỳ vọng Hội sẽ đảm bảo hoạt động đúng luật, bảo vệ được vấn đề bản quyền cho các hội viên, các tác giả làm phim điện ảnh, truyền hình”.

Tìm luật sư giỏi để bảo vệ tác quyền

Tân Phó Chủ tịch, nghệ sĩ điện ảnh Quyền Linh ngay sau khi ra mắt đã giãi bày, Ban vận động phải chuẩn bị 6-7 năm trời cho việc thành lập Hội. Quyền Linh nhận định, bản quyền là vấn đề nhạy cảm mà rất nhiều nghệ sĩ quan tâm và “đau đầu”, nhiều trường hợp không biết phải giải quyết như thế nào. “Không chỉ có các tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình mà nhiều nghệ sĩ làm phim ngắn hoặc web drama (phim chiếu mạng), chỉ mới đăng trên mạng xã hội, Facebook hoặc Youtube đã bị đánh cắp. Thực tế là có đăng ký tác quyền nhưng vẫn bị xâm phạm, các nghệ sĩ kêu than, bức xúc nhưng ai bảo vệ cho họ, tiền tác quyền lấy ở đâu?... Hơn 6 năm qua, NSND Đặng Xuân Hải đã kết nối các nghệ sĩ từ Bắc vào Nam, chuẩn bị cho việc thành lập Hội. Cuộc ra mắt của Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình quả thật là kết quả của một hành trình rất đỗi gian nan”, nghệ sĩ Quyền Linh tâm sự.

Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình đã ra đời trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, nhiều nghệ sĩ điện ảnh, các nhà sản xuất, hãng phim, đài truyền hình vẫn luôn bức xúc khi không bảo vệ được tác quyền cho tác phẩm mà họ đã phải mất rất nhiều mồ hôi, nước mắt và tâm sức để xây dựng nên. Nhiều tác phẩm bị đánh cắp bản quyền trắng trợn mà người trong cuộc hoang mang, không biết phải làm sao... Nghệ sĩ Quyền Linh cũng chia sẻ: “Khó, nhưng không sao, Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam dù còn non trẻ nhưng sẽ nỗ lực tìm đường đi hiệu quả để có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các nghệ sĩ. Đoạn đường phía trước còn gian nan hơn nhiều những gì mà chúng tôi đã trải qua. Thậm chí, các thành viên còn phải tự bỏ tiền túi cho những hoạt động của Hội với mong muốn bước đầu đây sẽ là điểm tựa tinh thần cho các tác giả. Chúng tôi đều xác định, điện ảnh, truyền hình là ngôi nhà của mình, có sự kiện hay dự án gì thì phải xông vào làm”.

Đạo diễn, NSND Lê Hồng Chương một lần nữa nhấn mạnh sự quan trọng của vấn đề bảo vệ tác quyền phim, đặc biệt trong bối cảnh tác động của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Ông nói: “Chúng ta đang đi cùng với thế giới, có rất nhiều bài học kinh nghiệm về bảo vệ bản quyền phim mà ta có thể học tập. Đây là vấn đề đang được nhiều quốc gia, bao gồm cả những cường quốc điện ảnh đặc biệt quan tâm, nhiều nước đã xác định bảo vệ tác quyền là vấn đề của Nhà nước và Chính phủ. Trong bối cảnh nền công nghiệp điện ảnh ngày càng phát triển, câu chuyện tác quyền luôn luôn đặt ra những bài toán khó”.

“Pháp có những tổ chức lớn về vấn đề bảo vệ bản quyền cho mọi lĩnh vực nghệ thuật, thậm chí, họ có cả đội ngũ để đến các địa chỉ, vào cả các nhà thờ xem những bản nhạc được sử dụng tại đó có đáp ứng vấn đề bản quyền không. Nếu phát hiện vi phạm sẽ dùng chế tài pháp luật phạt rất nặng. Chúng ta cũng phải như vậy, cần phải có hệ thống để phát hiện ra việc xâm phạm bản quyền, từ đó bảo vệ bản quyền cho các tác giả, các tổ chức. Hình thức xử phạt cũng phải rất nghiêm khắc mới có thể giải quyết được vấn đề”, đạo diễn, NSND Lê Hồng Chương nhấn mạnh. 

 Tôi cũng đang băn khoăn rằng sau khi có hình hài, Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình sẽ hoạt động như thế nào, đòi quyền lợi ra sao cho các tác giả. Tôi cũng rất kỳ vọng Hội sẽ đảm bảo hoạt động đúng luật, bảo vệ được vấn đề bản quyền cho các hội viên, các tác giả làm phim điện ảnh, truyền hình.

(NSND NGUYỄN HỮU PHẦN)

 

 Khó, nhưng không sao, Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam dù còn non trẻ nhưng sẽ nỗ lực tìm đường đi hiệu quả để có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các nghệ sĩ. Đoạn đường phía trước còn gian nan hơn nhiều những gì mà chúng tôi đã trải qua.

(Nghệ sĩ QUYỀN LINH)

 

 HOÀNG NGÂN

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top