Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Ngành nghệ thuật biểu diễn tại TP.HCM: Trăn trở với nhiều thách thức

Thứ Sáu 23/07/2021 | 10:11 GMT+7

VHO- Nghệ thuật biểu diễn là một trong 8 ngành, lĩnh vực được TP.HCM xác định để tập trung xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa giai đoạn 2020-2030. Bên cạnh những mặt thuận lợi nhờ sự đa dạng, chất lượng chuyên môn ngày càng được nâng cao, TP cũng nhận định việc quản lý sự phát triển nghệ thuật biểu diễn vẫn còn nhiều bất cập.

 Các chương trình biểu diễn múa đều phải thuê địa điểm hoặc diễn cùng với các chương trình ca nhạc (trong ảnh, một phân đoạn vở múa “Kiều” của Đoàn vũ kịch HBSO)a

 Thực tế cho thấy, những cơ sở hoạt động trong ngành nghệ thuật biểu diễn đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo Cục Thống kê TP.HCM, năm 2010, có 88% cơ sở có quy mô hoạt động dưới 10 người và 100% cơ sở có quy mô vốn dưới hoặc bằng 100 tỉ đồng; thì 5 năm sau (2015), con số này cũng không có nhiều biến chuyển, 90% cơ sở có quy mô lao động dưới 10 người và 99,6% cơ sở quy mô vốn dưới hoặc bằng 100 tỉ. Đến năm 2019, các con số này lần lượt là 87% và 99,7%. Năm 2020 và 2021, với sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành nghệ thuật biểu diễn càng lâm vào cảnh khó khăn hơn.

Ca nhạc phát triển năng động, múa chưa có “nhà”

“Cơ sở vật chất phục vụ cho ngành nghệ thuật biểu diễn đến nay vẫn luôn là nỗi trăn trở của những nhà quản lý văn hóa, của cả ngành văn hóa. Có thể nói, sau 45 năm miền Nam hoàn toàn giải phong, thống nhất đất nước, TP.HCM vẫn chưa xây dựng được một nhà hát, rạp hát đủ chuẩn, có thể đáp ứng tốt nhu cầu tổ chức biểu diễn các loại hình nghệ thuật”, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM tâm tư.

Thống kê cho biết, hiện TP.HCM có trên 11 sân khấu kịch và khoảng 20 địa điểm có thể phục vụ tốt biểu diễn nghệ thuật đang hoạt động trên địa bàn. Trong số này, 5 nhà hát có thể đáp ứng được yêu cầu của hoạt động biểu diễn là Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát Bến Thành, Nhà hát Quân đội, Nhà hát Thành phố và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Đối với lĩnh vực sân khấu kịch, ngoài những sân khấu đang hoạt động, thị trường còn có sự góp sức của hàng chục nhóm kịch, diễn viên kịch tự do. Riêng lĩnh vực Múa, cho đến nay vẫn chưa có một địa điểm nào dành riêng cho loại hình này. TP.HCM có khoảng 50 đoàn múa với khoảng 46 vũ đoàn tư nhân, điều đó cho thấy việc xã hội hóa nghệ thuật múa đã phát huy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, tính cạnh tranh chỉ diễn ra mạnh mẽ đối với dòng múa không chính thống mà hoạt động của các vũ đoàn đang chiếm lĩnh thị trường này.

Đánh giá về hoạt động biểu diễn trong từng lĩnh vực, các đơn vị chuyên môn cho biết, ca nhạc là lĩnh vực có sự phát triển năng động hơn cả. Ca nhạc nhanh chóng hội nhập với nhạc trẻ quốc tế, định hình được phong cách ca sĩ độc quyền, ca khúc độc quyền, gắn biểu diễn với việc phát hành các sản phẩm âm nhạc. Nhiều nghệ sĩ mạnh dạn đầu tư các chương trình biểu diễn, khẳng định tên tuổi, tạo nên những làn sóng nghệ thuật đa dạng, vừa cạnh tranh vừa đóng góp, hình thành sự sôi động của thị trường âm nhạc, tạo nên một nhu cầu thưởng thức mới mẻ, giúp hình thành một thế hệ công chúng mới luôn gắn bó, chờ đợi ở công nghiệp hoạt động nghệ thuật biểu diễn… Tương tự, trong lĩnh vực kịch nói, sự nỗ lực tham gia xã hội hóa ngành sân khấu của đội ngũ nghệ sĩ tâm huyết đã có giai đoạn đưa sân khấu kịch đạt những bước phát triển. Tuy nhiên, Cải lương là loại hình nghệ thuật truyền thống ngày càng gặp nhiều khó khăn, nghệ sĩ cải lương chỉ tham gia biểu diễn theo các sự kiện hoặc mùa hội diễn, hầu như không còn tác giả sáng tác, dựng vở mới mang hơi thở của cuộc sống đương đại.

Thiếu nhân lực chất lượng cao, thừa nhân lực chất lượng thấp

Nguồn nhân lực của nghệ thuật biểu diễn TP đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn. Những loại hình nghệ thuật âm nhạc truyền thống - dân tộc, nhạc giao hưởng - thính phòng, nghệ thuật múa chính thống thiếu đội ngũ kế thừa. Trong khi đó, loại hình nhạc nhẹ phục vụ giới trẻ, kịch nói, nghệ thuật múa không chính thống lại rơi vào tình trạng thiếu nhân lực có chất lượng cao, thừa nhân lực chất lượng thấp. Nguyên nhân của hiện tượng này, theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đơn vị phối hợp xây dựng Đề án “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM giai đoạn 2020-2030”, là do chất lượng đào tạo và sự thay đổi thị hiếu của thị trường, người học có xu hướng chọn những ngành phù hợp với nhu cầu xã hội.

Theo Sở VHTT TP, hiện nay trình độ quản lý nghệ thuật của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung vẫn chưa bắt kịp được sự phát triển sôi động của ngành nghệ thuật biểu diễn theo hướng thị trường hóa. Nhiều tiêu chuẩn quản lý đã lỗi thời, với công nghệ 4.0, năng lực giám sát và điều chỉnh của người làm công tác quản lý chưa được đào tạo, cập nhật đầy đủ. Các chính sách quản lý ban hành chậm, chưa đầy đủ, nên chỉ thụ động chạy theo sự kiện trong thế bị động.

Số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM cũng cho thấy, doanh thu ngành nghệ thuật biểu diễn tăng qua các năm, trong đó năm 2010 đạt 532 tỉ đồng, đến năm 2015 tăng lên 799 tỉ đồng và năm 2019 trên 1.000 tỉ đồng. Phần lớn là doanh thu từ các đơn vị ngoài nhà nước, doanh thu từ các đơn vị nhà nước chiếm tỉ trọng rất thấp. Tỉ lệ đóng góp của ngành nghệ thuật biểu diễn vào sự phát triển kinh tế của TP còn khiêm tốn, chưa tương xứng với vị trí vai trò của ngành. Năm 2010, ngành nghệ thuật biểu diễn chỉ đóng góp 0,07% cho GRDP và từ năm 2011-2018 vẫn giữ tỉ lệ 0,06% GRDP toàn TP, đến năm 2019 tăng lên bằng năm 2010 với 0,07%. Như vậy, có thể thấy ngành nghệ thuật biểu diễn chưa có sự đột phá trong gần 10 năm gần đây.

Theo Sở VHTT TP.HCM, từ thực tế địa phương, dựa trên những lợi thế phát triển và cạnh tranh, sự đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa cho GRDP TP, đảm bảo công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP…, đề án chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM sẽ tập trung thực hiện đối với 8 ngành, lĩnh vực: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa và thời trang. 

 TÙNG THƯ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top