Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Có thể phải mất hàng chục năm mới khôi phục lại du lịch

Thứ Sáu 09/07/2021 | 10:40 GMT+7

VHO- “Ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nhiều kế hoạch, sự kiện xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch của các địa phương đã tạm hoãn, chuyển thời gian tổ chức. Hoạt động du lịch nội địa tại nhiều tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm vẫn cầm chừng, doanh thu du lịch sụt giảm mạnh”.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết khi nói về hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm nay tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, vừa diễn ra tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Thị trường quốc tế gần như bằng 0

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết thêm, “dịch bệnh Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực, gây tổn thất nặng nề cho ngành Du lịch. Hoạt động của doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp du lịch đã phải đóng cửa, thu hồi giấy phép kinh doanh, nguồn lực về tài chính đối với doanh nghiệp du lịch hiện nay là thách thức lớn”.

Trong tháng 3, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa, giới thiệu điểm đến, nhưng đợt bùng phát dịch thứ 4 đã khiến lượng khách du lịch nội địa và doanh thu giảm trầm trọng. Theo báo cáo từ các doanh nghiệp và địa phương, khoảng 20% cơ sở lưu trú trên cả nước phải đóng cửa, gần 35% cơ sở lưu trú đang hoạt động cầm chừng. Doanh thu của các điểm tham quan, vui chơi giải trí giảm khoảng 60%. Một lực lượng không nhỏ lao động chất lượng cao dịch chuyển sang ngành nghề khác, ước tính phải mất hàng chục năm nữa mới có thể khôi phục lại như năm 2019. Hơn 1 năm nay, Việt Nam vẫn chưa mở cửa đón khách quốc tế, lượng khách quốc tế gần như bằng 0, toàn ngành trông chờ vào thị trường nội địa. Sáu tháng đầu năm nay, khách nội địa đạt 30,5 triệu lượt khách, trong đó có 15,8 triệu khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch 6 tháng đầu năm đạt 134.000 tỉ đồng, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp và người lao động trong ngành, Tổng cục Du lịch đã nhiều lần tham mưu, đề xuất tới cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động du lịch khắc phục khó khăn như: giảm phí thẩm định cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch; hỗ trợ một lần đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… Bên cạnh nỗ lực thúc đẩy khai thác, phục vụ thị trường du lịch trong nước, ngay từ trong năm 2020, Tổng cục Du lịch đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, chuẩn bị các phương án sẵn sàng đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép, đồng thời thường xuyên điều chỉnh, cập nhật theo tình hình thực tế.

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 07 hồi tháng 6.2021, trong đó có nội dung đồng ý cho nghiên cứu thí điểm sử dụng hộ chiếu vắcxin đối với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ VHTTDL xây dựng phương án, kế hoạch, quy trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, báo cáo Thủ tướng trong tháng 7.2021.

 Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, phải mất rất lâu nữa du lịch mới có thể phục hồi

Tăng cường kết nối với địa phương để khôi phục và phát triển du lịch

Sáu tháng đầu năm nay, Tổng cục Du lịch đã tập trung xây dựng các văn bản, đề án như: Nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng dự thảo Nghị định về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia; xây dựng đề án Mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm; xây dựng Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025...

Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 cho các doanh nghiệp và khách du lịch; xây dựng, đề xuất tổ chức chương trình đánh giá, xếp hạng điểm đến du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn; hướng dẫn địa phương triển khai Bộ tiêu chí đánh giá điểm đến. Một nội dung nữa là Tổng cục Du lịch phối hợp triển khai hoạt động liên quan đến phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh việc triển khai công tác quản lý trên nhiều lĩnh vực, hợp tác quốc tế, truyền thông và chuyển đổi số trong du lịch tiếp tục được tập trung đẩy mạnh. Hình ảnh Du lịch Việt Nam thời gian này được truyền thông mạnh mẽ trên các nền tảng số. Xây dựng bản đồ số du lịch Việt Nam an toàn tích hợp vào ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”, thực hiện liên thông, kết nối dữ liệu y tế về bệnh viện an toàn, phòng khám an toàn và tìm kiếm tọa độ cho hệ thống cơ sở dữ liệu trên bản đồ…

Trong 6 tháng cuối năm, Tổng cục Du lịch đã đề ra 15 nhiệm vụ và nhóm nhiệm vụ cụ thể cùng các giải pháp nhằm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Trong đó tập trung vào nhóm xây dựng văn bản, đề án quản lý nhà nước; nhóm các nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; sẵn sàng các phương án mở lại thị trường quốc tế; hỗ trợ địa phương phục hồi và phát triển du lịch; phát triển du lịch thông minh và xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh; công tác quy hoạch du lịch; cơ cấu lại thị trường du lịch… Tổng cục Du lịch cũng đề nghị Bộ VHTTDL bố trí kinh phí để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chuyển đổi số trong ngành Du lịch để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.

Đánh giá cao những kết quả vượt bậc ngành Du lịch đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn 2016 - 2019 với mức tăng trưởng ngoạn mục, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng những thành tựu này của ngành Du lịch là cú hích cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế ở các địa phương, nâng cao thương hiệu du lịch quốc gia. Đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn của toàn ngành, nhất là với các doanh nghiệp, người lao động trong ngành đang chịu những tổn thất nặng nề do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Thứ trưởng mong ngành Du lịch nỗ lực vượt qua thách thức, chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống, sớm phục hồi và đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Du lịch tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ, nhóm nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, trong đó hoàn thiện Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021- 2025; tiếp tục làm việc với các bên liên quan, chuẩn bị chu đáo, tính toán kỹ những được- mất trong việc mở cửa thị trường du lịch quốc tế, đảm bảo an toàn, hiệu quả; triển khai nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045; xây dựng quy chế phối hợp với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh và chuyển đổi số du lịch… 

 Tổng cục Du lịch cần tăng cường hơn nữa việc phối hợp, liên kết với các địa phương để triển khai hoạt động phục hồi và phát triển du lịch thời gian tới, hướng dẫn địa phương phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch chăm sóc sức khỏe. Đó cũng là cách để tăng cường vai trò, vị thế của ngành.

Đồng thời, đánh giá hiện trạng nguồn nhân lực du lịch, đề xuất chính sách hỗ trợ đào tạo lại, nâng cao tay nghề. Hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ liên quan đến chính sách hỗ trợ đối với HDV du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

(Thứ trưởng Đoàn Văn Việt)

 THÚY HÀ

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top