Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Hàng chục hộ dân ở lưng chừng đèo Cả (Khánh Hòa): Sống trong vùng nguy hiểm

Thứ Sáu 15/11/2019 | 12:29 GMT+7

VHO- Nhiều năm qua, hàng chục hộ dân thôn Đông Bắc (xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) phải sống phập phồng lo sợ dưới chân núi đèo Cả mỗi khi trời mưa, bão. Họ đang rất muốn được di dời đến một nơi ở mới để tránh những tai họa luôn rình rập, thậm chí là chực chờ.

 Một góc khu dân cư dưới chân núi Đèo Cả

Sau 3 ngày phải đi tạm lánh cơn bão số 6 tại nhà người thân, gia đình chị Võ Thị Luyến và anh Trần Văn Nha (thôn Đông Bắc, xã Đại Lãnh) đã trở về căn nhà nằm cheo leo ở lưng chừng núi Đèo Cả.

Nơm nớp nỗi lo sạt lở

Căn nhà cấp 4, rộng 40m2 của gia đình chị là nơi trú ngụ của 5 nhân khẩu từ hơn 12 năm qua. Chị Luyến không giấu được niềm vui khi cơn bão số 6 không đổ bộ vào đất liền và căn nhà của gia đình chị vẫn còn nguyên vẹn.

“Sống ở đây, mỗi lần trời mưa bão, chính quyền địa phương lại lên vận động, yêu cầu chúng tôi rời khỏi nhà. Do trên đỉnh núi có hàng trăm tảng đá lớn nhỏ chực chờ, lo mưa xuống, đất nhão ra sẽ lăn xuống khu dân cư này. Trước đây, khu vực này cũng đã bị sạt lở, đá lăn xuống làm sập mất mấy căn nhà rồi. Biết là sống trong vùng nguy hiểm, nhưng do phần lớn các hộ dân ở đây thuộc hộ nghèo nên cũng không biết phải dời đi đâu sinh sống. Chúng tôi rất mong các cấp, ngành, chính quyền địa phương hỗ trợ, cấp đất tái định cư cho người dân ở những nơi an toàn, ổn định sinh sống, làm ăn”, chị Luyến chia sẻ.

Cạnh nhà chị Luyến là nhà của gia đình chị Đặng Thị Mỹ Ngọc và anh Trần Văn Tắc, nằm chênh vênh bên cạnh một tảng đá khổng lồ. Anh Tắc cho biết năm 2016, sau một trận mưa lớn, toàn bộ khối đất đá trên núi sát vách nhà đã đổ ập xuống trong đêm làm sập mất căn nhà cấp 4 của gia đình. Cả gia đình 3 nhân khẩu không thể chạy thoát ra khỏi nhà và bị vùi lấp trong đống đổ nát. Rất may, khi các tảng đá đổ ập xuống nằm chồng lên nhau tạo thành khoảng trống nên mọi người mới có khe hở để ngoi ra và được người dân xung quanh đến giải cứu. 15 năm sinh sống ở dưới chân núi thì có chừng ấy năm sống trong nỗi lo sạt lở. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên gia đình anh không có điều kiện để chuyển đi nơi khác ở. Năm nào cũng vậy, cứ mỗi khi trời mưa bão, gia đình lại phải di dời về nhà người thân hoặc đến nhà văn hóa, trường học để ở. Giờ đây, hộ nào cũng muốn sớm được hỗ trợ di dời, tái định cư về những nơi an toàn để sinh sống.

 Người dân nơi đây cho biết họ luôn "sống trong sợ hãi"

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn những hộ dân ở khu vực chân núi Đèo Cả có hoàn cảnh khó khăn, sống bằng nghề đi biển, buôn bán nhỏ và làm thuê, làm mướn. Do sống tự phát nên các hộ dân ở đây không được cấp nước mà phải mua lại của một hộ dân khác ở dưới chân núi với giá hơn 100.000 đồng/tháng.

Khó khăn tìm giải pháp di dời

Lãnh đạo xã Đại Lãnh cho biết, hiện trên địa bàn xã có khoảng 60 hộ nằm khu vực triền núi, trong đó có 16 hộ gia đình với gần 50 nhân khẩu có nguy cơ bị sạt lở và 9 trong số đó đã từng bị sạt lở làm sập nhà, gây thiệt hại về tài sản, rất may là chưa có thiệt hại về người. Những hộ gia đình này hầu hết đều tự phát đến đây sinh sống đã khá lâu. Khi tới định cư thì địa phương có lập biên bản và đều có hồ sơ về địa chính, yêu cầu phải di chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên, do việc xử lý chưa triệt để nên các hộ này vẫn bám trụ ở khu vực nguy hiểm. Đặc biệt, mỗi khi có mưa bão, xã buộc phải di dời các hộ dân này xuống nơi an toàn và bố trí lực lượng trực gác bảo vệ.

Ông Trần Huy Định, Bí thư Đảng ủy xã Đại Lãnh cho biết: “Trước mắt để bảo đảm cho người dân khi mưa bão tới, xã tổ chức di dời các hộ này tới nơi an toàn. Sau đợt mua bão này xã hợp đồng với một số người thợ làm đá tới để đục phá các tảng đá lớn có nguy cơ đổ sập khi mưa lũ kéo về, nhằm giảm thiểu một phần nguy hiểm cho các hộ dân nơi đây”. Đồng thời xã cũng lên phương án xin kinh phí cấp trên để xây dựng một tường chắn phía sau nhà các hộ dân, cùng với đó là làm một con đường ngăn cách giữa núi với nhà người dân để bảo đảm an toàn.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài xã rất cần có phương án bền vững hơn để bảo đảm tuyệt đối cho người dân khi mùa mưa bão kéo đến hằng năm. Thế nhưng vấn đề đặt ra là giải quyết thế nào thì đó còn là một bài toán không hề đơn giản. Bởi hiện quỹ đất của địa phương đã không còn để bố trí tái định cư cho các hộ dân này”.

Ông Trần Kim Bảo, Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, các hộ dân này phải di dời đến nơi ở mới để bảo đảm an toàn. Huyện sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT kiến nghị với UBND tỉnh bố trí kinh phí để di dời các hộ này. Đồng thời, huyện cũng yêu cầu xã rà soát lại toàn bộ quỹ đất của địa phương, nếu quỹ đất còn thì có thể tái định cư trong xã, nếu không còn thì sẽ bố trí tái định cư cho các hộ dân sang các xã lân cận. 

 Tại buổi kiểm tra công tác phòng chống bão số 6 tại xã Đại Lãnh, ông Nguyễn Khắc Định, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa chỉ đạo, khu dân cư nằm dưới chân Đèo Cả ở vị trí rất nguy hiểm, nguy cơ xảy ra sạt lở núi, đá lăn. Vì vậy, cần sớm di dời, tái định cư về những nơi an toàn. Nếu trên địa bàn xã hết quỹ đất tái định cư thì có thể nghiên cứu di dời các hộ này về ở những xã lân cận, đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân. Đồng thời, khẩn trương thu gom rác thải sinh hoạt ở khu vực này để bảo đảm vệ sinh môi trường.

 

 NGỌC BẢO CHÂU

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top