Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Để đôi mắt Truyền Nhân được nhìn xa mãi

Thứ Sáu 29/11/2019 | 17:08 GMT+7

VHO- “Sau này anh chết, em hiến tạng của anh giúp người khác, phần nào không hiến được em hãy hỏa táng tro cốt rải xuống sông quê hương”, lời căn dặn của anh Trần Truyền Nhân (32 tuổi) với em trai Trần Truyền Luân (30 tuổi, xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) khởi đầu cho câu chuyện tử tế sau cùng của một đời người.

Đôi mắt Truyền Nhân

“Anh Nhân chạy thận nhân tạo đã 10 năm, hạn kỳ đời người qua bệnh tật thật ngắn ngủi. Nhưng cái chết hóa thành bất tử khi đôi mắt của anh Nhân kịp để lại cho cuộc đời”, anh Trần Truyền Luân đã viết về anh trai trong bài viết “Đôi mắt Truyền Nhân”. Tác phẩm đã đoạt giải nhất cuộc thi viết “Trao tặng yêu thương – Nối dài sự sống” do Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tổ chức.

Trong bài viết, anh Luân cho biết anh trai mình dường như đã cảm nhận chuyến đi cuối cùng của mình và chuẩn bị tâm thế ra đi khi nói nhiều về cái chết và giá trị của sự sống. Ngày 25.9.2019, Luân run sợ khi bác sĩ gọi vào khuyên rút ống thở để anh Nhân ra đi nhẹ nhàng. Trong thời khắc ấy, Luân nhớ đến lời căn dặn của anh trai, đề nghị được hiến giác mạc. Bác sĩ bất ngờ bởi người hiến tạng thường đăng ký từ trước. Lần đầu tiên tại bệnh viện đa khoa Đà Nẵng đón nhận một ca hiến tạng đầy cảm xúc đến vậy.

Hai anh em Truyền Nhân (bên phải) và Truyền Luân

Bác sĩ gọi Luân vào hỏi “Có chắc chắn hay không?”. Luân gật đầu... Ngày 26.9, chuyến xe đưa bác sĩ Trung tâm ghép tạng (Bệnh viện Trung ương Huế) tới bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. Người trực tiếp lấy giác mạc của anh Nhân là bác sĩ trùng tên (khác họ) Nguyễn Thành Nhân chia sẻ rằng: Lúc từ Huế vào Đà Nẵng, bệnh viện cử đi 4 ekip gồm tim, gan, thận và mắt. Khi hỏi ngoài mắt bệnh nhân còn hiến gì nữa không thì nhận được câu trả lời từ Luân: “Có gì hiến được sẽ hiến hết”.

Làm nghề cứu người, bác sĩ Nhân thấy sự tử tế đủ đầy trong câu nói. Nhưng rồi bệnh tật ròng rã 10 năm đã phá hủy nội tạng, anh Nhân chỉ còn duy nhất đôi mắt. “Trước khi mang giác mạc của anh Nhân về Huế, tôi đã hứa với Luân sẽ tìm hai bệnh nhân nặng nhất, họ gần như bị mù để ghép. Chúng tôi phải mang sự tử tế này đi xa”, bác sĩ Nhân nói.

Sau khi trao giác mạc, hơi thở anh Nhân hóa thinh không, bình thản đi về cõi khác. Luân giữ đúng tâm nguyện của anh mình, thân thể được hỏa táng, tro cốt hòa vào dòng sông Trà Khúc quê hương. “Tôi thấy tự hào về cái chết của anh mình. Ở đâu đó, đôi mắt của anh lại sáng trong một hình hài khác. Tôi không mong gặp hai người nhận giác mạc. Tất cả cứ tùy duyên như cách anh tôi lạc quan chống chọi bệnh và thanh thản ra đi”, anh Luân nói.

Lúc nào anh Nhân cũng cảm thấy mang ơn cuộc đời này và chọn cách hiến tạng như lời cảm tạ những người đã giúp đỡ mình. Cái chết của anh Nhân khởi đầu cho một hành trình khác với hai người khác. Trong tang lễ đơn sơ, nhiều người đã nói đến chuyện hiến tạng mà trước đây không được quan tâm. Tôi thấy những người trẻ tìm hiểu hiến tạng, họ rủ nhau đi đăng ký. Những lịch hẹn được đưa ra ngay trước di ảnh của anh Nhân kéo sự tử tế nối dài…

“Tri ân người đã cứu những bệnh nhân mà chúng tôi không thể cứu”

Không chỉ anh Luân mà nhiều người vợ, người mẹ, người con đã nén nỗi đau thương âm dương ly biệt, cùng vượt qua lời đàm tiếu của hàng xóm láng giềng để quyết định hiến mô, tạng người thân ruột thịt của mình sau khi chết não với một toại nguyện là sự ra đi ấy không trở nên vô nghĩa, và nối dài thêm sự sống cho nhiều người bệnh. Họ đã gặp nhau trong chương trình giao lưu nghệ thuật và trao giải cuộc thi viết “Trao tặng yêu thương – nối dài sự sống”.

 Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tri ân các gia có người thân hiến mô, tạng

Tại chương trình, sự xuất hiện của chị Nguyễn Thị Giang (Bắc Giang) làm nhớ lại câu chuyện hiến tạng của anh Ngọ Văn Soái – người đã hiến tạng cách đây không lâu.  Vẫn rưng rưng xúc động chị Giang kể lại, sau một cú ngã khi tham gia giao thông, chồng chị được đưa vào bệnh viện và rơi vào tình trạng chết não dù các bác sĩ nỗ lực điều trị, cứu chữa. Trong nỗi đau xót tột cùng, chị cùng gia đình quyết định hiến một trái tim, một lá gan, hai quả thận, hai giác mạc, 10 gân và ba đoạn mạch máu từ cơ thể người chồng chết não giúp hồi sinh sự sống cho rất nhiều người như một sự xoa dịu vì tin rằng anh vẫn ở đâu đó trong cuộc đời này. Chị chấp nhận chịu điều tiếng bán tạng chồng để bốn người khác được hồi sinh. “Quyết định đó của tôi và gia đình chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình từ anh ấy. Anh ra đi nhưng với chúng tôi, một phần cơ thể của anh vẫn tồn tại và hiện hữu”, chị Giang chia sẻ.

Ngược lại với tâm trạng chị Giang, có lẽ gia đình bé Hà Chi không bao giờ nghĩ sẽ có ngày bé tiếp tục tung tăng, vui vẻ khỏe mạnh như hôm nay bởi bé bị suy tim nặng. Các bác sĩ cho biết bé chỉ có thể sống sót khi được ghép tim. Rồi phép màu đã đến khi có người chết não hiến tim có các chỉ số an toàn với bé tiến hành ghép tim. "Mỗi ngày nhìn con dần trở lại với hoạt động thường ngày, sau ca mổ ghép tim thành công, chúng tôi cũng còn chưa dám tin đó là sự thật. Nếu không có nguồn tạng hiến từ người chết não, không có sự giúp đỡ từ nhiều tấm lòng hảo tâm và đội ngũ y bác sĩ sẽ không có bé Hà Chi của ngày hôm nay. Chúng tôi sinh ra con nhưng chính những tấm lòng thơm thảo ấy đã một lần nữa tái sinh lại con. Gia đình không biết nói gì ngoài lời cảm ơn chân tình nhất”, bố bé Chi tâm sự.

Theo GS.TS, Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, nhờ những tấm gương như anh Ngọ Văn Soái, anh Trần Truyền Nhân, cũng như sự tham gia của công tác vận động, truyền thông, đã truyền tải tới người dân về câu chuyện đầy rung động.  Vì thế, sau sáu năm thành lập cả nước đã có hơn 30.000 người đăng ký hiến tạng sau khi chết não, nhiều ca hiến- ghép tạng đã thành công ngoài mong đợi, nhiều bệnh nhân đã hồi sinh kỳ diệu nhờ có nguồn tạng hiến để thay. Riêng trong năm 2019 đã có 10.000 người đăng ký hiến tạng cho thấy tinh thần hy sinh, cống hiến để nối dài sự sống cho người khác ngày càng được lan tỏa. "Tôi vô cùng cảm động và xin được tri ân với gia đình những người hiến tặng mô, tạng để cứu những người bệnh mà chúng tôi không thể cứu. Tuy nhiên, con số người đăng ký hiến tạng hiện nay so với hơn 90 triệu dân thì vẫn còn ít. Trong khi số người chết não, có thể hiến mô, tạng cứu người lại không nhỏ tại các bệnh viện. Chính vì vậy, cần tuyên truyền để người dân sẽ hiểu thêm kiến thức về hiến, ghép tạng, về chết não, tăng cơ hội cứu sống nhiều người bệnh”, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia nói.

 Cũng tại chương trình, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã công bố và trao 11 giải thưởng cuộc thi viết “Trao tặng yêu thương – Nối dài sự sống” cho các tác gải có bài viết xuất sắc về đề tài hiến tặng mô tạng, cũng như kêu gọi sự ủng hộ cho trẻ em nghèo được có cơ hội ghép tạng. Cuộc thi được phát động từ ngày 22.8 và đã nhận được hơn 100 tác phẩm dự thi viết về hiến tặng mô, tạng, góp phần lan tỏa giá trị nhân văn "Cho đi là còn mãi".

T.LAM – M.TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top