Bảo tàng lịch sử quốc gia: Chỉnh trang diện mạo, gia tăng sức hút

VH- Chú trọng đầu tư nâng cấp, đổi mới toàn diện hệ thống trưng bày; tích cực thúc đẩy các kênh quảng bá, giới thiệu hình ảnh ở trong và ngoài nước… là một trong những định hướng chiến lược phát triển của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trong giai đoạn hiện nay. G M T Phát hiện ngôn ngữ Quốc Tế Ngữ Tiếng Ả-rập Tiếng Agiecbaigiăng Tiếng Ai-len Tiếng Aixơlen Tiếng An-ba-ni Tiếng Anh Tiếng Armenia Tiếng Ba Lan Tiếng Ba Tư Tiếng Bantu Tiếng Basque Tiếng Bengali Tiếng Bêlarút Tiếng Bosnia Tiếng Bồ Ðào Nha Tiếng Bungary Tiếng Catalan

Với vị trí là bảo tàng quốc gia đầu hệ, là kho tàng lưu giữ và giới thiệu hàng ngàn hiện vật vô giá về tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, cánh cửa hội nhập và phát triển đang mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra đối với Bảo tàng không ít bài toán khó. Trăn trở tìm hướng đi mới nhằm gia tăng sức hút với đông đảo du khách trong và ngoài nước đang được xác định là mục tiêu hàng đầu của điểm đến đã trở thành thương hiệu này. 

Làm mới để thêm sức hút

TS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chia sẻ: “Tên gọi Bảo tàng Lịch sử Quốc gia từ lâu đã mặc định là một thương hiệu điểm đến hàng đầu ở Thủ đô Hà Nội và cả nước. Số lượng du khách trong nước và quốc tế gia tăng qua từng năm, với những ấn tượng sâu sắc về giá trị của kho tàng hiện vật đang được lưu giữ, trưng bày và giới thiệu tại đây cũng đã cho thấy những nỗ lực liên tục đổi mới của Bảo tàng để đến gần hơn với công chúng…”.

Tuy nhiên, cũng theo người đứng đầu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, do tính chất hàn lâm, khác biệt với những bảo tàng có tính giải trí cao nên lượng khách đến với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng có những đặc thù. Trăn trở trước thực tế này và với mong muốn gia tăng thêm sức thu hút của một bảo tàng quốc gia đầu hệ, trong nhiều năm nay, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã liên tục xây dựng các chiến lược, đề án chỉnh trang diện mạo cũng như nội hàm của các hoạt động. “Cánh cửa hội nhập và phát triển hiện nay không cho phép chúng tôi chấp nhận “đóng khung” với các hình thức, mô hình hoạt động cũ. Luôn luôn chuyển động, luôn luôn đổi mới, trong đó, chú trọng phát triển sức mạnh mềm, hướng đến xây dựng các yếu tố nhận diện để bổ trợ cho nội hàm vô cùng phong phú của kho tàng hiện vật, hình ảnh hiện có chính là một trong những định hướng chiến lược của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trong giai đoạn này…”, ông Nguyễn Văn Cường cho biết.

Bảo tàng lịch sử quốc gia: Chỉnh trang diện mạo, gia tăng sức hút - Anh 1

Hệ thống trưng bày tại Bảo tàng

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL, trong thời gian qua, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã tập trung cao độ vào các công việc cải tạo, nâng cấp cảnh quan, môi trường. Đồng thời, tổ chức sắp xếp, điều chỉnh và nâng cấp các khu dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều đối tượng khách tham quan đến với Bảo tàng. Theo Ban giám đốc, các hoạt động chỉnh trang, làm mới hệ thống trưng bày và không gian cảnh quan, môi trường đã có tác dụng hỗ trợ đặc biệt hiệu quả cho các hoạt động “lõi” là trưng bày, triển lãm, các sự kiện và hoạt động giao lưu văn hóa.

Những cơ sở kinh doanh không phù hợp với tính chất hoạt động cũng đã được Bảo tàng điều chỉnh, loại bỏ. Điển hình như cơ sở kinh doanh Nhà hàng Lan Chín, Museum Garden… “Trong quá trình vận hành và thay đổi, Bảo tàng đã nhận thấy các mô hình hoạt động này không phù hợp và vì vậy đã quyết định loại bỏ để đảm bảo hoạt động cũng như cảnh quan chung của một thiết chế, địa chỉ văn hóa có uy tín. Cùng với đó, Bảo tàng cũng đã tiến hành sắp xếp, bố trí không gian phù hợp để triển khai bổ sung quầy bán đồ lưu niệm phục vụ khách tham quan. Ở đây, chúng tôi sẽ tăng cường quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc tới du khách thông qua những sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng, mang thương hiệu của Bảo tàng …”, Giám đốc Nguyễn Văn Cường cho hay.

Không gian, cảnh quan, diện mạo Bảo tàng trong thời gian qua cũng đã liên tục được chỉnh trang, làm mới. Hệ thống đèn sân vườn được nâng cấp; cảnh quan, sân vườn được bố trí lại hợp lý, tạo mỹ quan phù hợp với không gian chung của Bảo tàng nhằm phục vụ chu đáo, tốt nhất nhu cầu của khách tham quan.

Luôn ý thức về nội hàm cốt lõi nhằm tạo nên thương hiệu cũng như sức thu hút của Bảo tàng đối với hàng triệu du khách trong nước và quốc tế, những năm qua, việc chỉnh trang hệ thống trưng bày cũng là một trong những hoạt động được Bảo tàng chú trọng. Bảo tàng sẽ hoàn tất hồ sơ, đề án thành lập các trung tâm ứng dụng nghiệp vụ, trước mắt sẽ tập trung vào hai lĩnh vực- thế mạnh đứng đầu cả nước của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là Khảo cổ và Tu sửa, Phục chế, bảo quản và giám định tư liệu hiện vật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có đủ điều kiện thực hiện tốt các nhiệm vụ; với đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, trang thiết bị và cơ sở vật chất hiện đại để có thể vươn lên ngang bằng các bảo tàng hiện đại trên thế giới.

Bảo tàng lịch sử quốc gia: Chỉnh trang diện mạo, gia tăng sức hút - Anh 2
 

Phòng khám phá của Bảo tàng

Đa dạng hóa các hình thức trưng bày, quảng bá

Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hiệu quả công tác truyền thông trong giai đoạn hiện nay cũng là mục tiêu trọng tâm của Bảo tàng. Từ nay đến năm 2021, chiến lược truyền thông đã được Bảo tàng xây dựng và hướng đến là: “Khẳng định thương hiệu và chất lượng của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia- một Bảo tàng đầu hệ trong hệ thống bảo tàng Việt Nam”.

Để đạt được mục tiêu này, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Cường chia sẻ, thực sự đây là bài toán khó, đòi hỏi Bảo tàng cần nỗ lực ở nhiều khâu. Trong đó, nền tảng cần được phát huy chính là hiệu quả của công tác trưng bày, hợp tác giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế, giáo dục từ kho tàng hiện vật vô giá về lịch sử, văn hóa của dân tộc mà không một Bảo tàng nào có được. “Chúng tôi ước mong mỗi người dân Việt Nam có ít nhất một lần trong đời đến tham quan bảo tàng. Vấn đề đang được Bảo tàng tính toán, nghiên cứu chính là phát huy nguồn sức mạnh mềm, những thông điệp mang ý nghĩa giáo dục, nhân văn cao từ nguồn tư liệu, hiện vật vô giá đó. Chúng tôi sẽ lên các phương án để gia tăng thêm tính sống động, hấp dẫn của hệ thống trưng bày. Thay vì các trưng bày tĩnh như bây giờ, tại Bảo tàng sẽ áp dụng công nghệ 3D để hỗ trợ du khách có thể xem chi tiết từng hiện vật. Khi đó, chỉ cần ngồi một chỗ, du khách có thể quan sát và theo dõi toàn diện, sống động về những diễn biến của các sự kiện lịch sử như chiến thắng Bạch Đằng, chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh… Công nghệ trực quan 3D chắc chắn sẽ khiến người xem cảm nhận được sinh động, chi tiết hơn những câu chuyện lịch sử đó hơn là bằng cách thức trưng bày và thuyết minh truyền thống như hiện nay”, ông Nguyễn Văn Cường nói.

Một hình thức phổ biến khác đã được áp dụng tại nhiều bảo tàng lớn trên thế giới là hệ thống thuyết minh tự động Audioguide, trong thời gian tới cũng sẽ được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nghiên cứu, áp dụng. Hình thức này sẽ là lời giải lý tưởng cho những thời điểm lượng khách đổ về Bảo tàng đông, dẫn đến quá tải. Chỉ với một chi phí nhỏ, mỗi du khách sẽ có thể được thỏa mãn nhu cầu chiêm ngưỡng, tìm hiểu, nghiên cứu cụ thể đối với từng hiện vật, sự kiện lịch sử được quan tâm.

Cũng theo Giám đốc Bảo tàng, để thực hiện được các chiến lược đề ra, trong năm 2017, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Bảo tàng sẽ tập trung thực hiện công tác quy hoạch, bố trí, sắp xếp cảnh quan, khu vệ sinh, bãi đỗ xe và hệ thống dịch vụ phục vụ du khách. Theo đó, việc sắp xếp, chỉnh trang, nâng cấp các khu dịch vụ nhằm đảm bảo vừa phù hợp với tính chất hoạt động của Bảo tàng, theo thông lệ của Bảo tàng thế giới cũng như tại Việt Nam; vừa có phương án bố trí khoa học, gọn gàng; góp phần nâng cao chất lượng phục vụ.

“Nhu cầu của du khách đến với mỗi bảo tàng hiện nay không chỉ gói gọn trong không gian trưng bày mà còn mở rộng ra khu vực xung quanh. Do đó, Bảo tàng sẽ nghiên cứu để sắp xếp, bố trí không gian tổ chức các khu dịch vụ, giới thiệu, bán đồ lưu niệm phục vụ du khách một cách khoa học. Vị trí khu vực này sẽ được bố trí nằm gọn trong khuôn viên hàng rào của Bảo tàng, đảm bảo có sự kết nối thuận tiện với các khu trưng bày sân vườn cũng như phù hợp với cảnh quan chung…”, lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khẳng định.

Hoàng Vy

Ý kiến bạn đọc