Triển lãm thực tế ảo: Thu hút người trẻ yêu lịch sử và văn hóa Việt

VHO- Triển lãm thực tế ảo đang trở thành xu hướng được ứng dụng mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực, bởi có nhiều tính năng đa dạng, sinh động nhằm chinh phục công chúng nhiều lứa tuổi.

Triển lãm thực tế ảo: Thu hút người trẻ yêu lịch sử và văn hóa Việt - Anh 1

Triển lãm thực tế ảo có thể giúp mọi người trải nghiệm nghệ thuật trong thời gian ở nhà do dịch bệnh

Với sự chung tay của cộng đồng người trẻ, ngày càng có nhiều triển lãm thực tế ảo được khai mạc, quy tụ những tinh hoa lịch sử, văn hóa Việt được trưng bày bằng công nghệ mới, hấp dẫn người xem trong thời gian gần đây.

Góp một phần “0 thiết yếu” cho những gì thiết yếu

Tính từ đầu tháng 5 đến nay, TP.HCM nói riêng cũng như cả nước đang trải qua những ngày tháng khó khăn nhất. Nhiều người hài hước cho rằng, cuối cùng những thế hệ 9X, 2K cũng đã biết đến chút không khí của thời “bao cấp”. “Trong đại dịch, chúng ta đã chứng kiến những gì không thiết yếu bỗng trở thành thiết yếu. Từ những hộp khẩu trang bị đội giá, đến rau quả đột ngột khan hiếm, những thứ tã bỉm muốn mua chẳng được. Trong một hoàn cảnh chung, người giàu cũng như người khó không ai là tránh khỏi thiệt hại, bạn bè không thể gặp mặt, thân quyến không thể ở bên, có người kẹt lại nơi đất khách, có người mất đi trong cô độc...”, đại diện nhóm Việt Sử Kiêu Hùng cho biết.

Trước tình thế đó, nhận lời chuyển giao từ họa sĩ Ấm Chè - người ấp ủ và vận động bạn bè thực hiện chương trình #Project0thietyeu, nhóm đã đứng ra phát hành bộ postcard mang tên Project 0 thiết yếu với mục đích hỗ trợ người dân và các lực lượng tuyến đầu. Người ủng hộ không đơn thuần chỉ là mua tranh, mà còn học hỏi, biết thêm về lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Sau thời gian ngắn khởi xướng, hàng trăm bạn trẻ yêu mến lịch sử đã liên hệ với nhóm để đặt hàng. Toàn bộ số tiền đã được đóng góp cho Quỹ thiện nguyện Sài Gòn mình thương nhau. Các họa sĩ tham gia chương trình cùng nhóm những người yêu sử Việt mong góp một phần “0 thiết yếu” cho những gì thiết yếu, vì người dân, vì một Việt Nam vượt qua đại dịch. Một điểm khá đặc biệt là dù không có sự định hướng về chủ đề tranh, nhưng dự án đã quy tụ được khá nhiều tác phẩm về đề tài lịch sử, văn hóa Việt Nam…

Sau khi chiến dịch thiện nguyện “0 thiết yếu” kết thúc, các tác phẩm tranh đã được nhóm Việt Sử Kiêu Hùng tập hợp, trưng bày dưới hình thức triển lãm thực tế ảo (VR). Trên nền tảng Seensio (do một đơn vị tại Việt Nam phát triển), BTC đã xây dựng không gian sự kiện dưới định dạng 3D với 3 khu vực triển lãm khoảng 80 bức tranh. Người tham dự chỉ cần chụp ảnh chân dung, sau đó hệ thống sẽ tạo nhân vật 3D giống hệt đời thực từ dung mạo cho đến trang phục. Cũng nhờ điểm nhấn này, bạn bè, người thân có thể tham gia và gặp gỡ nhau theo cách hết sức mới mẻ và thú vị. Họa sĩ Đỗ Thái Thanh, một thành viên sáng lập triển lãm, chia sẻ: “Bước vào triển lãm trực tuyến này, mọi người có thể thoải mái xem tranh như lúc chưa xảy ra đại dịch. Hy vọng triển lãm mang đến trải nghiệm nghệ thuật độc đáo, truyền năng lượng tích cực cho người xem”.

Triển lãm thực tế ảo: Thu hút người trẻ yêu lịch sử và văn hóa Việt - Anh 2

 Thông tin về lễ hội và trang phục truyền thống đồng bào Bố Y của dự án Đồng bào Việt phục

“Đồng bào Việt phục”

Những bài viết với lời mở đầu “Chào đồng bào!” của dự án Đồng bào Việt phục nghe có vẻ xa xưa, thế nhưng gần đây lại thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ bởi lối vẽ minh họa trẻ trung kết hợp công nghệ thực tế ảo tăng cường. Tìm về những câu chuyện văn hóa bản địa, đặc sắc vùng miền, nhóm bạn trẻ của trường Đại học FPT Cần Thơ đã cùng nhau kể chuyện bản sắc, văn hóa trong đời sống và nếp sinh hoạt của 54 dân tộc anh em. Điểm nổi bật tạo nên sự khác biệt của nhóm là dùng AR cho nhân vật di chuyển trên nền nhạc. Để hoàn thiện sản phẩm, nhóm mất hơn 15 tuần với những công đoạn phác thảo, tìm thông tin, sử dụng illustration, graphic design để thiết kế và áp dụng AR làm video demo. Đặc biệt, nhóm không chỉ giới thiệu về trang phục truyền thống của từng dân tộc mà còn cung cấp thêm thông tin về chất liệu, họa tiết, ý nghĩa của việc thiết kế cũng như khái quát về nguồn gốc xuất xứ, cách mặc trang phục gắn với lễ hội dân gian hoặc trong đời sống, sinh hoạt, văn hóa tín ngưỡng của mỗi dân tộc…

Đặc biệt, mỗi cặp hình minh họa ứng với từng dân tộc đều có một mã QR riêng để người đọc quét mã thông qua camera điện thoại và nhìn thấy phiên bản ảnh nổi AR sinh động của các nhân vật ngay trên màn hình. Hiện nay, toàn bộ 108 hình minh họa của 54 dân tộc đã được đăng tải trên trang Facebook Đồng Bào Việt Phục. Tuy nhiên, các mã QR vẫn được giấu kín vì nhóm dự định sẽ tiết lộ ở những sự kiện trong tương lai. Thảo Nhi, một thành viên dự án bày tỏ: “Nhóm mong muốn dùng cách nhìn của người trẻ để khám phá những giá trị văn hóa truyền thống bao đời của ông bà mình, từ đó có cách tiếp cận mới mẻ hơn đến các bạn thời nay. Chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản và cố gắng làm hết sức để mang những giá trị văn hóa truyền thống xưa cũ trong một lớp áo mới, làm sao vẫn giữ gìn được cái hồn, cái gốc của những giá trị văn hóa truyền thống đó…”. Đồng hành với dự án Đồng bào Việt phục cũng là đồ án tốt nghiệp của nhóm từ những ngày đầu, thầy Trần Nguyên Tùng, Chủ tịch Hội đồng bảo vệ đồ án chia sẻ: “Giữa những thay đổi, tiến bộ không ngừng của văn hóa trong đời sống hiện đại, những giá trị truyền thống sẽ bị không quên lãng vì những ý tưởng, sự sáng tạo, cống hiến của các bạn trẻ mà cụ thể như trong sản phẩm văn hóa Đồng bào Việt phục. Nhóm đã biết cách kết hợp sản phẩm nghệ thuật với những giá trị công nghệ nhằm tạo nên sự đồng hành, góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống cho con người và đất nước Việt Nam”.

Với khát khao tìm lại và lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, hướng về nguồn cội và lan tỏa sức mạnh dân tộc, nhiều bạn trẻ đã, đang và sẽ tiếp tục với hành trình san sẻ yêu thương song hành với sứ mệnh truyền bá văn hóa - lịch sử bằng công nghệ kỹ thuật số hiện đại. Từ đó, mang những nét đẹp truyền thống đến các bạn trẻ nói riêng, người Việt Nam nói chung hay thậm chí đưa ra quốc tế. 

 BÁ TRƯỜNG

 =

Ý kiến bạn đọc