Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật làm công cụ quản lý ngành là rất quan trọng

VHO- Sáng 19.5, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã làm việc với Vụ Pháp chế về công tác 4 tháng đầu năm 2021 và nhiệm vụ 8 tháng cuối năm. Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ, lãnh đạo Văn phòng Bộ VHTTDL.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật làm công cụ quản lý ngành là rất quan trọng - Anh 1

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì buổi làm việc

“Cần phải bổ sung, sửa đổi gì trong quá trình phát triển của ngành; có cần tiếp tục ban hành thêm các luật, nghị định để thực hiện quá trình này không; làm gì để khắc phục tình trạng rất nhiều văn bản pháp luật mà cuối cùng vẫn bỏ sót việc quản lý?”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đặt vấn đề. Trách nhiệm về tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực văn hoá, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch; sự phối hợp với các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thực hiện công tác pháp chế của Bộ theo quy định của pháp luật… cũng được Bộ trưởng đề cập, yêu cầu Vụ Pháp chế nêu rõ.

Tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Thanh Liêm cho biết: “Theo kế hoạch công tác năm 2021 được Bộ trưởng phê duyệt, Vụ Pháp chế được giao 21 đầu nhiệm vụ. Các nhiệm vụ đều được triển khai đúng kế hoạch; một số nhiệm vụ hoàn thành trước thời hạn. Bên cạnh đó, Vụ Pháp chế đã đổi mới phương pháp đôn đốc các đơn vị triển khai xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo đúng chương trình, kế hoạch đã đề ra. Văn bản đôn đốc nêu rõ đầu việc cần hoàn thành theo từng Quý và bước đầu đạt hiệu quả cao”

Năm 2021, Bộ VHTTDL được giao xây dựng 3 dự án Luật, trong đó chủ trì 2 dự án (Luật Điện ảnh, Luật Phòng chống bạo lực gia đình) và phối hợp với Bộ Khoa học công nghệ 1 dự án (Luật Sở hữu trí tuệ); lập đề nghị xây dựng 1 dự án Luật Nghệ thuật biểu diễn và Văn học; xây dựng 6 Nghị định và 13 Thông tư….

4 tháng đầu năm 2021, công tác xây dựng pháp luật được Vụ Pháp chế chú trọng, trong đó có việc tham mưu, tổng hợp, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ năm 2021; chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành 1 Nghị định; trình Bộ trưởng ban hành 1 Thông tư; dự kiến cuối năm 2021 sẽ tiếp tục trình ban hành 2 Nghị định và 2 Thông tư. Vụ chủ trì xây dựng Đề án Hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hoá, gia đình đến năm 2026, định hướng 2030, dự kiến trình lãnh đạo Bộ trong tháng 11.2021.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật làm công cụ quản lý ngành là rất quan trọng - Anh 2

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo tại buổi làm việc

Vụ Pháp chế cũng đã góp ý 42 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ gửi lấy ý kiến, trong đó có 3 Luật, 14 dự thảo Nghị định, 1 dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 3 thoả thuận quốc tế, 21 dự thảo Thông tư của Bộ trưởng, UBND, HĐND các tỉnh, thành phố. “Vụ theo dõi, đeo bám đến khi văn bản được ban hành xem ý kiến góp ý của Bộ mình có được tiếp thu không, tiếp thu có chính xác không”, ông Lê Thanh Liêm nói.

Công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch cũng được Vụ Pháp chế quan tâm, thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện, kiến nghị xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, lỗi thời, không còn phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và hệ thống pháp luật hiện hành. Xây dựng tập hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật gồm toàn bộ các văn bản còn hiệu lực từ năm 2003 đến nay; lập danh mục Điều ước quốc tế từ năm 1945 đến nay… Bên cạnh đó, Vụ Pháp chế đã hoàn thành việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật theo phân công của Tổ công tác Chính phủ để kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sự phát triển và rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về một số lĩnh vực quản lý ngành (nghệ thuật biểu diễn, tiêu chuẩn chức danh Giám đốc, Phó giám đốc Sở VHTTDL, Sở Du lịch….) qua đó tham mưu cho Bộ trưởng ban hành văn bản để bãi bỏ những văn bản không còn phù hợp.

Các công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến giáo dục pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật; pháp điển hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; giám định tư pháp; quản lý xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cũng được Vụ Pháp chế thực hiện với tinh thần trách nhiệm, phân công rõ ràng trách nhiệm trong tập thể lãnh đạo, các đầu mối theo dõi, xử lý các nhiệm vụ chuyên môn.

Trong đó, Vụ trưởng Lê Thanh Liêm cho rằng, ngoài việc xây dựng pháp luật tốt, việc thực thi pháp luật cũng rất quan trọng. Vụ Pháp chế thời gian qua đã tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện việc nắm bắt thông tin trong việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực văn hoá, thể thao và du  lịch qua nhiều kênh (phản ánh của các Sở quản lý tại các địa phương, các tổ chức, cá nhân, báo chí, mạng xã hội…), từ đó giải đáp, tháo gỡ vướng mắc, kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện pháp luật. Năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm của công tác này là theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo. Bên cạnh đó, Vụ sẽ làm đầu mối tổng hợp việc tổng kết, thi hành một số Nghị quyết của Đảng, Luật, Nghị định theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành có liên quan.

Để tăng cường thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình, Vụ Pháp chế đã đề ra 5 nhóm giải pháp, trong đó, giải pháp có thể làm ngay được là mỗi văn bản ban hành đều phải có kế hoạch thực thi cụ thể, giao nhiệm vụ, gắn với trách nhiệm các đơn vị, cá nhân.

Hiện nay, có 4 lĩnh vực của Bộ VHTTDL chưa có Luật điều chỉnh: Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm, Văn học và văn hoá cơ sở... Trong khi đó, phải có luật mới đảm bảo thực tiễn cuộc sống, ban hành chính sách, hoàn chỉnh luật là nhiệm vụ chính thời gian tới cần quan tâm, thực hiện. Hoặc có những luật đã thực hiện hơn 10 năm nay như Luật Di sản văn hoá cần có những sửa đổi cho phù hợp với thực tế cuộc sống và sự phát triển xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật làm công cụ quản lý ngành là rất quan trọng - Anh 3

Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ đánh giá Vụ Pháp chế đã thực hiện rất bài bản các nhiệm vụ được giao

Vụ trưởng Lê Thanh Liêm bày tỏ những trăn trở về việc Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước có một nhiệm vụ là “xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh” nhưng đến giờ vẫn chưa có luật nào quy định về môi trường văn hoá.

Đánh giá cao kết quả hoạt động của Vụ Pháp chế thời gian qua, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho rằng Vụ Pháp chế đã thực hiện rất bài bản các nhiệm vụ được giao, tinh thần trách nhiệm và tính đoàn kết cao. Trong khi đó, có những lĩnh vực, lãnh đạo các đơn vị chưa thực sự quan tâm hoặc né tránh trách nhiệm, gây chậm trễ trong công việc. Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực mình phụ trách và hạn chế chạy theo sự vụ. Vụ Pháp chế, đơn vị đầu mối về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ cần đánh giá và chỉ rõ những việc đã làm được, việc chưa làm được, sự phối hợp của các đơn vị… để tháo gỡ khó khăn vướng mắc; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển đất nước 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 – 2025 nên Bộ VHTTDL phải nỗ lực rất lớn, có quyết tâm cao, hành động thực sự quyết liệt mới có thể hoàn thành khối lượng công việc lớn mà Đảng và Nhà nước giao. Trong đó, công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật làm công cụ quản lý ngành là rất quan trọng. Đặt trong mối quan hệ hoàn thiện công cụ pháp luật không chỉ là quản lý mà còn tạo động lực cho sự phát triển”.

Đồng tình với những nhận định, đánh giá kết quả mà Vụ Pháp chế đã thực hiện và đạt được từ đầu năm đến nay, Bộ trưởng cho rằng Vụ Pháp chế hiện nay có bộ máy tinh và gọn, có nhiệt huyết, có kế hoạch bài bản, có tinh thần trách nhiệm cao. Tuy nhiên, để hoàn thành khối công việc lớn, cần có những chính sách để thu hút người tài về đầu quân cho Vụ Pháp chế.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật làm công cụ quản lý ngành là rất quan trọng - Anh 4

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Thanh Liêm cho biết năm 2021 Vụ được giao 21 đầu nhiệm vụ và đang hoàn thành đúng tiến độ

Bộ trưởng cho rằng, thời gian qua, Vụ Pháp chế phụ thuộc khá nhiều vào đề xuất của các đơn vị trực thuộc Bộ mà chưa thực hiện tốt vai trò dẫn dắt, định hướng, tư vấn, tham mưu cho Bộ trưởng. Có những việc, có chủ trương, có đường lối rồi thì phải thể chế hoá đường lối và chủ trương ấy. Nghị quyết 33-NQ/TW chỉ rõ nhiệm vụ về xây dựng môi trường văn hoá nhưng thực tế chưa có văn bản nào để thể chế hoá. Thời gian tới, cần phát huy mạnh mẽ sức mạnh của tập thể lãnh đạo Bộ để định hướng về xây dựng pháp luật.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu Vụ Pháp chế khẩn trương trình tập thể Ban cán sự Đảng “Đề án tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch giai đoạn 2021- 2026, định hướng 2030”. Trong đó chỉ rõ những điểm cần làm mới, bổ sung, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và có lộ trình thực hiện.

Xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhiệm kỳ này là xây dựng môi trường văn hoá, đời sống văn hoá, Bộ trưởng yêu cầu tập trung xây dựng môi trường văn hoá, đời sống văn hoá tập trung vào địa bàn các khu dân cư, đơn vị, cơ quan. “Khi và chỉ khi định hình được mô hình văn hoá ở các khu dân cư, các cơ quan, đơn vị mới có thể làm nổi bật được ý chí, tinh thần của Bộ VHTTDL, thay đổi cách nhìn của xã hội với văn hoá, văn hoá mới có thể trở thành động lực phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói. Bộ VHTTDL sẽ làm điểm trong việc xây dựng môi trường văn hoá, văn hoá nơi công sở.

Công tác phổ biến pháp luật đến công chức, viên chức, người lao động của ngành VHTTDL cũng phải được tăng cường, ở đó, người của ngành phải hiểu luật, nắm chắc những quy định của ngành mình. “Cần tăng cường kiểm tra việc thực thi pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, tối thiểu 1 năm kiểm tra được 10 đơn vị và chỉ rõ thực hiện nào, chấn chỉnh ra sao, vướng mắc chỗ nào… Định kỳ Ngày Pháp luật Việt Nam (9.11) tổ chức hội nghị hoặc quy mô ngày hội phù hợp trong phạm vi của Bộ VHTTDL để việc tổ chức công tác xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật được thực hiện tốt nhất, hiệu quả nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo.

THUÝ HÀ; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc