Đảm bảo phòng dịch nhưng không đình trệ sản xuất

VHO- Đến nay Bắc Ninh đã có 524 bệnh nhân Covid-19, TP Bắc Ninh đã thực hiện giãn cách xã hội, các chốt kiểm soát được lập ra khắp các cửa ngõ để giám sát người qua lại. Trong số bệnh nhân có nhiều trường hợp là công nhân, người lao động tại các KCN, doanh nghiệp.

Đảm bảo phòng dịch nhưng không đình trệ sản xuất - Anh 1

 Nhà ăn giãn cách, có vách ngăn tại Công ty Goertek Vina

Tuy vậy, song song với việc phòng, chống dịch, Bắc Ninh đang triển khai những biện pháp đảm bảo an toàn cho những công ty, nhà máy, khu công nghiệp chưa có ca bệnh để việc sản xuất, kinh doanh không bị đình trệ, đứt gãy.

Lập các tổ phòng, chống dịch “cắm chốt” ở KCN

Hiện nay Sở Y tế Bắc Ninh đã phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh, Sở LĐ,TB&XH và các địa phương rà soát, truy vết thần tốc các trường hợp F1, F2, F3 liên quan đến các ca mắc Covid-19 tại Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công ty TNHH JOHNSON, Công ty Samsung Electronic Việt Nam, thực hiện cách ly, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, Công ty Samsung vừa có văn bản đề nghị giải quyết việc di chuyển cho gần 2.000 công nhân của Bắc Giang nhưng không ở vùng dịch đến làm việc tại Công ty Samsung. Để doanh nghiệp không bị “đứt gãy” sản xuất, tỉnh đưa ra giải pháp với nhóm công nhân ở Bắc Giang nhưng không ở vùng dịch khi sang Bắc Ninh làm việc thì phải xét nghiệm, kết quả 2 lần âm tính sẽ được ở lại làm việc tại Công ty Samsung. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải quản lý lịch trình làm việc, đi lại theo quy trình khép kín và thực hiện xét nghiệm 2-3 ngày/lần. Còn tại mỗi doanh nghiệp đều phải có những biện pháp phòng, chống dịch chặt chẽ. Theo lãnh đạo Công ty Goertek Vina, hiện tại giải pháp phòng, chống dịch tốt nhất là siết chặt quản lý lao động, bảo đảm khoảng cách an toàn. Công nhân thực hiện giãn cách ngay từ lối vào, ra Công ty; lối đi tại các phân xưởng được phân luồng riêng biệt; khu vực nhà ăn được làm vách ngăn giọt bắn, vị trí ngồi ăn đánh số so le… Công ty cũng bố trí khu vực cách ly tạm thời với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt và lên phương án di chuyển phù hợp.

Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu công nhân chấp hành nghiêm khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế, Công ty AAC Technologies Việt Nam thực hiện nghiêm việc quản lý, chia nhỏ số lượng công nhân trong các ca làm việc để giữ khoảng cách an toàn. Các bộ phận công cộng như căng tin, nhà ăn được lắp đặt vách ngăn. Công nhân được bố trí ăn theo ca, xếp hàng vào nhà ăn bảo đảm khoảng cách 2m theo quy trình một đầu vào, một đầu ra… Liên quan đến vấn đề phòng, chống dịch trong các KCN, ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ phận thường trực Bộ Y tế) tại đây cho biết, các chuyên gia đã tổ chức tập huấn qua điểm cầu trực tiếp cho 100% các KCN. Đề nghị các KCN Bắc Giang cung cấp danh sách của từng công nhân theo công xưởng sản xuất, điện thoại, địa chỉ rõ ràng, cụ thể để sẵn sàng phục vụ quản lý truy vết. “Hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang cần cung cấp thông tin cho nhau về các ca F0 để điều tra, truy vết vì có ghi nhận công nhân di chuyển qua lại giữa các tỉnh. Đặc biệt, tỉnh phải tổ chức các đoàn đi đánh giá, kiểm tra các doanh nghiệp, lập biên bản báo cáo UBND tỉnh để dừng các doanh nghiệp không chấp hành, không đủ điều kiện”, ông Nam nói.

Ông Nam cũng cho rằng, tỉnh Bắc Ninh cần lên kế hoạch cho các doanh nghiệp vừa chống dịch hiệu quả, vừa tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh với những doanh nghiệp đảm bảo công tác y tế, thực hiện xét nghiệm một cách hợp lý với chi phí cho doanh nghiệp chi trả, đồng thời lập các tổ cắm chốt tại các KCN để đôn đốc, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện quy định phòng chống dịch.

Chủ động, sáng tạo trong phòng chống dịch tại các KCN

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 680/CĐ-TTg về việc bảo đảm an toàn Covid-19 trong các khu công nghiệp. Công điện nêu rõ, cả nước hiện có khoảng 70.000 nhà máy và trên 300 khu công nghiệp tập trung đang hoạt động, nguy cơ dịch bùng phát ở các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp là rất lớn.

Để tập trung phòng chống, dập dịch hiệu quả, có phương án đảm bảo hoạt động tránh đứt gãy chuỗi sản xuất tại các khu công nghiệp, nhất là của các tập đoàn lớn, đa quốc gia, ảnh hưởng đến kinh tế địa phương và cả nước, đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác, tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm, quyết liệt chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp và những người liên quan (người cung cấp, vận chuyển vật tư, hàng hóa, suất ăn…); xử phạt nghiêm các trường hợp không khai báo, khai báo không trung thực. Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn việc cách ly, xét nghiệm đối với người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp phù hợp với đặc điểm của từng khu vực và diễn biến tình hình dịch bệnh để nếu có tình huống dịch xâm nhập, có thể duy trì hoặc sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản 120/TB-VPCP ngày 24.5 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo trực tuyến với các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu 2 tỉnh này phân loại các trường hợp F1 để thực hiện cách ly, xét nghiệm phù hợp, có kế hoạch đưa từng phần, từng bộ phận của nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp trở lại hoạt động an toàn, sớm nhất; đặc biệt là các doanh nghiệp trong các chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn. Chỉ đạo các nhà máy, xí nghiệp xây dựng phương án tổ chức sản xuất trong tình hình dịch còn kéo dài; xây dựng hệ thống quản lý đến từng cá nhân trong khu công nghiệp; thực hiện phân chia, ưu tiên các nhóm doanh nghiệp trong khu công nghiệp, đồng thời áp dụng giãn cách theo từng thời điểm. Đồng thời, tăng cường quản lý người lao động về địa phương, nhất là từ các tỉnh đang có dịch.

Bộ Y tế khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn việc cách ly y tế linh hoạt, thực hiện xét nghiệm đối với các trường hợp F1, trước mắt là đối với hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang để hai tỉnh thí điểm việc tổ chức đi làm trở lại theo từng vùng, từng ca, từng phân xưởng, dây chuyền sản xuất…

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ)

 QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc