TT- Huế: Các chủ thuyền rồng chật vật mưu sinh

VHO- Từ đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát, hàng trăm con người dựa vào thuyền rồng du lịch để mưu sinh, chật vật kiếm ăn qua ngày. Nhiều gia đình vừa vay mượn tiền để đóng mới, nâng cấp thuyền xong thì dịch đến, món nợ chồng chất khiến họ thêm khó khăn.

TT- Huế: Các chủ thuyền rồng chật vật mưu sinh - Anh 1

Thuyền du lịch của anh Nguyễn Văn Tý được nâng cấp và hoạt động hơn 1 năm thì “dính” dịch Covid-19

Từ tháng 3.2020, khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho dừng hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông Hương, kèm theo đó các thuyền rồng du lịch này cũng nằm bờ, tập trung về đậu đỗ ven đường Trịnh Công Sơn, phường Phú Cát. Từ đó đến nay, cũng có những đợt dịch bệnh được khống chế, hoạt động du lịch trở lại nhưng du khách rất ít, gần như các thuyền rồng du lịch không khai thác được.

Chị Nguyễn Thị Tơ dậy từ sớm để chuẩn bị đồ cho chồng là anh Nguyễn văn Thanh đi làm. Gọi là “đi làm” cho sang, chứ anh Thanh đi phụ thợ nề, hoặc khi không có việc thì có việc gì làm việc đó. Mỗi ngày, tiền công của anh kiếm được cũng chừng 200.000-250.000 đồng, vừa lo đủ 6 miệng ăn trong gia đình và trang trải các chi phí sinh hoạt. Chị Tơ sức khỏe yếu, chỉ ở lại thuyền trông lo cho con cái. “Nhà tôi có 4 đứa con thì 3 cháu đang tuổi học, nhưng suốt gần 2 năm qua thuyền phải nằm bờ, tiền làm ra lo từng bữa ăn chứ không thể nuôi nổi con đi học”, chị Tơ vừa nói, vừa thở dài. Thuyền TTH-0032 của vợ chồng chị chỉ là thuyền đơn, nhưng cũng vay mượn khắp nơi mới đủ tiền để đóng. Riêng khoản ngân hàng đã vay gần 200 triệu đồng. Món nợ này không biết bao giờ mới trả hết.

Cách đó không xa là thuyền TTH-0039 của gia đình anh Nguyễn Văn Tý. Từ khi dừng hoạt động bởi dịch bệnh, anh Tý cũng đi kiếm việc làm nhưng sức khỏe yếu nên không ai muốn thuê, có chỗ thì làm được vài bữa phải nghỉ. Anh kể, từ năm 2020 có đi chợ đầu mối Phú Hậu nhận mua dứa rồi chở đi bán, nhưng vì bán vỉa hè nên bị trật tự dẹp. Vợ anh thì bị tiểu đường, huyết áp cao và gần như không thể lao động chân tay. “Khoảng 3 năm trước, bao nhiêu tài sản tích cóp được, rồi vay mượn thêm anh em họ hàng hơn 300 triệu đồng để nâng cấp mới thuyền du lịch, đảm bảo an toàn và chất lượng để hoạt động. Mới đưa vào khai thác được 1 năm thì “dính” ngay Covid-19 và nằm bờ đến nay. Giờ xoay sở với cuộc sống hằng ngày đã khó, áp lực về số nợ đã vay này càng khiến cho gia đình chật vật”, anh Tý kể.

Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 100 thuyền rồng du lịch, trong đó tập trung nhiều ở HTX Vận tải đường sông TP Huế với 79 thuyền. Đại diện đơn vị này cho biết, đến nay vẫn chưa nhận được thông tin gì về việc có được xem xét hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ hay không. 

 THÙY AN

Ý kiến bạn đọc