Di tích khảo cổ học quốc gia Thành Cha bị "cày xới”:  “Của chung” không ai khóc!

VHO- Gần hai mươi năm qua kể từ ngày được xếp hạng di tích khảo cổ học quốc gia, di tích Thành Cha thuộc thôn An Thành (xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, Bình Định) có lẽ chưa được một ngày quan tâm bảo vệ, chứ chưa dám nói đến việc phát huy giá trị, phục vụ cho công tác nghiên cứu, tham quan...

Di tích khảo cổ học quốc gia Thành Cha bị

 Đất trong khu vực bảo vệ di tích Thành Cha đang được người dân thuê lại từ UBND xã Nhơn Lộc

Đó là một thực tế khiến ai cũng thấy đau xót khi phải chứng kiến những điều “chướng tai gai mắt” bởi những khu vực bảo vệ “bất khả xâm phạm” của di tích này… đang được người dân tự do cày xới để canh tác trồng hoa màu. Cảnh tượng xâm phạm có thể dẫn đến hủy hoại các tầng văn hóa của di tích quan trọng đó cứ lặp đi lặp lại dưới sự “hợp đồng” của chính quyền xã, và gần như chưa ai lên tiếng ngăn chặn, bảo vệ. 
Qua hồ sơ tư liệu, di tích Thành Cha là một trong những thành cổ Chămpa ở Bình Định, được xây dựng và giữ vai trò trung tâm của vùng Vijaya trước khi vương quốc Chămpa dời kinh đô về vùng này vào cuối thế kỷ X đầu thế kỷ XI. Nơi đây từng là trung tâm chính trị, kinh tế của vương quốc Chămpa trong lịch sử. Cuối năm 2003, Thành Cha được xếp hạng di tích cấp quốc gia với loại hình văn hóa khảo cổ. Giá trị là như vậy nhưng nhìn vào hiện trạng không gian, cảnh quan môi trường hiện nay của di tích thì khó lòng chấp nhận được. Khu vực bảo vệ di tích xuất hiện rác thải sinh hoạt do người dân tập kết. Trước khuôn viên bia di tích đang bị lợi dụng thành nơi chứa vật liệu xây dựng… 
Ông Lê Văn Trị, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn An Thành thừa nhận, gần như công tác bảo vệ di tích Thành Cha chưa được các cấp chính quyền quan tâm. Không những vậy, khu vực bảo vệ “bất khả xâm phạm” của di tích Thành Cha còn bị UBND xã sở tại cho người dân thuê để sản xuất. Theo thông tin từ ông Lê Văn Trị được biết, khu vực bảo vệ di tích Thành Cha khoảng 5-6 ha nhưng hiện có trên 100 hộ sản xuất, chủ yếu là trồng hoa màu như cây bắp, mì, mè… 

Di tích khảo cổ học quốc gia Thành Cha bị

 Trước khuôn viên bia di tích đang bị lợi dụng thành nơi chứa vật liệu xây dựng

Ông Bùi Minh Y, một người dân thuê đất sản xuất tại khu vực di tích Thành Cha nói: “Hiện nay tôi đang thuê 8 sào đất của UBND xã để canh tác trồng hoa màu. Tôi đã thuê đất, làm ở khu vực này trên 10 năm rồi, chủ yếu là trồng cây mè và một số cây trồng ngắn ngày khác. Hầu như đất tại khu vực di tích Thành Cha đều được người dân thuê lại từ UBND xã để làm. Vì đây là đất dự phòng nên cứ định kỳ xoay vòng 3 năm thì người dân chúng tôi lại đấu giá thuê đất. Nếu UBND xã ra thông báo không cho sản xuất trên phần đất của di tích Thành Cha nữa thì chúng tôi sẵn sàng dừng lại và bàn giao”, ông Y chia sẻ. 
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Dương Văn Khanh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc khẳng định: “Đất mà người dân đang sản xuất ở khu vực di tích Thành Cha là do UBND xã đang quản lý. Đây là đất dự phòng nên chúng tôi có quyền cho nông dân đấu giá thuê để sản xuất nông nghiệp. Đến nay chưa có một thông báo nào nói về phần đất trong khu vực bảo vệ di tích Thành Cha thuộc Bảo tàng Bình Định quản lý”. Để nắm rõ thông tin về khu vực bảo vệ di tích Thành Cha đang bị xâm hại nghiêm trọng như thế nào, và có hay không chuyện buông lỏng quản lý di tích, chúng tôi liên hệ điện thoại với ông Bùi Tĩnh, Phó Giám đốc Phụ trách Bảo tàng Bình Định. Tuy nhiên, nhiều ngày qua ông Tĩnh từ chối gặp vì đang bận đi cơ sở để kiểm tra. 
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VHTT Bình Định cho biết, “qua phản ánh, Sở sẽ có chỉ đạo để cung cấp đầy đủ tư liệu về di tích Thành Cha cho cơ quan báo chí. Từ đó, có thông tin chính xác để phản ánh việc di tích Thành Cha có bị xâm hại nghiêm trọng hay không”. 

THUẬN NINH 

Ý kiến bạn đọc