Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Thể thao Việt Nam với đấu trường Olympic (Bài cuối): Đầu tư chuyên biệt

Thứ Hai 28/06/2021 | 10:20 GMT+7

VHO- Theo TS Huỳnh Trí Thiện, ngành quản lý thể thao Trường đại học Chulalongkorn Thái Lan, so với các nước khu vực ASEAN, thể thao Việt Nam mặc dù hội nhập muộn hơn nhưng hiện đã nằm trong 4 nước vinh dự đoạt HCV Olympic danh giá gồm Thái Lan (9 HCV), Indonesia (7 HCV), Singapore (1 HCV) và Việt Nam (1 HCV).

 Taekwondo là môn đầu tiên mang về huy chương Olympic cho thể thao Việt Nam Ảnh: QUÝ LƯỢNG 

Điều này cho thấy để có được một chiếc HCV Olympic phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, cả khách quan lẫn chủ quan chứ tiềm lực kinh tế hay ý chí quốc gia vẫn là chưa đủ. 
Nhìn sang nước bạn 
Cũng theo tiến sĩ Thiện, mỗi nước sẽ có một cách làm riêng dựa vào nền kinh tế, đối ngoại và điểm mạnh của những môn thể thao ở nước đó. Nhưng nếu nhìn vào nước láng giềng như Thái Lan, gần như có HCV liên tục từ Olympic Atlanta 1996 đến Rio de Janeiro 2016 (trừ Olympic London 2012) thì có ba điểm nổi bật. Thứ nhất, Thái Lan có lộ trình đăng cai các đại hội thể thao lớn trong khu vực và châu lục cũng như những giải đấu tuyển chọn và tích điểm để tạo cơ hội tốt nhất cho VĐV Thái Lan tích lũy điểm và phát triển chuyên môn. Thứ hai, Chính phủ Thái Lan, Bộ Du lịch và Thể thao cùng Tổng cục Thể thao Thái Lan tích cực xây dựng chính sách, hay nguồn tài chính hỗ trợ cho thể thao thành tích cao, hoặc vận động các tập đoàn kinh tế lớn bảo trợ cho các Liên đoàn thể thao trọng điểm có tiềm năng mang huy chương Olympic về cho Thái Lan. Thứ ba, Thái Lan luôn có chiến lược phát triển nguồn nhân lực thể thao bao gồm đưa chuyên gia về phát triển phong trào; nâng cao chuyên môn cho lực lượng quản lý, trọng tài, HLV và VĐV; cử người tham gia các liên đoàn châu lục và thế giới để xây dựng mối quan hệ, tạo ảnh hưởng và tận dụng tối ưu các quyền lợi cho thể thao. 
Để chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020, ngành thể thao Thái Lan đã được duyệt kế hoạch ngân sách vào khoảng 500 triệu baht (khoảng 375 tỉ đồng) cho 4 năm nhằm mục đích phát triển VĐV ở tất cả các môn thể thao, đặc biệt là các đội tuyển quốc gia tại SEA Games và Asian Games, giúp họ giành được điểm để vượt qua vòng loại Olympic Tokyo 2020. Đó là chưa tính ngân sách hằng năm dành cho các bộ môn thể thao. Bên cạnh mức thưởng và ngân sách cho thể thao của Chính phủ thì mỗi Liên đoàn thể thao cũng có những nhà tài trợ riêng. 
Ngoài Cử tạ, Boxing và Taekwondo, từng có huy chương Olympic, những môn thể thao khác có trình độ tiếp cận huy chương Olympic cũng được Chính phủ Thái Lan và các Liên đoàn lên kế hoạch đặc biệt cho kỳ Olympic Tokyo 2020 này. Đơn cử như ở môn Cầu lông, Thái Lan đang hy vọng vào những tay vợt như đơn nữ Ratchanok Intanon và Busanan Ongbamrungphan, đôi nữ Jongkolphan Kititharakul/Rawinda Prajongjai hay đôi nam - nữ Dechapol Puavaranukroh/Sapsiree Taerattanachai. Để tăng cường cơ hội cọ xát cũng như tích luỹ kinh nghiệm trong giai đoạn dịch Covid-19, Liên đoàn Cầu lông Thái Lan đã đăng cai liên tiếp 3 giải đấu là Yonex Thái Lan Open, Toyota Thái Lan Open và VCK Giải đấu thế giới HSBC BWF. 
Cần đầu tư chuyên biệt 
Từ kinh nghiệm của thể thao Thái Lan, TS Huỳnh Trí Thiện cho rằng thể thao Việt Nam nên nghiên cứu một cách có hệ thống thành tích của các VĐV ở các môn để phân loại được nhóm môn có khả năng giành huy chương và nhóm môn có khả năng tham gia Olympic, để có chiến lược đầu tư toàn diện, chuyên biệt. Chúng ta cần có những cơ chế, chính sách và tài chính đối với việc thúc đẩy thể thao và chuẩn bị cho các VĐV tham gia thi đấu quốc tế, nhất là Olympic. Bên cạnh đó, việc đào tạo VĐV ở những môn thể thao trọng điểm rất cần sự hỗ trợ tài chính từ các nhà tài trợ để VĐV có được quá trình chuẩn bị tốt nhất, có thể thi đấu thành công trước những VĐV giỏi nhất từ các quốc gia khác. 
Theo Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn, hiện nay chúng ta có 3 môn đã giành huy chương Olympic là Bắn súng, Cử tạ và Taekwondo. Trong đó Taekwondo là môn võ đối kháng, cần đầu tư vào các hạng cân nhỏ. Bên cạnh đó chúng ta cần đánh giá, tìm kiếm tài năng của những môn thể thao phù hợp với hình thái, tố chất thể lực, tâm lý, ý chí người Việt Nam để đầu tư một cách chuyên biệt, đảm bảo đầy đủ các điều kiện để đạt thành tích tại Olympic như Bắn súng, Cử tạ, Taekwondo và Bắn cung... 
Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I, Uỷ ban TDTT (nay là Tổng cục TDTT) Nguyễn Hồng Minh cũng bày tỏ lo ngại bởi thực tế cho thấy thành tích của các VĐV chuẩn bị dự Olympic, là niềm hy vọng giành huy chương không còn duy trì được thành tích ở mức cao. Ông Minh cũng cho rằng đã đến lúc chúng ta cần đánh giá và tính toán cụ thể về mục tiêu ở Asian Games và Olympic xem vị trí của những đấu trường này được đặt ở đâu, để có sự đầu tư cho tương xứng. Nếu chúng ta làm quyết liệt thì cũng phải mất 5-10 năm nữa mới có thể gặt hái được thành công, chứ không thể đốt cháy giai đoạn. 
Giới chuyên môn cũng cho rằng, thể thao Việt Nam muốn hướng tới mục tiêu giành huy chương tại đấu trường Olympic thì cần sự đầu tư tương xứng và bài bản. Trong số các môn thể thao hiện nay, ngoại trừ bóng đá có sự phát triển mạnh mẽ về phong trào, có nhiều lò đào tạo tại các địa phương, các môn khác đều khó khăn ngay từ khâu tuyển chọn. Từ lúc tuyển chọn được tài năng đến khi tài năng nở rộ lại cần một quá trình đầu tư bài bản, toàn diện và chuyên sâu, mới mong kiếm được huy chương, nhất là HCV ở các đấu trường châu lục và thế giới. Quá trình huấn luyện từ khi còn là tài năng trẻ lại đòi hỏi một môi trường tập luyện đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, việc áp dụng khoa học công nghệ vào huấn luyện, khoa học về dinh dưỡng, y học TDTT, phục hồi… 
Trong những năm gần đây chúng ta cũng đã có một số chế độ chính sách ưu đãi với các VĐV trọng điểm, như tăng chế độ tiền công, tiền ăn, dinh dưỡng cho các tài năng. Tại các Trung tâm HLTTQG ở Hà Nội hay TP.HCM, những tài năng đặc biệt cũng được sắp xếp ngồi ăn riêng theo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, để có thể sở hữu huy chương Olympic lại cần một chiến lược bài bản, cụ thể, khoa học với những ưu đãi về chế độ cho các tài năng đặc biệt. 

  Chúng ta cần đánh giá, tìm kiếm tài năng của những môn thể thao phù hợp với hình thái, tố chất thể lực, tâm lý, ý chí người Việt Nam để đầu tư một cách chuyên biệt, đảm bảo đầy đủ các điều kiện để đạt thành tích tại Olympic. 
(Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT TRẦN ĐỨC PHẤN) 

THU SÂM
 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top