Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Cây bút trẻ viết tiểu thuyết lịch sử: Tự tin và khát khao khẳng định mình

Thứ Tư 28/07/2021 | 09:51 GMT+7

VHO- Những năm gần đây, đã có không ít tiểu thuyết lịch sử của những cây viết trẻ được ra mắt và để lại dấu ấn trong lòng công chúng yêu văn chương. Đây là tín hiệu đáng mừng của dòng văn học vốn luôn bị coi là khô khan và khó “nhằn”…

 Bìa cuốn tiểu thuyết lịch sử “Nguyên khí ngàn đời”

Họ đã “xử lý” chất liệu trên một hồn cốt mới, nhìn lịch sử theo quan điểm khách quan, mới mẻ, không quá phụ thuộc vào những đường mòn sẵn có khiến cho sự “lép vế” của thể loại này trong đời sống văn chương sẽ dần được thu hẹp.

Không ngại ngần thử sức

Cuốn tiểu thuyết lịch sử Nguyên khí ngàn đời của tác giả Lục Hường (sinh năm 1988) được xuất bản vào đầu năm nay đã ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc trên các diễn đàn và các trang mạng xã hội. Viết về triều đại nhà Mạc nhưng tác giả lại chọn đặc tả về cuộc đời của nhân vật lịch sử có thật Phạm Thọ Khảo - từng đỗ Tiến sĩ, làm Lễ bộ thượng thư Tả thị lang dưới triều vua Mạc Mậu Hợp, triều đại cuối cùng của nhà Mạc ở đất Thăng Long. Khác với các tác giả viết tiểu thuyết lịch sử thường dựng lại bối cảnh lịch sử, những hoạt động chính của nhân vật trong mối quan hệ với các nhân vật cùng thời, ở đây Lục Hường để cho nhân vật chính tự kể chuyện từ ngày xa gia đình vào cung nhận trọng trách Lễ bộ thương thư Tả thị lang cho đến khi rời bỏ cõi trần. Đây được xem là cách tiếp cận lịch sử mới mẻ, PGS. TS Vũ Nho đánh giá: “Tiểu thuyết Nguyên khí ngàn đời là một cuốn sách hay, chứa đựng thông điệp từ quá khứ, tràn đầy chất thơ và niềm tin cậy, tình cảm chân thành gửi tới mỗi người đọc hôm nay”.

Bên cạnh Nguyên khí ngàn đời, nhà văn Thiên Sơn (1972) cũng ghi dấu trong lòng bạn đọc khi viết về con đường lịch sử đầy sóng gió mà dân tộc Việt Nam đã trải qua trong thế kỷ XX khi giới thiệu cuốn tiểu thuyết Gió bụi đầy trời. Trong tác phẩm này, tác giả đã cố gắng dựng lên bức tranh đa diện về một giai đoạn phức tạp, nguy nan nhất trong quá trình tranh đấu để lập nên nước Việt Nam mới. Độc giả sẽ thấy xuất hiện ở đây những nhân vật tiêu biểu từ nhiều phía, những sự kiện đặc biệt từng chìm khuất trong bóng tối thời gian và định kiến, những vấn đề tư tưởng, những nguyện vọng thiết tha về độc lập, hòa bình của dân tộc Việt Nam và cuộc đấu tranh vượt qua những tình huống hiểm nghèo trước tham vọng thực dân đã được tác giả cố gắng trình bày trong một hình thức khách quan, giản dị.

Cùng với đó, nhiều tác giả 8X và 9X khác cũng không ngần ngại thử sức ở đề tài lịch sử với trường liên tưởng, tưởng tượng thực sự phong phú và đa dạng. Có thể kể đến Thành Châu (1991) với Hỏa dực, Hoàng Yến (1993) với Săn mộ - Thông thiên La thành Thượng Dương, Tâm Phương (1991) với Nhân duyên trăm năm… Thế hệ 8X có Cổ Nguyệt Quang với Tháng năm sen nở, Duy Lê với Cuộc vây, Vũ Văn Song Toàn với tập truyện ngắn Đợi trăng trước ngày xuất giá… Trong đó, gây ấn tượng hơn cả phải kể đến nữ tác giả Trường An với loạt tiểu thuyết lịch sử được yêu thích như Thiên nhạc, Vũ tịch, Hồ Dương (hai tập), Thiên hạ chi vương, Ngoài bờ đông là mặt trời.

Tự tin dấn bước

Khi muốn khẳng định mình bằng tiểu thuyết lịch sử - một thể loại cần độ sâu về con chữ, nghiêm cẩn, tinh tường và có tri thức văn hóa, lịch sử uyên thâm thì những lo ngại, thậm chí là nghi ngờ về kết quả cuối cùng của các tác giả trẻ là điều dễ hiểu. Thế nhưng, phải khẳng định lại rằng, người trẻ không có nghĩa là kiến thức còn non, còn mỏng, là không thể với tới những ranh giới, địa hạt ngầm hiểu là chỉ dành cho những… người lớn tuổi. Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa cho rằng: “Vốn sống thực tế hay vốn sống sách vở, vốn sống tưởng tượng thì cũng đều là “tài sản” lớn của nhà văn. Mỗi chủ thể viết sẽ tận dụng và phát huy tối đa cái lưng vốn mà mình đầy nhất, từ đó lựa chọn cách thế văn chương mà mình thuận tay nhất”.

Ngày nay, một khi người đọc đã bội thực với “hiện thực” được cập nhật từng khắc bởi truyền thông đa phương tiện, đặc biệt là mạng xã hội, thì họ tìm đến văn chương không phải để “nhận thức” thực tại. Họ phiêu lưu thám mã vào thế giới bên ngoài thế giới, để mơ tưởng, để giải trí, để tìm quên; hoặc dò vục vào lịch sử, để truy vấn, để nhắc nhớ, để dự phóng. Mà suy cho cùng, chẳng có cái viết nào của những người viết trẻ lại vô can với thời tiết chính trị, văn hóa, xã hội của thời đại mà họ thuộc về. Thực tế cho thấy, lực lượng sáng tác trẻ không còn là yếu tố phụ mà đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng được Hội Nhà văn Việt Nam quan tâm. Khi những cây bút trẻ viết tiểu thuyết lịch sử trên một hồn cốt mới, nhìn lịch sử theo quan điểm khách quan, mới mẻ, không quá phụ thuộc vào những đường mòn sẵn có thì ắt hẳn sự “lép vế” của thể loại tiểu thuyết lịch sử trong đời sống văn chương sẽ dần được thu hẹp.

Và khi văn đàn được chứng kiến nhiều tác giả trẻ chọn tiểu thuyết lịch sử là phương cách để ghi tên mình lên bản đồ văn chương đã cho thấy một lớp thế hệ cầm bút đầy tự tin và khát khao khẳng định mình. Giống như những điều nhà văn Phùng Văn Khai từng chia sẻ: “Chúng ta thấy rằng văn học và lịch sử đồng hành cùng nhau, việc tôi tiếp cận với lịch sử để chuyển hóa thành trang văn cũng hết sức tự nhiên. Lịch sử chúng ta không hề thua kém nước khác. Chúng ta có hàng nghìn năm, có văn hóa, phong tục đã trở thành bản sắc, có những trận đánh, võ công hiển hách. Việc giúp cho lịch sử không bị mai một, lãng quên là nhiệm vụ của người cầm bút. Thứ chúng ta viết không chỉ là lịch sử, mà còn là tái hiện lại cả bức tranh về văn hóa, nghi lễ, tập tục, trang phục của các vương triều, của một nền văn minh tồn tại hàng nghìn năm của dân tộc”. 

 VŨ MỪNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top