Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Ổn định giá và nguồn cung thịt lợn dịp cuối năm

Thứ Ba 03/12/2019 | 00:18 GMT+7

VHO- Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra ngày 2.12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã đưa ra những giải pháp nhằm bình ổn giá thị trường và nguồn cung thịt lợn vào dịp cuối năm.

Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin một số nội dung về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2019 đã được Chính phủ thảo luận trong phiên họp thường kỳ tháng 11.2019 diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Trong đó, các thành viên Chính phủ cho rằng, giá thịt lợn tăng rất cao, do nguồn cung thiếu hụt (thiếu hụt khoảng 340 nghìn tấn; buôn lậu thịt lợn diễn biến phức tạp) do dịch tả lợn châu Phi (đã tiêu hủy 5,9 triệu con; xuất hiện trục lợi trong hỗ trợ tiêu hủy dịch tả lợn châu Phi).Trước tình hình giá thịt lợn đang ở mức cao và Tết nguyên đán sắp đến, trong họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, các phóng viên đặt câu hỏi về tình trạng cung cầu của mặt hàng này và khả năng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thiệt hại của dịch tả lợn châu Phi ở nước ta đã được giảm đến mức tối thiểu. Cụ thể, từ tháng 6 đến nay, lượng lợn bị tiêu hủy do dịch tả giảm mạnh, trong đó tháng 11 chỉ có 152.000 con bị tiêu hủy, giảm đến 88% so với tháng 5.2019. Đến nay, có 14 tỉnh có trên 85% số xã qua 30 ngày không có dịch, trong khi đó tỉnh đầu tiên phát hiện dịch là Hưng Yên đã hoàn toàn hết dịch. "Đây là điều kiện thuận lợn cho công tác tái đàn để cung cấp thêm thịt lợn ra thị trường", Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh…

Đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành tại phiên họp báo

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã có nhiều văn bản để chỉ đạo về vấn đề tái đàn với hướng an toàn, sử dụng các chế phẩm sinh học để nâng cao sức đề kháng cho lợn. Bên cạnh đó, Bộ cũng xây dựng được 740 vùng an toàn dịch bệnh để có thể chống dịch một cách chủ động. “Trên cả nước hiện nay còn 25 triệu con, với 2,7 triệu lợn nái và 109.000 lợn cụ kỵ, đủ cung cấp lượng giống phục vụ tái đàn cho các địa phương. Ngoài kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi, Bộ NN&PTNT cũng tập trung tái cơ cấu chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển các loại gia súc, gia cầm và thủy sản”, ông Phùng Đức Tiến nói.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến hết 9.2019, có 4,1 triệu tấn thịt đã được cung cấp ra thị trường. Đến hết tháng 10.2019, Bộ NN&PTNT thống kê được thịt gia cầm 13,5% (150.000 tấn), thịt trâu bò tăng 4,2% (6.000 tấn), thủy sản tăng 6,12% với 50.000 tấn tôm và 80.000 tấn cá tra so với cùng kỳ 2018. Bên cạnh đó, các loại thịt dê, cừu và trứng gà cũng tăng với tỷ lệ lớn. Số liệu này cho thấy, tổng sản lượng thực phẩm cung cấp ra thị trường so với năm 2018 đang tăng khoảng 390.000 tấn, vừa thể hiện sự tăng trưởng vừa bù đắp vào sự thiếu hụt của thịt lợn. Bộ NN&PTNT đã làm việc với các địa phương trọng điểm cũng như nhiều công ty lớn để đảm bảo được duy trì xấp xỉ 70.000 đ/kg lợn hơi.

Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số Bộ, ngành về tình hình liên quan đến giá thịt lợn và bình ổn thị trường những tháng còn lại của năm 2019. Theo dự báo, nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm thiếu hụt khoảng 200.000 tấn. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo các cơ quan tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh để giảm thiệt hại. Nhiều địa phương cũng đã chỉ đạo tái đàn có kết quả để cung cấp lợn thịt cho thị trường.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho hay: Chúng tôi luôn coi thịt lợn là những mặt hàng thiết yếu cần phải đảm bảo thị trường, nhất là trong dịp cuối năm và dịp Tết cổ truyền. Vì vậy chúng tôi luôn theo dõi sát thị trường, cung-cầu mặt hàng thịt lợn nói riêng và thực phẩm nói chung nhằm có những tham mưu ổn định thị trường.

10 tháng đầu năm 2019, tổng lượng thịt lợn nhập khẩu là 54.000 tấn. Bộ NN&PTNT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chỉ đạo ngành công thương và các địa phương cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác bình ổn mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết Canh Tý tới đây, đồng thời có kế hoạch cho nhập khẩu thịt lợn từ các quốc gia có hiệp định song phương về xuất, nhập khẩu thịt lợn để cân đối việc thiếu hụt thịt lợn trong nước và đảm bảo hải hoà lợi ích giữa các bên.

“Điều quan trọng nữa là phải kiểm soát nghiêm ngặt, không cho xuất lợn lậu qua biên giới, chủ yếu là đi Trung Quốc trong khi thị trường nội địa đang khan hiếm. Ngoài ra, cần ngăn chặn tình trạng nhập lậu lợn từ Thái Lan và Campuchia, vì không nằm trong 24 quốc gia được phép nhập khẩu thịt lợn vào Việt Nam. Việc nhập lậu thịt lợn không chỉ tiềm ẩn nguy cơ về mất vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn có khả năng lây lan mầm mống dịch tả lợn châu Phi, ảnh hưởng đến đàn lợn trong nước”, Thứ trưởng Bộ Công thương nói.

QUỲNH HOA

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top