Giám đốc không nhận lương

VHO- Trong xưởng in của cựu chiến binh Ngô Xuân Tự (Long Biên, Hà Nội), ngoài tiếng máy chạy đó còn là tiếng nói cười của ông với những đứa “con” của mình. Từ khi rời xa chiến trường, ông Tự không khi nào nghỉ ngơi mà luôn dành thời gian, tâm huyết của mình đi khắp nơi “nhặt” những mảnh đời khó khăn, tạo cho họ công ăn, việc làm.

Giám đốc không nhận lương - Anh 1

 Ông Ngô Xuân Tự cùng những đứa “con” trong xưởng in

Đến với công việc từ thiện từ sau lần nằm viện năm 1995, những ngày tháng trong viện, ông được bà cụ người Phú Thọ giúp đỡ. Trên đường trở về Hà Nội từ chuyến thăm bà cụ, ông bắt gặp một người bị say nắng nhưng không ai giúp đỡ, ông liền đỗ xe gấp xuống giúp rồi đưa vào viện. Tiếp đó, ông lại gặp một cháu bé bị ngã dẫn đến gãy chân, ông liền tức tốc đưa vào bệnh viện để điều trị. Vào đến viện, ông lại dành thời gian của mình để chăm lo cho cháu bé. Qua 2 lần, ông thấy mình như có cái duyên với công việc làm từ thiện.

Xưởng in khang trang là vậy nhưng ít ai biết rằng, để có được nó ông từng phải bán đất, đặt sổ đỏ vay vốn để lập cơ sở dạy cho người gặp khó khăn cái nghề. Khi được hỏi tại sao ông lại hết mình với công việc này đến vậy, ông cười vui vẻ nói: “Người ta hay nói kiếp trước nợ, kiếp này trả, tôi chẳng biết tôi nợ kiếp nào nhưng kiếp này, tôi cứ làm đã”. Điều ý nghĩa hơn khi những sản phẩm được làm ra tại căn xưởng đầy tình thương này lại từ bàn tay của những lao động đã từng “va vấp” , mong muốn được làm lại cuộc đời. Theo ông Tự, nhiều người trong xưởng của ông đã từng lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Có người may mắn được ông đón về từ trại cai nghiện, thậm chí có trường hợp từng phẫn uất với gia đình mà nhảy sông tự vẫn. May sao vớt lên được, ông lại động viên đón về căn nhà chung.

Đáng vui mừng, đến nay, nhiều mảnh đời sau khi đến với ông đã có đồng lương ổn định, phụ giúp được gia đình. Mặc dù phân xưởng có thu nhập từ những kiện hàng làm ra nhưng chưa một ngày ông lấy một đồng lương từ đây. Chẳng hạn, lô hàng được 5 triệu, ông chia đều tất vì đó là mồ hôi, công sức của mọi người. Ông chỉ là người đưa công việc về. Bên cạnh tạo chiếc “cần câu cơm”, ông Tự còn hỗ trợ chỗ ăn ở cho nhiều hoàn cảnh. Với ông, muốn hướng một người đến sự lương thiện, phải coi họ như con cháu trong gia đình để tạo sự gần gũi, vơi đi những mặc cảm trong cuộc sống. “Đúng ra thuê nhà giờ hằng tháng như giá thị trường là 1.500.000 đồng nhưng các cháu ở đây học nghề thì lấy tiền đâu ra nên mình phải tạo sự yên tâm để các cháu lao động cho tốt. Với bữa ăn trưa, tối, tôi đều hỗ trợ mỗi bữa 20.000 đồng. Lúc ốm đau, tôi cũng tự bỏ tiền túi ra để chăm lo cho các cháu”, ông Tự chia sẻ.

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc