Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Số hóa các tác phẩm mỹ thuật có “căn cước” chống xâm phạm bản quyền

Thứ Tư 28/04/2021 | 23:28 GMT+7

VHO- Sau buổi ra mắt hồi đầu tháng 4 tại TP.Hồ Chí Minh, dự án Cổng trời mới đây đã cùng với VietartNow- sân chơi uy tín của các nghệ sĩ và công chúng yêu mến nghệ thuật tạo hình Việt Nam công bố nội dung hợp tác, số hóa tác phẩm của các họa sĩ bằng ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm góp phần bảo vệ quyền tác giả cho các nghệ sĩ, minh bạch thị trường mỹ thuật vốn nhập nhằng thật- giả bấy lâu.

VietartNow và dự án Cổng trời hợp tác nhằm bảo vệ quyền lợi nghệ sĩ và thị trường mỹ thuật

Buổi công bố chương trình hợp tác cũng đã giới thiệu 3 gallery trên nền tảng số của 3 họa sĩ sáng lập VietartNow: Phạm An Hải, Phạm Hà Hải và Phạm Bình Chương.

Số hóa độc bản tác phẩm mỹ thuật

Người sáng lập dự án Cổng trời, ông Phạm Toàn Thắng chia sẻ, dự án mong muốn và có sứ mệnh mở ra cánh cửa mới, dẫn lối đến thế giới cho văn hóa- nghệ thuật Việt Nam nói chung, mà bắt đầu từ lĩnh vực mỹ thuật.

Trong bối cảnh các phương thức kết nối truyền thống thông qua mạng xã hội, website, triển lãm, rạp chiếu phim... đã không còn bắt kịp yêu cầu ngày càng đa dạng của người dùng; vấn nạn vi phạm bản quyền hoành hành, đại dịch Covid-19  ngăn  tác phẩm nghệ thuật Việt Nam bước ra thế giới và ngược lại, dự án Cổng trời được kỳ vọng sẽ trở thành một địa chỉ giao dịch giữa người mua và người bán thông qua công nghệ và thị trường NFT (Non Fungible Token).

Họa sĩ Phạm Hà Hải chia sẻ về ý tưởng hợp tác 

 “Bằng công nghệ NFT trên nền tảng Kardiachain, các tác phẩm văn hóa vật thể được số hóa và định danh chủ sở hữu, đảm bảo tính độc bản của bản kỹ thuật số tồn tại song song với độc bản ngoài đời thực. Các độc bản kỹ thuật số này có thể tạo thành kho dữ liệu để tương thích với các ứng dụng VRhome, Oculus… giúp người dùng xây dựng được một bộ sưu tập kỹ thuật số/trí tuệ nhân tạo với chi phí tương đối thấp. Đồng thời, vẫn đảm bảo được tính xác thực, minh bạch trong chuyển nhượng giữa các nhà sưu tập. Theo đó, giá trị của độc bản số sẽ tỉ lệ thuận với số lần chuyển nhượng”, ông Phạm Toàn Thắng chia sẻ.

NFT sử dụng công nghệ blockchain (khối chuỗi) để tạo ra một chuỗi mật mã cho một hình ảnh tác phẩm cụ thể, nhằm định danh phiên bản số duy nhất, không thể hủy bỏ hoặc thay đổi mã của các tác phẩm này. Điều này giúp cho hình ảnh tác phẩm NFT là duy nhất trên mạng, nên có thể mua bán, đổi chác như các tác phẩm độc bản bằng vật lý ở đời thực.

Một NFT đại diện bản quyền độc bản cho bất cứ điều gì có thể lưu trữ trong môi trường kỹ thuật số hoặc liên mạng. Ngoài tranh tượng, hiện nay nhiều nơi đã làm NFT cho cổ vật, nhiếp ảnh, âm nhạc, phim tài liệu, phim ca nhạc, một bài thơ, một dòng viết trên Twitter, tranh 3D, sách điện tử...

“Công nghệ NFT sẽ không cho phép bất kỳ ai có thể tạo ra những thay đổi đối với tác phẩm đã được số hóa độc bản từ nó. Bởi vậy, có thể xem đây là một “căn cước”, bảo chứng về tính nguyên bản của tác phẩm mỹ thuật. Họa sĩ và nhà sưu tập có thể hoàn toàn yên tâm, không lo sợ tác phẩm bị xâm phạm bản quyền…”, chủ nhân dự án Cổng trời cho biết.

Cam kết hỗ trợ cho các nghệ sĩ

Họa sĩ Phạm An Hải chia sẻ, VietartNow tin tưởng vào sự hợp tác với Cổng trời sẽ góp phần tạo sự minh bạch cho thị trường mỹ thuật, vốn bị “vấn nạn” tranh nhái, tranh giả hoành hành bấy lâu. Không chỉ bảo vệ bản quyền tác phẩm cho họa sĩ,  việc số hóa độc bản các tác phẩm mỹ thuật cũng mang đến những quyền lợi và niềm tin cho các nhà sưu tập.

Đại diện dự án Cổng trời cam kết  sẽ hỗ trợ vĩnh viễn đối với các họa sĩ để số hóa tác phẩm với ứng dụng NFT

Đặc tính ưu việt mà NFT mang lại là việc đưa tác phẩm nghệ thuật từ đời thực qua Cổng trời bước vào thế giới digital, trở thành tác phẩm kỹ thuật số và tồn tại song song với tác phẩm vật chất. Vì thế, nhà sưu tập sau khi mua bức tranh cụ thể, nếu có nhu cầu sở hữu file NFT có thể thỏa thuận về quyền lợi với họa sĩ, chủ sở hữu tác phẩm.

Cụ thể, thông qua nền tảng của Cổng trời, nhà sưu tập có thể đặt giá mua đối với sản phẩm nghệ thuật. Khi lệnh đặt mua được thực hiện, chủ sở hữu và nghệ sĩ/tác giả sẽ nhận được thông báo từ Cổng trời và xem xét các lệnh đặt mua. Khi mức giá đặt mua phù hợp với yêu cầu của chủ sở hữu và nghệ sĩ, họ sẽ thực hiện bước ký tên xác thực điện tử (mã hóa) thông qua nền tảng của Cổng trời, để kết hợp cùng sản phẩm số tạo thành một NFT. NFT sau khi hình thành sẽ được chuyển giao cho nhà sưu tập và xác thực trên Kardiachain.

Trước trăn trở của VietartNow về việc hỗ trợ các họa sĩ đưa những “đứa con tinh thần” của mình bước vào Cổng trời sẽ chỉ có thể thực hiện trong một thời gian nhất định do tốn kém nhiều chi phí, đại diện dự án cam kết  sẽ hỗ trợ vĩnh viễn đối với các họa sĩ. Cam kết này nhằm thực hiện mong muốn sẽ lưu giữ, quảng bá những tác phẩm nghệ thuật giá trị của nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam tới công chúng trong nước và quốc tế bằng con đường hiện đại, an toàn nhất.

VietartNow từ khi thành lập luôn tạo điều kiện tốt nhất để các họa sĩ có hoạt động sáng tác có chất lượng cao, tuy nhiên việc hỗ trợ là có chọn lọc. Khi bước vào giai đoạn chuyển đổi số, tiêu chí cũng vẫn như vậy. Sự phối hợp giữa VietartNowCổng trời sẽ thực hiện trong một phạm vi đảm bảo sự cởi mở nhưng vẫn có những lựa chọn. Việc trở thành đối tác của Cổng trời thể hiện thái độ của VietartNow trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào quảng bá, bảo vệ bản quyền tác phẩm mỹ thuật”, họa sĩ Phạm Hà Hải, đồng sáng lập VietartNow bộc bạch.

Tranh của họa sĩ Phạm An Hải đã xuất hiện trên nền tảng NFT Việt Nam

Đại diện Cổng trời chia sẻ, thời gian qua chương trình đã chạy demo đối với một số tác phẩm có chủ sở hữu. Tác phẩm được giao dịch ở mức giá cao nhất trong giai đoạn thử nghiệm này là 1000 USD. Tuy nhiên, đây chỉ bước test công nghệ và thử nghiệm trong cộng đồng của dự án.

“Với ứng dụng NFT, chúng tôi có thể đóng vai trò như một trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả trong lĩnh vực mỹ thuật. Bởi dữ liệu NFT rất khác với các lưu trữ kỹ thuật số trước đây, vốn dễ dàng cóp và dán nhiều bản””, ông Phạm Toàn Thẳng khẳng định.

Họa sĩ Đặng Tiến, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hải Phòng hoan nghênh sự hợp tác nhiều triển vọng giữa hai bên. Ông cho rằng, mỹ thuật Việt Nam lâu nay đã quá loay hoay mà vẫn chưa giải quyết được câu chuyện tranh giả, tranh nhái. Điều đó làm giảm uy tín và niềm tin đối với thị trường hội họa trong nước cũng như đối với việc hội nhập. Sự xuất hiện của công nghệ hiện đại NFT mang tính bảo chứng tính chân xác về giá trị, nguồn gốc của tác phẩm sẽ là động lực để giới hội họa và các nhà sưu tập thực sự yên tâm khi sáng tác cũng như sở hữu những tác phẩm mang giá trị cao, cả về nghệ thuật lẫn vật chất.

ANH PHƯƠNG

 

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top